Ngày nay, ít có doanh nghiệp nào chịu an phận và chấp nhận để công việc kinh doanh của mình chỉ mãi loanh quanh trong “ao nhỏ”, mà họ luôn khát khao vươn mình ra biển lớn, xâm nhập các thị trường nước ngoài, thậm chí vươn ra toàn cầu.
Không chỉ các tập đoàn, các công ty lớn mới có thể thống trị sân chơi này, mà ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhanh chóng chuyển mình, nắm lấy những cơ hội giao thương có quy mô quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về thủ tục hành chính, pháp luật, những khác biệt chính trị, văn hoá, xã hội giữa từng quốc gia, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những rủi ro tài chính mà khi còn ở trong nước, họ không lường hết được.
Sau đây là ba bài học kinh nghiệm cơ bản được các chuyên gia tài chính hàng đầu đúc kết nhằm giúp các doanh nghiệp chuẩn bị và phòng tránh các rủi ro tài chính khi bước ra thế giới.
Phải chuẩn bị những gì trước khi đàm phán và ký kết hợp đồng kinh doanh?
Có ít nhất ba lĩnh vực bạn cần tiến hành khảo sát kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký kết hợp đồng. Đó là: (1) các quy tắc và phương thức thanh toán tiền tệ, (2) luật bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài của nước sở tại và lịch sử, văn hóa của quốc gia đó, (3) bề dày kinh nghiệm hoạt động của đối tác. Nước Mỹ, nơi quy tụ những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, đã phải thừa nhận những sai lầm mang tính chủ quan của họ như việc chỉ thuê các văn phòng giám sát tài chính hoặc thực hiện việc uỷ nhiệm tài chính cho một đại diện khác khi thực hiện những thương vụ có quy mô quốc tế.
Tuy nhiên, mọi việc không chỉ có vậy!
Hãy đánh giá và ước lượng những rủi ro tài chính thông qua dữ liệu và báo cáo tài chính đáng tin cậy của chi nhánh các ngân hàng xuất – nhập khẩu (vốn được kết nối theo mạng lưới quốc tế), hoặc văn phòng thương mại tại quốc gia mà công ty bạn định đầu tư. Bạn đừng nên chủ quan rằng có thể bỏ qua quá trình tìm hiểu đối tác, bởi vì đối tác này vốn đã từng thực hiện giao dịch thành công với công ty bạn trong thời gian gần đây. Các chuyên gia nhận định rằng, hoạt động của các công ty bị chi phối khá nhiều từ bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của một quốc gia, và chỉ trong một thời gian ngắn cũng có thể xảy ra những biến cố làm phương hại đến hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Không kiểm soát được những biến cố của đối tác, dù chỉ trong một thời gian ngắn, đồng nghĩa với việc công ty bạn nắm chắc trong tay phần thất bại.
Sau một thời gian khảo sát, công ty bạn quyết định thực hiện hợp đồng kinh doanh, đâu là những điều khoản ràng buộc cần thiết?
Không phải nhà xuất khẩu nào cũng dễ dàng thoả thuận được giá cả, hình thức đặt cọc tiền cũng như thanh toán trước và sau mỗi hợp đồng kinh doanh. Đã có không ít doanh nghiệp phải chịu “tiền mất, tật mang” vì những sơ hở trong các điều khoản ràng buộc và cam kết thanh toán hợp đồng với đối tác. Theo kinh nghiệm của một số công ty, họ buộc phải có những nguyên tắc cứng rắn với đối tác nước ngoài, một khi họ chưa thu thập được những báo cáo chính xác để đặt niềm tin vào đối tác này. Cụ thể là đối tác buộc phải thanh toán trước giá trị đã được thoả thuận trong hợp đồng, giới hạn giảm giá chỉ trong khoảng 2% trở xuống, kèm theo đó là những văn bản và giấy tờ cam kết thanh toán đủ cơ sở pháp lý (khiến đối tác không thể chối cãi được trong tình huống thương vụ thất bại hay tranh chấp). Về những đối tác yêu cầu khất nợ, bạn cần xác minh tình hình tài chính của đối tác, để xem liệu họ có đủ khả năng thanh toán nợ hay không, giấy tờ cam kết đã hợp lệ hoặc còn khe hở nào hay không. Hãy tìm đến sự giúp đỡ của ngân hàng nơi công ty bạn mở tài khoản để tiến hành giao dịch nhằm xác minh tình hình của đối tác. Một địa chỉ đáng tin cậy khác mà bạn có thể tìm đến là Văn phòng thương mại quốc gia của nước đối tác.
Nếu doanh nghiệp của bạn chưa có bề dày kinh nghiệm khi giao thương với các đối tác nước ngoài, có thể bạn e ngại rằng những điều khoản quá cứng rắn như vậy sẽ khiến bạn để tuột mất những “con cá lớn”. Vậy, phương thức an toàn nhất với công ty bạn lúc này là phải đăng ký bảo hiểm khi đầu tư hoặc kinh doanh ở nước ngoài. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều có các gói dịch vụ bảo hiểm rủi ro cho các doanh nghiệp khi kinh doanh tại hải ngoại.
Mọi điều khoản đều đã được hai bên thoả thuận và chấp nhận, song bạn vẫn chưa hoàn toàn yên tâm…
Các nhà xuất khẩu hãy biết cách tự bảo vệ mình trước những biến cố và rủi ro trong lĩnh vực tiền tệ. Năm 1992, khi giá trị tiền tệ của hai quốc gia Anh và Pháp bất ngờ tụt dốc nghiêm trọng, đã có những doanh nghiệp mất trắng 25% giá trị tài sản của mình chỉ sau một đêm. Bởi vậy, không có một địa điểm nào là tuyệt đối an toàn cho công việc kinh doanh của bạn cả, cho dù nơi đó được mệnh danh là “thiên đường đầu tư”. Bạn không bao giờ được phép chủ quan và phải biết trù liệu cho những tình huống xấu nhất. Theo các chuyên gia tài chính, phần lớn các tập đoàn và công ty đa quốc gia đều có tài khoản ở ngoại quốc, đặc biệt là với mỗi thương vụ làm ăn, thì việc thành lập một tài khoản ngân hàng có địa chỉ gần với trụ sở của đối tác tại nước ngoài sẽ giúp bạn nhanh chóng và thuận tiện trong việc thu hồi nợ, cũng như hạn chế tối đa các rủi ro về tiền tệ. Bên cạnh đó, những tập đoàn và công ty này còn đưa ra một tỉ lệ hối đoái dự phòng, trong trường hợp xấu nhất, họ hi vọng sẽ nhận được lượng ngoại tệ tương ứng.
Một lời khuyên nữa cho những doanh nghiệp mới “chân ướt chân ráo” bước ra nước ngoài, giải pháp an toàn nhất cho bạn là kiên quyết thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ. Nếu đối tác từ chối, bạn nên dứt khoát và kịp thời chấm dứt hợp đồng.
Bạn thấy đấy, biển lớn nhiều sóng dữ, tuy nhiên điều quan trọng nhất cho mỗi chuyến “ra khơi” làm ăn là sự chuẩn bị đầy đủ về các điều khoản trong hợp đồng, xác minh đối tác cẩn thận và đặc biệt là tâm lý không chủ quan. Như vậy, công ty bạn mới có thể hạn chế tối đa những rủi ro và vững tin vươn ra thị trường quốc tế đầy tiềm năng và nhiều cơ hội.
Theo Diendanquantri