Những gợi ý để yêu công việc hiện tại hơn

Thông thường, khi cảm thấy không hài lòng về công việc hiện tại của mình, mọi người sẽ tự động tìm kiếm một công việc khác hoặc tạo ra sự thay đổi trong công việc hiện tại. Để giúp xác định xem bạn cần phải thay đổi công việc, nghề nghiệp hay đơn giản là thay đổi cách suy nghĩ về công việc hiện tại, hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây.

1, Tình nguyện làm một công việc tương tự

Khi công việc hiện tại không đem đến cho bạn kết quả như mong đợi, muốn tìm một công việc yêu thích, bạn đừng vội vàng từ bỏ. Bạn nên tình nguyện làm một số công việc tương tự, trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng trước khi xác định xem công việc đó có phù hợp hay không. Quá trình làm việc này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại mong muốn của bản thân và giúp bạn có thêm kinh nghiệm. Nếu sau thời gian đó bạn cảm thấy vui mừng về công việc này, có lẽ bạn nên bắt đầu tìm kiếm những vị trí tương tự ở các công ty khác. Điều này cũng cho thấy, loại công việc bạn đang làm thực sự không phù hợp.

2, Suy nghĩ về những gì bạn đã làm

Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những gì bạn đã thực hiện và các bước đã tiến hành để có được vị trí hiện tại trong sự nghiệp của bạn. Liệu đó có phải là những quyết định dựa trên sở thích hay chỉ là để có việc làm, hoặc vì nó phù hợp với năng lực bản thân?
Theo Yosh Beier – Quản lý khách hàng tại công ty đào tạo lãnh đạo Brooklyn, điều quan trọng hơn cả là phân tích xem những gì đã đưa bạn đến vị trí hiện tại. “Dù thất vọng với những gì có được ở thời điểm hiện tại, bạn cũng phải nhìn nhận xem thời gian qua bạn đã làm những gì, thực hiện từng bước như thế nào. Bạn hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn thất vọng để có những thay đổi đáng kế về sau”.

3, Thay đổi những điều khiến bạn khó chịu

Một khi xác định những gì làm phiền bạn, khiến bạn thường xuyên khó chịu trong công việc, hãy thử thay đổi nó. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với sếp và đồng nghiệp về những khó chịu mà bạn gặp phải tại nơi làm việc để loại bỏ những yếu tố đó. Biết đâu, khi những khó chịu biến mất, bạn lại thấy yêu công việc hiện tại.

4. Viết ra giấy những gì bạn nghĩ về công việc

Bạn hãy viết ra những điều bạn yêu, ghét trong công việc và làm cho nó cụ thể hơn. Điều này giúp bạn nhìn nhận chính xác ưu và nhược điểm để có thể dễ dàng xem điều gì là quan trọng nhất với bạn, từ đó đưa ra quyết định tiếp tục hay kết thúc công việc hiện tại.

5, Nỗ lực nhiều hơn

Noelle Nelson – chuyên gia tâm lý và là tác giả của cuốn “The Power of Appreciation in Business” cho rằng, hãy đưa ra những bằng chứng về thái độ của bạn đối với công việc hiện tại. “Bạn vẽ một đường tròn lên mảnh giấy và viết xuống đó những gì bạn nghĩ là cần thiết để đảm bảo một công việc như ý. Sau đó, vẽ tiếp một vòng tròn khác và ghi vào đó những gì đang làm, bạn đóng góp những gì cho công ty, mức độ tập trung cho công việc và hoàn thành mục tiêu đặt ra như thế nào..? Từ đó, bạn đối chiếu hai bản này với nhau và xem có điểm gì cần cải thiện để có thể hài lòng hơn với công việc”. Thêm vào đó, bạn có thể nỗ lực thay đổi mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp và mở ra những cơ hội mới cho mình ngay tại công ty. Tuy nhiên, một khi thấy rằng, những gì bạn làm không thể thay đổi được tình hình, đây là lúc bạn nên cân nhắc đến một sự thay đổi cụ thể.

6, Tạm thời bỏ qua

Nếu quyết định về việc ở lại hoặc ra đi không thể đưa ra một cách rõ ràng ngay lập tức, hãy bỏ qua và dành thời gian thư giãn thật thoải mái, có thể là một chuyến đi chơi sẽ làm cho đầu óc bạn tỉnh táo để đưa ra quyết định sáng suốt.

7, Chuyển sự tập trung

Tập trung vào những gì bạn thích về công việc của bạn. Đó có thể là một phần đặc biệt của công việc, mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, sự gắn bó tòa nhà nơi bạn làm việc hoặc giờ giấc, môi trường làm việc ở công ty

8, Tập trung vào sự phát triển nghề nghiệp

Cho dù bạn quyết định ở lại hay rời đi, hãy chắc chắn rằng quyết định đó sẽ tạo điều kiện cho bạn phát triển trong sự nghiệp. Đôi khi, quyết định rời bỏ công việc hiện tại và chuyển sang một công việc mới có thể chỉ đem đến cho bạn sự thay đổi môi trường mà không đem lại cơ hội phát triển.
Vì thế, mọi sự thay đổi đều phải vì mục tiêu phát triển. Hãy luôn nhìn về trước, nơi mà bạn muốn đến và cần đến – dù là trong công ty hay ngoài công ty, bạn cũng nên tận dụng cơ hội để phát triển bản thân.

9, Đánh giá tác động của công việc hiện tại

Sự tác động của công việc hiện tại đến bạn cũng là một yếu tố giúp bạn quyết định đi hay ở. Một khi, công việc không mang đến cho bạn sự say mê nhưng lại cho bạn một môi trường chuyên nghiệp, ổn định, thân thiện với các đồng nghiệp, thì bạn cũng nên cân nhắc đến việc thay đổi. Nhưng nếu công việc đang khiến bạn chán nản, mất dần sự tự tin và niềm đam mê từ hồi còn bé thì đây là lúc bạn nên dứt khoát rời đi.

Theo tapchilamdep