CEO của Uber Travis Kalanick: Nhà sáng lập phải trở thành những gã khốn để thành công

Tôi đã dành một buổi tối để đọc nửa đầu cuốn Chuyến đi bão táp của Adam Lashinsky, và dành thêm một tối nữa để đọc nửa còn lại. Nhưng những gì tôi cảm nhận được ở hai buổi tối đó lại mang đến hai thái cực cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau.


Ảnh minh họa

Dưới ngòi bút sắc sảo của Lashinsky, Travis Kalanick hiện ra với hình ảnh một vị CEO của Uber tài giỏi nhưng đầy tai tiếng.

Ông không mang và sẽ không bao giờ mang hình tượng thánh thiện của các vị CEO khác như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Larry Page.

Đứng trên đỉnh cao sự nghiệp muộn hơn so với những nhà sáng lập trên nhưng Travis Kalanick có được sự dàn dày kinh nghiệm của một người từng trải.

Ông rất lanh lợi trong khoản thuyết phục đầu tư, giỏi tiếp nhận phải hồi và khả năng ứng tấu tuyệt vời với các ý tưởng quan trọng. Nhưng ông cũng là điển hình của một vị doanh nhân dù được ngưỡng mộ nhưng lại ít ai yêu mến.

Kalanick là một người cuồng công việc, đến nay dù đã hơn 40 tuổi nhưng chỉ kết hôn với duy nhất một “người” – đó là Uber.

Thời gian làm việc của ông thường kéo dài cho đến tận đêm khuya, điều này không những không mang lại khích lệ cho nhân viên mà đôi lúc lại gây ra nhiều phiền hà và rắc rối cho họ.

Những ý tưởng độc đáo đến mức quái dị xảy đến với Kalanick mọi lúc mọi nơi, biến ông thành một kẻ lập dị ở chốn văn phòng.

Ông cũng là một kẻ cứng đầu và hung dữ. Kalanick vốn ghét hệ thống dịch vụ taxi, vậy nên giấc mơ của ông, hay chính của Uber là quét sạch dịch vụ taxi ở những thành phố mà Uber đi qua.

Video quay lại cảnh ông mắng nhiếc một tài xế Uber vào đầu năm 2017 cũng là một vụ tai tiếng của Kalanick. Bởi lẽ trong quan niệm của Uber, khách đi xe mới là khách hàng thực sự của họ.

Tư tưởng này đã tồn tại mãi trong Uber cho đến khi sự xuất hiện của Harry Campbell và trang blog The Ridershare Guy của anh đã gây sự chú ý đến Travis Kalanick.

Cho đến giờ, Kalanick trong mắt báo chí vẫn chưa bao giờ mang hình ảnh tốt. Ông thậm chí đã đồng ý với đề nghị từ chức CEO từ phía các nhà đầu tư lớn của Uber sau hàng loạt những rắc rối về truyền thông khiến hình ảnh công ty bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, khi đọc đến dòng chữ cuối cùng của cuốn sách, tôi lại mường tường ra hình ảnh Kalanick đang cặm cụi đo từng khoảng cách giữa các con chữ trên logo Uber hay mệt mỏi ngồi sau ghế một tài xế Uber và trả lời hàng trăm email phàn nàn được gửi đến.

Trở thành doanh nhân vốn không phải là giấc mơ ban đầu của ông, cái ông mơ về là những chuyến thực nghiệm ở khu ổ chuột tại Mumbai kia.

Không hiểu sao, lúc ấy tôi nhận ra dường như Kalanick thật nhỏ bé, không phải về nghĩa đen, mà là giữa cơn sóng kinh tế thị trường và sức mạnh của truyền thông, một mình Kalanick không thể nào chống đỡ nổi.

Khi được Lashinsky hỏi rằng “Liệu ông có phải là một gã khốn không?”, Kalanick lại kể lại câu chuyện các CEO – nhà sáng lập phải trở thành những gã khốn để thành công. Ông không nghĩ bản thân mình tồi tệ đến thế, nhưng cái mình nghĩ gì đâu đáng bận tâm, quan trọng là mọi người nghĩ gì về điều đó.

Những gì bạn cần biết, muốn biết, và phải biết về Uber và Travis Kananick đều được ghi chép lại một cách tỉ mỉ trong cuốn sách Chuyến đi bão táp.

Và Adam Lashinsky, với tư cách là người đi tìm kiếm sự thật, đã trung thành tuyệt đối với những gì ông được chứng kiến và lắng nghe.

THeo Bizlive