Phát ngôn gây tranh cãi: Sinh viên sức dài vai rộng ăn cơm từ thiện 2.000 đồng là “không có lòng tự trọng”?

Những dòng chia sẻ của anh Vũ Tuấn Anh – người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên – về việc sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn là “không có lòng tự trọng” đang dấy lên những tranh cãi trái chiều.


Ảnh minh họa

Xôn xao với chia sẻ: “Sinh viên sức dài vai rộng ăn cơm từ thiện của người nghèo”

Thời gian gần đây, nhiều người không khỏi xúc động và cảm thấy ấm lòng khi rất nhiều quán cơm từ thiện 5.000 đồng, 3.000 đồng, 2.000 đồng và thậm chí là chỉ 1.000 đồng đã được mở ra nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn như người vô gia cư, bệnh nhân, lao động nghèo hay các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Vậy nhưng, mới đây, một dòng chia sẻ được đăng tải lên mạng, cho thấy thực trạng đang diễn ra tại khá nhiều các quán cơm từ thiện 2.000, 3.000 đồng đã dấy lên 2 luồng ý kiến trái chiều.

Cụ thể, vào ngày 11/10, anh Vũ Tuấn Anh – người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên – đã đăng tải hình ảnh nhiều bạn sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TP.HCM.

Đi kèm 2 hình ảnh được chụp ngay trước quán cơm từ thiện 2.000 đồng, anh Tuấn Anh đã có dòng chia sẻ thể hiện sự thất vọng và bức xúc trước cảnh tượng các nam sinh viên mà anh cho rằng là những người “sức dài vai rộng ăn cơm từ thiện của người nghèo”.

“Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng”, anh Tuấn Anh viết với những từ ngữ lên án vô cùng gay gắt.

Cũng theo chia sẻ của anh Tuấn Anh, cảm giác đầu tiên của anh khi nhìn thấy hàng chục sinh viên xếp đen đặc để ăn cơm từ thiện đó chính là “sững sờ”. Anh tự hỏi, “Chẳng lẽ các bạn hy vọng các bạn sống nhờ từ thiện cả đời hay sao?”.

Và điều đặc biệt, là hình ảnh này không chỉ xảy ra 1, 2 lần hay thỉnh thoảng mà đó là thực trạng thường xuyên xảy ra tại quán cơm này. “Tôi cẩn thận hỏi các anh bên cạnh – các anh nói sinh viên hôm nào cũng tới đông lắm”, anh Tuấn Anh viết tiếp.

Bức xúc trước hình ảnh này, Tuấn Anh cho rằng các sinh viên nên chăm chỉ, tìm kiếm công việc phù hợp để kiếm tiền, chứ đừng trông chờ vào miếng ăn miễn phí bởi nó vốn được dành cho những người nghèo.

“Trong khi đó cơ hội làm việc kiếm tiền có rất nhiều nhưng các bạn lười biếng và chỉ có miếng ăn miễn phí cho dù miếng ăn đó cướp của người nghèo. Có 10 suất làm việc tử tế và ăn uống từ chính sức lao động của chính mình nhưng các bạn sinh viên có chịu đi làm hay không?”, anh Tuấn Anh viết.

Người đồng tình, người phản đối gay gắt

Ngay sau khi được đăng tải, dòng chia sẻ của anh Tuấn Anh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng mạng với những ý kiến bình luận trái chiều.

Một số người lên tiếng đồng tình với nhận xét của anh Tuấn Anh khi cho rằng sinh viên sức dài vai rộng hoàn toàn có thể làm thêm để kiếm tiền nuôi sống bản thân.

“Em thấy sinh viên bây giờ thích việc nhẹ, đòi lương cao, làm được vài ba ngày thấy chịu không nổi là nhảy, mua sắm, tiêu xài thì không tiếc tiền, bởi vì các bạn đâu hiểu được sự cực khổ của ba mẹ. Nhiều người nghèo khổ họ còn dám phơi nắng phơi mưa đi bán từng tờ vé số. Là sinh viên có học thức, có tư duy, sức khỏe tràn trề mà hành động thế này quả là đáng thất vọng”, người dùng mạng có tên Đức Anh bình luận.

“Dù có nghèo nhưng nếu có học thức và sức khỏe thì các sinh viên này hoàn toàn có thể kiếm tiền và mua thức ăn bằng mồ hôi, công sức của mình. Hãy để dành những suất cơm từ thiện ấy cho những người thực sự khó khăn và cần hơn”, một người dùng mạng khác cũng lên tiếng.

Cũng bức xúc khi biết rằng việc các sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng vẫn diễn ra thường xuyên, anh Linh Nguyễn cho rằng “Ok, nếu chỉ là 1, 2 lần nhỡ ngại không có tiền, các bạn có thể tìm đến nhờ trợ giúp. Còn trong trường hợp, việc đó diễn ra quá thường xuyên thì các bạn nên suy nghĩ lại, hãy nhường cơm cho những người thực sự cần nó”.

Mặc dù nhận được những ý kiến đồng tình, thế nhưng dòng chia sẻ của anh Tuấn Anh cũng vấp phải rất nhiều lời phản đối và chỉ trích.

“Hãy đặt mình vào hoàn cảnh sinh viên khó khăn thì mới hiểu và thông cảm cho họ. Đừng vội phán xét mà phải nhìn vào hoàn cảnh khó khăn của họ! Tại sao gọi sinh viên ăn cơm 2.000 đồng là không có lòng tự trọng?”, một người dùng mạng nhận xét.

“Anh mở quán cơm giá 2.000 đồng với mục đích tốt là hỗ trợ người nghèo và khó khăn. Đó là về ý nghĩa. Nhưng khi anh đã mở quán cơm. Dù giá 500 đồng hay 50.000 đồng thì bất cứ ai vô quán đều ở vai trò là khách hàng của anh. Thì anh phải có sự tôn trọng khách hàng… Anh không có cái quyền phê phán đánh giá họ.

Chưa nói đến quán cơm này chắc cũng có sự đóng góp vừa tiền vừa công sức của những mạnh thường quân ủng hộ. Thì anh càng không có quyền phê phán đánh giá những em sinh viên đã vô quán”, một người khác cũng bức xúc lên tiếng.

“Nếu không khó khăn các bạn ấy sẽ “có lòng tự trọng”. Cơm 2.000 đồng không dễ nuốt đâu. Bạn từ quê ra tỉnh, học ngày 2 buổi, ăn không có… bạn đi làm thêm kiểu gì. Khi ở vào những nơi bóng điện 100W sáng bằng con đom đóm. Mỗi năm bán vụ lúa bằng 1/2 tháng lương người ta bạn sẽ thấm thía cái lòng tự trọng. Đi học thì bộ quần áo, giày dép phải đàng hoàng là đúng rồi. Nếu như ra trường vài năm mà vẫn tới chỗ này thì mới là điều đáng nói”, bạn NSL cũng chia sẻ quan điểm của mình.

Theo Thời Đại