Bức thư Elon Musk gửi nhân viên Tesla cho thấy nghệ thuật giao tiếp trong mỗi công ty nên diễn ra thế nào

Những gì trong email viết ra được xem là triết lý mới, hoàn hảo trong lĩnh vực giao tiếp nội bộ của mỗi công ty. Tuy nhiên nhiều người cho rằng điều này “nói dễ hơn làm”.


Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua, tỷ phú Elon Musk được biết đến như nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực giao tiếp. Bức email dưới đây mà nhà kinh doanh này gửi cho nhân viên Telsa là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất. Nó giải thích rõ cách thông tin đang được truyền đi ở hầu hết các công ty thế nào, và với Telsa, mọi thứ sẽ khác biệt ra sao.

Subject: Truyền thông trong nội bộ Tesla

Có hai trường phái liên quan đến cách thức thông tin sẽ truyền đi trong một tổ chức. Ở thời điểm hiện tại, trường phái phổ biến nhất là ra lệnh và nhận lệnh thông qua người quản lý trực tiếp. Vấn đề với cách tiếp cận này là chỉ tập trung tăng cường quyền lực của lãnh đạo trong khi không phục vụ lợi ích của công ty.

Thay vì giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, để người trong bộ phận này nói chuyện với người của bộ phận khác và sau đó mọi chuyện đều ổn thỏa, thì nhân viên buộc phải trao đổi với người quản lý của họ. Người quản lý này lại tiếp tục trao đổi với một quản lý của bộ phận khác, và cứ thế cho đến khi thông tin đến đúng người cần đến. Sau đó thông tin lại được chảy ngược từ người giải quyết, qua các bộ phận quản lý trực tiếp rồi mới đến nhân viên ban đầu. Quá trình này thật ngu ngốc. Bất kỳ quản lý nào cho phép điều này xảy ra, chứ chưa nói đến việc khuyến khích, sẽ được mời sang công ty khác làm việc. Tôi không đùa đâu.

Vậy nên ở Telsa, sẽ có một trường phái giao tiếp khác: bạn có thể nói chuyện/email cho bất cứ ai mà bạn nghĩ giải quyết được vấn đề của mình và đem lại lợi ích cho công ty. Người đó có thể là cấp trên của sếp bạn, là phó phòng của bộ phận khác, là tôi…và bạn cũng không cần xin phép ai hết. Thậm chí, bạn nên cảm thấy đấy là nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ hành động vì những điều đúng đắn. Dĩ nhiên tôi không khuyến khích các cuộc chat chit tán gẫu, nhưng tôi muốn đảm bảo mọi việc được xử lý cẩn thận, nhanh gọn. Chúng ta không thể cạnh tranh với ông lớn trong ngành về mặt quy mô vậy nên phải lao động một cách thông minh và nhanh nhẹn.

Một điểm cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là các nhà quản lý hãy làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng không có rào chắn nào được dựng lên giữa các bộ phận hay thông tin sẽ bị cản trở. Chúng ta là những người cùng hội cùng thuyền. Hãy luôn luôn làm việc vì lợi ích của công ty chứ không phải vì riêng bộ phận của bạn.

Trân trọng,

Elon

Bức email trên của Elon Musk đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Rõ ràng, việc thông tin phải đi qua đa kênh có thể giết chết các ý tưởng tuyệt vời hay chôn vùi những đóng góp tích cực mà công ty cần biết để sửa đổi và phát triển.

Trên thực tế, đề xuất này của Musk rất khó thực hiện trong đa số công ty hiện nay. Các công ty nói rằng họ đánh giá cao sự minh bạch và trung thực nhưng chỉ trên bề mặt.

Tuy nhiên, với những lãnh đạo muốn xây dựng văn hóa công ty theo hướng các phòng ban cùng hợp tác, thay vì chống lại nhau, hãy thử cân nhắc một số câu hỏi dưới đây:

– Tôi có thấy bức tranh toàn cảnh của công ty không?

– Tôi có khuyến khích những ý kiến và quan điểm bất đồng không? Tôi có thưởng cho nhân viên vì những phản hồi trung thực, ngay cả khi tôi không đồng ý với họ không?

– Tôi có thể thể hiện sự đồng cảm, bằng cách nghiêm túc nhìn nhận vấn đề của nhân viên và tích cực giúp họ tìm ra giải pháp?

– Tôi có khuyến khích một môi trường làm việc tích cực, dù đôi khi điều này có nghĩa tôi sẽ phải mất một số nhân viên vào tay các nhóm khác, bộ phận khác hay thậm chí là một công ty khác?

Trên tất cả, người lãnh đạo phải luôn cởi mở để tiếp nhận các quan điểm của nhân viên càng nhiều càng tốt, phải sẵn sàng lắng nghe nhân viên thật sự đang nghĩ gì. Bời vì bước tiên quyết trong xử lý vấn đề là nhận ra nó đang tồn tại ở đâu.

Theo Nhịp sống kinh tế