“Kinh doanh theo trào lưu”, “thị trường bão hòa”, liệu đầu tư vào mặt hàng trà sữa này còn có khả năng sinh lời? Thực tế cho thấy trà sữa vẫn là những quả trứng vàng cho các nhà đầu tư với sự hồi vốn nhanh chóng và không chịu ảnh hưởng của mùa vụ.
Bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể việc dùng 1 – 2 tỷ cho một cửa hàng trà sữa nhượng quyền bạn cần phải chi những khoản gì.
1. Lựa chọn thương hiệu nào?
Với những mô hình kinh doanh theo kiểu nhượng quyền thương hiệu, chủ đầu tư thường tìm đến những cái tên đình đám, được nhiều khách hàng tin dùng như: TocoToco, Ding Tea… để ký hợp đồng, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật pha chế.
Theo một khảo sát mới đây của Q&Me, DingTea và Tocotoco là 2 thương hiệu trà sữa được khách hàng Hà Nội ghé thăm nhiều nhất. Theo tính toán, cần 1.2 – 2.9 tỷ đồng nếu các bạn muốn kinh doanh nhượng quyền 2 thương hiệu trà sữa nói trên, trong đó cao chi phí lớn nhất là phí nhượng quyền thương hiệu.
2. Cụ thể các khoản chi cho nhượng quyền
a. DingTea
- Phí nhượng quyền*: 20.000 USD (dùng vĩnh viễn cho 1 cửa hàng)
- Phí quản lý thương hiệu: 100 USD/tháng
- Chi phí nguyên liệu (bắt buộc lấy của DingTea): khoảng 20.000 – 30.000 USD/3 tháng
- Chi phí máy móc, thiết bị pha chế: 100 – 200 triệu đồng
- Các khoản chi phí khác như mặt bằng, sửa chữa – thiết kế…: 440 triệu – 1 tỷ đồng.
- Nhân công: 200 – 500 triệu đồng/năm tùy quy mô và khu vực
b. Toco Toco
Phí nhượng quyền: 160 – 300 triệu đồng/3 năm tùy từng khu vực theo chiến lược hoạt động của TocoToco. Cụ thể:
- 160 triệu đồng/3 năm cho khu vực tỉnh
- 200 triệu đồng/3 năm cho TPHCM, Đà Nẵng, Nha trang, Huế, Hội An, Hải Phòng, Cần Thơ
- 300 triệu đồng/3 năm cho khu vực Hà Nội (TocoToco cho biết hiện họ đang dừng chính sách mở nội thành Hà Nội, và đang linh động cho một vài khu vực vùng ven)
- Phí giám sát tư vấn: 30 triệu đồng/năm
- Chi phí nguyên liệu (bắt buộc lấy của TocoToco): Đơn hàng đầu tiên ở mức 195 triệu đồng (chưa gồm VAT). Các đơn hàng tiếp theo đại lý tự lên tùy tình hình kinh doanh.
- Chi phí máy móc, thiết bị: 130 triệu đồng
- Các khoản chi phí khác và chi phí nhân công tương tự như trên.
Để tìm hiểu rõ hơn việc kinh doanh của các quán trà sữa trong giai đoạn “bùng nổ” như hiện nay, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhiều chủ cửa hàng lớn tại Hà Nội. Chị Hồng, chủ một quán trà sữa lớn trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, các quán trà sữa mọc lên như nấm và thị trường cạnh tranh gay gắt, nếu không tính toán kỹ chi phí và vốn, rất có thể nhà đầu tư sẽ ngậm trái đắng khi đầu tư vào trà sữa nhượng quyền”