Cụ thể, 91% người Việt được khảo sát cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Tỷ lệ người Việt có thái độ thích cực với khởi nghiệp cao hơn mức trung bình thế giới, vốn chỉ dừng lại ở 77%.
Bên cạnh đó, 96% người Việt được khảo sát cũng cho rằng họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. 76% người Việt muốn khởi nghiệp “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình.
Những năm gần đây, khởi nghiệp đã trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo số liệu từ phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nước ta đang có khoảng 1.500 startup. Xét theo mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người thì Việt Nam có tỷ lệ khởi nghiệp cao hơn cả các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ (hiện có 2,300 công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc và 7,500 tại Ấn Độ).
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là hơn 80% công ty khởi nghiệp không có cơ hội mừng sinh nhật lần 2. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia phân tích là do đa số startup thường non trẻ, đội ngũ nhân sự chỉ là những người làm chuyên môn nên thiếu kiến thức cần thiết về thủ tục hành chính, pháp lý…
“Thông thường, các founder biết về lập trình thì không có khả năng bán hàng, không biết về marketing. Ngược lại, những người biết làm marketing lại chẳng biết gì về lập trình”, ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập của Seedcom, một công ty đầu tư khá nhiều vào các startup tại Việt Nam đã từng chia sẻ với báo chí như vậy.
Theo ông, ở những quốc gia mà startup phát triển mạnh mẽ, ví dụ như Mỹ, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Môi trường ở các công ty này giúp họ hiểu một công ty vận hành như thế nào. Sau quá trình trải nghiệm thực tế tại công ty đó, những founder Mỹ cũng đã có khá nhiều kỹ năng. Trái lại ở Việt Nam, cơ hội va chạm nhìn thực tế sản phẩm, triển khai sản phẩm không có nhiều. Vì vậy không lạ nếu các founder Việt Nam mang trong mình suy nghĩ có phần “ảo tưởng”.
Ngoài ra, tiếp cận vốn cũng là trở ngại lớn với nhiều startup Việt. Ở thung lũng Silicon, nơi đã có rất nhiều Startup thành công và quay trở lại hỗ trợ ngược những startup mới bắt đầu, không khó để tìm kiếm những nhà đầu tư thiên thần. Đó là những nhà đầu tư hiểu khách hàng, hiểu thị trường, hiểu vấn đề của startup, chịu lắng nghe startup và biết đâu là vấn đề thực tế. Trong khi đó, ở Việt Nam thì rất khó để tìm kiếm những nhà đầu tư như vậy.
Dù đã có một số quỹ đầu tư tham gia vào các startup tại Việt Nam, cả trong và ngoài nước như IDT (Việt Nam), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Singapore), IDG, 500 Startup (Mỹ),…nhưng số lượng quỹ đầu tư cũng như số vốn họ bỏ vào không nhiều, vì lo ngại khả năng thoái vốn sau này.
“”Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam, startup phải chứng minh bằng con số”, ông Phạm Kim Hùng – nhà sáng lập Tech Elite chia sẻ.
Với hai hạn chế rất lớn trên, có thể thấy dù tinh thần khởi nghiệp của startup Việt cao đến đâu thì họ cũng cần phải đi chặng đường rất dài trước khi có thể sống sót và đưa Việt Nam trở thành một trong những “quốc gia khởi nghiệp”.
Theo trí thức trẻ