Thời gian gần đây, sắp đến mùa sinh viên nghỉ hè, ra trường nên các trung tâm giới thiệu việc làm tại TP. HCM mọc lên như nấm sau mưa. Với chiêu sách “việc nhàn, lương cao”, các trung tâm “ma” đã khiến biết bao người lao động, sinh viên sập bẫy.
Cách đây 2 tuần, Nguyễn Văn Trung, nhân viên kinh doanh tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã trở thành nạn nhân của trò lừa việc làm này.
Được biết, do thời gian rảnh rỗi, muốn đi làm thêm kiếm tiền nên Trung đã liên lạc với một công ty trên đường Lê Đức Thọ (Q. Gò Vấp) qua điện thoại. Công ty này cho biết, Trung sẽ đi giao hàng từ 20-22h đêm, tiền công 200 ngàn đồng/ca.
Một điều lạ là khi đến trụ sở công ty, Trung chỉ thấy một nhân viên ngồi trước cửa để ghi danh người đăng ký công việc. Sau khi đã kê rõ tên tuổi, địa chỉ, nhân viên này hẹn Trung một tuần sau bắt đầu đi làm và yêu cầu anh nộp 400 ngàn đồng đặt cọc.
“Thấy lương cao nên tôi vui vẻ đống ngay. Tuy nhiên, sau một tuần tôi tìm đến địa chỉ trên thì thấy công ty đã đóng cửa, điện thoại không liên lạc được. Lúc đó, khoảng hơn 20 người mà hầu hết là sinh viên cũng có mặt ở đó. Biết bị lừa, tất cả cùng ngán ngẩm bỏ về”, Trung chia sẻ.
Trong vai một sinh viên đi kiếm việc làm thêm, chúng tôi tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm cho sinh viên tại Q.Thủ Đức (TP.HCM). Tại đây, PV được một nhân viên giới thiệu hàng chục công việc hấp dẫn như gói quà, giao hàng, bán hàng… với lương cao.
Thấy chúng tôi ưng ý với công việc gói quà với mức lương 200 ngàn đồng/ngày, người này yêu cầu nộp 500 ngàn đồng tiền đặt và 50 ngàn đồng phí dịch vụ.
Chúng tôi thắc mắc về số tiền đặt cọc, nhân viên này giải thích: “Sở dĩ trung tâm phải làm như vậy vì sợ người lao động tự ý bỏ việc. Nếu các anh hủy hợp đồng thì chúng tôi sẽ lấy số tiền đó bồi thường cho đối tác. Khi nào các anh hoàn thành công việc trung tâm sẽ hoàn lại”.
Vừa bước ra cổng, PV gặp G., sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM. G. cho biết đã nộp 350 ngàn đồng tiền đặt cọc cho trung tâm này nhưng công việc giới thiệu không đúng như thực tế. Trong hợp đồng ghi rõ là giao hàng nhưng thực tế tôi phải đi khuân vác.
Hơn nữa, lương cũng chỉ được một nửa so với giới thiệu. Được biết, không chịu đựng được công việc nặng nhọc, G. đến xin nghỉ nhưng nhân viên tại trung tâm không đồng ý trả lại tiền cọc. Cô ta nói rằng, lao động đã vi phạm hợp đồng nện đã bị phạt tiền đặt cọc.
Hay trường hợp của chị Lê Thị Thu Thanh, nhân viên bán hàng (Q.10, TP.HCM). Sau 3 ngày lên mạng, chị tìm được công việc thiết kế mẫu sản phẩm vào buổi tối.
Liên lạc tới số điện thoại của người tuyển dụng, Thanh được một người hẹn sáng hôm sau đến một chi nhánh giới thiệu việc làm tại Q. Bình Thạnh (TP.HCM) để nhận việc. Tuy nhiên, sau một tháng làm thử, Thanh “chạy mất dép” vì bị giao quá nhiều việc nhưng hưởng lương ba cọc ba đồng.
Giọng bực tức, Thanh cho biết: “Mặc dù được giao công việc thiết kế mẫu sản phẩm nhưng họ bắt tôi làm gấp 2,3 lần so với lượng công việc mà trung tâm giới thiệu.
Được một tháng, tôi xin nghỉ làm và đến hỏi tiền công thì giám đốc chỉ trả tôi 600 ngàn đồng. Họ nói với tôi là đã chi trả 50% cho trung tâm giới thiệu việc làm”. Sau đó, chị Thanh mới phát hiện ra, tại trung tâm giới thiệu việc làm trên, đã có rất nhiều người bị lừa với “chiêu” tương tự.
Theo ghi nhận của PV, chiêu thức của các trung tâm, công ty “ma” áp dụng để lừa người lao động thường là phát tờ rơi giới thiệu việc làm nhẹ nhàng, lương cao. Ngoài ra, các đường dây này còn cho đăng các mẩu rao vặt tuyển dụng trên các trang mạng.
Trao đổi về vấn đề này, thiếu tá Lê Duy Mười, Công An TP.HCM cho biết, hiện nay tại TP, hàng tuần chúng tôi đều ghi nhận các trường hợp đi xin việc bị các trung tâm, công ty, cò mồi lừa đảo. Tuy nhiên, hầu hết người xin việc không hề đưa ra được giấy tờ hay chứng cứ gì.
Theo thiếu tá Mười, khi rơi vào các trường hợp trên, người lao động cần nhanh chóng đến công an phường để trình báo sự việc. Công an các ở khu vực đó sẽ nhanh chóng tìm ra thông tin những người mở dịch vụ để điều tra xử lý.
Hơn nữa, việc trình báo sớm nhất sẽ giúp lực lượng công an tổ chức triệt phá các đường dây giới thiệu việc làm dỏm. Ngoài ra, người lao động cũng nên để ý kẻo mắc lừa “cò” môi giới việc làm. Họ sẵn sàng chở đi tìm việc, dù được hay không nhưng vẫn bắt người lao động đóng phí.
TP.HCM sẽ cần 265 nghìn lao động năm 2012
Theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết, kết quả khảo sát và phân tích nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp năm 2012 và đặc điểm thị trường lao động cho thấy thị trường lao động TP. HCM vẫn còn nhiều khó khăn, biến động.
Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2012 sẽ khoảng 265.000 lao động, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới và nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm 57,7%. Trong đó, 10 nhóm ngành nghề cần nhiều lao động nhất là Marketing, dệt may, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính – kế toán, cơ khí , xây dựng, quản lý – hành chính, điện công nghiệp – điện lạnh, chế biến lương thực thực phẩm.
Theo tinmoi.vn