Tuần trước, chính phủ Nhật Bản và cơ quan quản lý tài chính của mình là FSA đã chính thức cấp phép hoạt động cho 11 sàn giao dịch tiền ảo có IP đặt tại Nhật Bản. Đặc biệt trong số sàn này có cả BitFlyer – nền tảng giao dịch tiền ảo lớn nhất của Nhật Bản với hơn 800.000 người sử dụng.
Trong một tuyên bố gần nhất, Yuzo Kano, Giám đốc điều hành của BitFlyer đã nhấn mạnh rằng việc thiết lập các quy định quản lý mới này sẽ giúp cho các sàn giao dịch tiền ảo của Nhật Bản trở thành tâm điểm mới của giới quan tâm đến tiền ảo toàn cầu.
“Nhật Bản đã bùng nổ nhu cầu về giao dịch bitcoin cũng như dịch vụ tiền ảo. Sự chấp thuận của FSA cho BitFlyer hoạt động như một sàn giao dịch tiền tệ ảo hợp pháp, cũng như những quy định mở rộng của cơ quan này đã đến vào thời điểm không thể tốt hơn cho công nghệ blockchain “, Kano nói.
Và giờ đây, có vẻ như nước Mỹ đã không thể đứng ngoài cuộc và đang muốn học hỏi theo Nhật Bản.
Tại một sự kiện được tổ chức bởi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia – một trong 12 ngân hàng khu vực của Cục dự trữ liên bang Mỹ FED – Giám đốc Ban Thanh tra Tài chính Mỹ Keith Noreika đã nói với các phóng viên rằng các Ngân hàng của Mỹ sẵn sàng mở cửa với các giao dịch tiền ảo trong hệ thống tài chính.
Ông Noreika cũng tiết lộ rằng FED đang xem xét việc áp dụng chương trình cấp phép toàn quốc cho các hoạt động giao dịch tiền ảo, bỏ qua các giấy phép cấp khu vực như BitLicense ở New York và ban hành một ‘khuôn khổ pháp lý thống nhất’ cho các nền tảng kinh doanh tiền ảo.
Tất nhiên, có thể sẽ cần một khoảng thời gian dài trôi qua để Chính phủ Mỹ và các nhà quản lý tài chính ban hành chương trình cấp phép cho các sàn giao dịch tiền ảo và hoạt động kinh doanh bitcoin như Nhật đã làm.
Tuy nhiên, với dấu hiệu tăng trưởng rất lạc quan của bitcoin tại Mỹ, câu chuyện ngồi vào bàn và xem xét kỹ lưỡng khả năng tạo ra một thị trường tiền ảo được quản lý lành mạnh không sớm thì muộn sẽ được chính quyền Donald Trump thực hiện.
Đầu năm nay, tại hội nghị Blockchain New Zealand tổ chức ở Auckland, New Zealand, chuyên gia bảo mật và an ninh Andreas Antonopoulos đã từng giải thích rằng tiền điện tử chính là cơ hội cho các Chính phủ của các nước trên toàn thế giới. Họ có thể ‘mặc kệ’ thị trường giao dịch tiền ảo bị thụt lùi, hoặc dành sự quan tâm để tạo môi trường minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp.
“Chính Phủ có thể lựa chọn hoặc không làm gì – điều làm mọi vấn đề trở nên xấu hơn cho các giao dịch tiền ảo và làm Chính phủ thất thu – hoặc có thể làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách khuyến khích các công ty bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng”, chuyên gia này chia sẻ.
Nếu theo nhận định của Antonopoulos, Chính phủ Nhật Bản đã nghiêng về lựa chọn số 2 khi mà đã cho phép và cấp phép các sàn giao dịch tiền ảo, chính thức công nhận các sàn giao dịch tiền ảo như các nhà cung cấp dịch vụ tài chính được chính quyền quản lý, cho phép các công ty này hoạt động đầy đủ chức năng như các công ty tài chính hợp pháp trong nước.
Kết quả, trong vòng chưa đầy một tuần, nhu cầu về bitcoin và kết quả là khối lượng giao dịch hàng ngày của bitcoin của Nhật Bản đã tăng lên. Có thể nói rằng chính sự mở cửa của Chính phủ đã biến Nhật Bản trở thành thị trường giao dịch bitcoin lớn nhất trên thế giới.
Giờ đây, nếu như Mỹ – thị trường giao dịch bitcoin quy mô thứ 2 thế giới – ‘gật đầu’ với tiền ảo và công nghệ blockchain, có thể nói rằng một kỷ nguyên mới sẽ đến với thứ công nghệ và tiền tệ mới này.
Theo Trí Thức Trẻ