Nghệ thuật “bỏ bùa” của nhà quản lý.

Dân gian đồn rằng, khi trúng phải bùa yêu, người ta yêu mê mệt đối phương, bất chấp khó khăn, trở ngại. Còn trong quản lý nhân sự, để một nhân viên ưng ý yêu thích lấy công việc chính là nghệ thuật “bỏ bùa” của nhà quản lý.
Tại quận 8, Tp. Hồ Chí Minh có một ông thầy chuyên dạy Toán khá nổi tiếng. Cha ông cũng là một giáo viên dạy Toán có tiếng, rồi truyền nghề cho con trai. Vì thế, nhiều gia đình, cha học xong thì giới thiệu cho con, anh chị học xong lại giới thiệu em út đến tìm nhà ông thầy này để được rèn.

Ông không dạy ở trường chính thống nào, chỉ mở lớp tại nhà, vậy mà học trò đến học kín mít, trong đó có cả học sinh các trường chuyên, lớp chọn. Hẳn nhiên, bọn trẻ đến học lớp ông không phải để được “gà bài” hay để được lòng thầy, mà đơn giản là vì được thầy truyền cho nhiều kiến thức hữu ích.

Chưa bàn đến nội dung môn Toán, có hai điểm khác biệt thú vị mà người thầy này luôn truyền đạt cho học trò là: (1) Xem môn Toán như… người yêu của mình chứ không chỉ đơn giản là một môn học và (2) Các trò phải ganh đua trong việc sở hữu kiến thức.

Tình yêu thời học trò vốn thi vị và là một đề tài nhạy cảm trong mắt các em. Lứa tuổi áo trắng lại có khuynh hướng thần tượng hóa tình yêu và người yêu.

Vì thế, gắn kết hình tượng một môn học với một đề tài “người lớn” như thế dễ tạo ấn tượng mới lạ đối với các em hơn là chỉ đơn giản là thúc ép “gắng học chăm ngoan để đạt điểm cao, làm vui lòng cha mẹ”. Để tăng them tính hấp dẫn cho môn học, các bài giảng còn được “trang điểm theo kiểu Halloween” bằng các loại “bùa chú” như cách gọi của ông – các mẹo giải Toán mà học trò khó lòng học được trong các giờ học chính thống ở trong trường, để bọn trẻ vừa hiếu kỳ, vừa thấy tự hào vì mình được sở hữu một “kỹ năng bí mật” mà các bạn khác cùng trang lứa không có được.

Mặt khác, những đồ thị dưới con mắt thầy trò lớp Toán đều được biến hóa thành những hình ảnh quen thuộc hàng ngày, như một kiểu lãng mạn Toán học khiến môn học vừa gần gũi, vừa thú vị. Thêm vào đó, học trò được khuyến khích lập nhóm chơi than với nhau.

Ban đầu là thông qua các hoạt động định hướng do thầy phát động như cùng nhau tổ chức tiệc, đi dã ngoại… rồi dần dần, các bạn trẻ thân thiết với nhau, tự gắn kết bằng các hoạt động khác đa dạng hơn, từ đó hình thành các nhóm bạn thân trong lớp.

Từ những học sinh này, đã có nhiều nhóm chơi thân với nhau từ thời học sinh đến khi trưởng thành, lập gia đình, có con cái… Đã “yêu” thì có ít nhiều tính chiếm hữu nên các phương pháp giải bài tập và các mẹo cạnh tranh chỉ được chia sẻ với “đồng môn” chứ không phải bạn bè cùng lớp. Ông còn bày vẽ học trò nhiều cách để chủ động theo dõi năng lực của mình và “đối thủ”…

Nói chung, bằng nhiều tiểu xảo, vô hình trung, môn Toán khô khan mà ông dạy trở nên thú vị, đòi hỏi phải luôn có ý thức nâng cao và khiến học trò tự hào mỗi khi được sở hữu những kiến thức mới.

Nếu nhìn câu chuyện ở khía cạnh nhân sự, ông thầy lắm chiêu kế trên khá thành công trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và kích lệ tinh thần nhân viên: biết liên hệ chuyên môn vào ý nghĩa đời thường, xây dựng tình cảm thân thiết giữa các thành viên trong tổ chức, tạo động lực để phấn đấu làm chủ công việc… Được nắm bắt tâm lý tinh tế, “nhân viên” cảm thấy lớp học là một gia đình thứ hai, là nơi đến với những người bạn thân thiết, là nơi gặt hái những điều thú vị chứ không chỉ đơn giản là tham gia một lớp học thêm nhằm đối phó với thành tích ngắn hạn.
Đối với người lao động, nếu có thêm nhiều ràng buộc với công việc, chẳng hạn hiểu được ý nghĩa công việc họ làm, nỗ lực phấn đấu chinh phục thử thách và sở hữu thành quả lao động đạt được, có những mối quan hệ cộng sự bền chặt… thì họ sẽ có thêm chất keo gắn bó với doanh nghiệp và làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần