Thời điểm thứ nhất là ngay bây giờ, ngay thời điểm này và thời điểm thứ hai là bất cứ khi nào mà bạn bắt tay vào kinh doanh. Nếu bạn đã bỏ lỡ cơ hội lập kế hoạch marketing khi bắt đầu kinh doanh và chẳng có cách nào để thời gian quay trở lại, thì bạn hãy tập trung xây dựng nó ngay bây giờ.
Hoạt động marketing rất phức tạp. Nó là tập hợp của rất nhiều chiến lược và các thành tố khác nhau và để hoạt động marketing có hiệu quả, việc đầu tiên là bạn phải lên kế hoạch, sau đó tập hợp nguồn lực để kiên định thực hiện kế hoạch mà bạn xây dựng. Việc thiết lập ra một lịch trình cho việc thực hiện kế hoạch marketing là cách tốt nhất để tổ chức các hoạt động marketing của bạn. Và lịch trình thực hiện kế hoạch cũng được xem như là một tài liệu làm việc cần thiết mà bất cứ khi nào cần, bạn có thể xem lại và cập nhật thêm kế hoạch trong suốt cả năm.
Lịch trình thực hiện kế hoạch marketing không phải được xây dựng dựa trên sự tưởng tượng hay tính võ đoán. Bạn nên tham khảo và sử dụng biểu đồ. Trục X là trục thời gian. Trục Y là các sáng kiến marketing, các sự kiện hoặc các hoạt động marketing bạn sẽ thực hiện trong năm kế hoạch.
Ví dụ, nếu bạn có dự định thực hiện các hoạt động xúc tiến bán hàng hai tháng một lần, bắt đầu từ tháng Hai, bạn có thể đặt vào trục X các cột tháng Hai, tháng Tư, tháng Sáu, tháng Tám, tháng Mười, tháng Mười Hai. Nếu như bạn có dự định phát hành thư chào hàng mỗi tháng một lần, tên các tháng trong năm sẽ được đặt trên đầu các cột của trục X tương ứng với tên hoạt động đó ở phía bên trái các cột.
Làm cách nào bạn có thể lên được một lịch trình thực hiện các kế hoạch marketing trong năm? Các hoạt động marketing nào bạn sẽ thực hiện? Tất cả các ý tưởng marketing xuất hiện bất chợt nếu chỉ nằm im trong đầu của bạn, chúng sẽ chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng biết đâu nếu đem áp dụng, nó sẽ trở nên rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả bất ngờ. Hãy cân bằng các hoạt động marketing với những hoạt động khác bạn cần làm trong kinh doanh của bạn. Lên kế hoạch cho những gì bạn có thể làm phải trọn vẹn, đầy đủ chứ không phải chỉ đưa ra một cách hời hợt, nửa vời. Và vấn đề đầu tiên mà bạn cần phải xem xét trước khi đưa ra các ý tưởng của mình vào ma trận, đó là sự phù hợp, tính thực tế và khả năng tài chính.
Sử dụng lịch trình cụ thể cho một kế hoạch marketing cho phép bạn làm được bốn điều sau đây đối với các hoạt động marketing của mình:
1. Giúp bạn có thể tổ chức, phân loại và ưu tiên thực hiện các ý tưởng và hoạt động marketing trong năm.
2. Giúp bạn phát hiện và đặt các hoạt động marketing vào đúng vị trí.
Nếu có quá nhiều cột trên trục X có nghĩa là bạn nên mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nhiều khi các ý tưởng về hoạt động marketing đưa ra trong lịch trình chỉ là kết quả của các hoạt động kinh doanh mang tính thời vụ và dựa trên thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Ví dụ, các hoạt động bán lẻ sẽ diễn ra mạnh vào quý thứ ba trong năm, và rất nhiều hoạt động khuyến mại, giảm giá sẽ được thực hiện trong quý thứ tư, vì đó là mùa của nghỉ ngơi và du lịch.
3. Giúp bạn loại bỏ các khoảng trống trong hoạt động marketing.
Việc thực hiện một kế hoạch dày đặc các hoạt động marketing sẽ khiến cho các sản phẩm của bạn luôn ở trong sự lựa chọn của khách hàng hiện tại, cũng như là cơ hội tốt để vươn tới các khách hàng tiềm năng. Mục tiêu quan trọng của bạn đối với các hoạt động marketing là phải giành được vị trí đầu tiên trong nhận thức của khách hàng. Tính kiên định, trước sau như một là một chìa khóa quan trọng, và điều này chỉ có được khi các hoạt động marketing được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong năm. Vì vậy, hãy loại bỏ những khoảng trống trong hoạt động marketing của bạn.
4. Giúp bạn đánh giá một cách dễ dàng hơn các hoạt động marketing.
Vào thời điểm cuối năm, hoặc bất cứ quý nào hoặc thời điểm nào mà bạn đã định ra, hãy phân loại các hoạt động và ý tưởng sáng tạo. Bạn có thể sử dụng cách phân cấp tầm quan trọng, xếp theo thứ tự từ 1 đến 10. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng phân loại đơn giản hơn, theo thứ tự A, B, C.
Nếu như các ý tưởng sáng tạo mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của bạn, hãy đánh dấu nó lại. Nếu như nó mang lại thành công vừa phải, hãy xếp nó ở vị trí trung bình. Còn nếu nó không hoạt động hiệu quả hoặc khó thực hiện, hãy xếp nó vào vị trí thấp.
Giá trị thiết thực của hoạt động này là: khi bạn lên kế hoạch marketing cho năm tiếp theo, hãy xem xét và áp dụng lại những hoạt động đã mang lại hiệu quả và những gì đã được bạn đánh giá cao. Cố định, cải tiến hoặc cũng có thể cắt bớt các hoạt động mà bạn xếp vào mức độ trung bình. Cuối cùng, loại bỏ các hoạt động marketing mà không mang lại hiệu quả nào cả.
Đây là những giá trị mà việc lập lịch trình cụ thể để thực hiện các kế hoạch marketing sẽ mang lại cho bạn. Hãy làm những gì mà bạn thấy cần thiết phải làm cho hoạt động kinh doanh của mình. Bạn có thể lên kế hoạch cho từng quý, nếu thấy việc này dễ dàng hơn cho việc lên kế hoạch cho hàng tháng. Một khi bạn đã lập ra được kế hoạch marketing, hãy theo sát và kiên trì thực hiện nó. Các thành công trong kinh doanh sẽ đến với bạn.
Theo marketingvietnam/ Vân Anh (Dịch từ Entrepreneur)