“Bệ phóng” tín dụng cuối năm 2017

Tín dụng ba tháng cuối năm không chỉ được chú ý ở mức tăng trưởng còn tới khoảng 10%…


Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/9/2017, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%).

Còn 10 ngày cuối tháng 9/2017 theo mốc chốt số liệu trên, con số tăng trưởng tín dụng cả 9 tháng đầu năm dự kiến có thể đạt cao hơn nữa. 10 ngày trong vòng quay vốn của các tổ chức tín dụng vẫn thường có khả năng tạo chênh lệch đáng kể khi chốt quý.

Dù vậy, so với yêu cầu mà Chính phủ đề ra vừa qua, nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên khoảng 21%, mức độ “phải” thực hiện còn lại quý cuối năm – trong ba tháng – là rất lớn, với khoảng 10% nữa.

Nếu thực hiện đúng dự kiến trên, tốc độ tăng trưởng quý cuối năm 2017 sẽ tạo đột biến so với cùng kỳ nhiều năm qua, đặc biệt từ cuối 2012 trở lại đây. Và ba tháng cuối năm 2017 theo đó có thể có mức tăng trưởng tín dụng bình quân vượt trội so với các tháng trong năm. Nếu vậy, có phải là dồn toa hay không?

Ngày 5/1/2017, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm.

“Ngay trong quý 1 phải tăng trưởng tín dụng. Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả chạy dồn”, Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị trên về hướng tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, với ước tính ba tháng cuối năm nay tín dụng “phải” tăng trưởng thêm khoảng 10% nói trên, cũng như tốc độ tăng bình quân vượt trội dự kiến đó, không phải là tình trạng dồn toa như những năm trước.

Cụ thể, khác biệt của 2017 so với những năm trước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã dương ngay từ đầu năm, tăng khá mạnh và rải đều qua các tháng trong năm. Đó là tốc độ khớp với định hướng Ngân hàng Nhà nước dự tính ban đầu, tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ khoảng 18%.

Nay, với chỉ tiêu nâng lên 21% mà Chính phủ yêu cầu nói trên, chính thức đặt ra tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua, việc dồn vào ba tháng cuối năm dự kiến là phần tăng mạnh thêm, không phải tình trạng dồn toa vào cuối năm như trước đây.

Song, tốc độ và điều tiết tốc độ tăng tín dụng trong năm có lẽ không quá quan trọng khi nhìn về tương lai. 2017 tín dụng cuối cùng có đạt được mức tăng trưởng 21% hay không còn phụ thuộc nhiều và sức hấp thụ của nền kinh tế. Giả dụ đạt được, điểm đáng chú ý hơn là “một bệ phóng” cao hơn đã và sẽ được tạo ra trong năm nay.

Đó là mẫu số tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế. Mẫu số càng lớn, con số tuyệt đối tiền cho vay ra theo tỷ lệ phần trăm tăng trưởng trong tương lai sẽ càng lớn. Theo đó, việc nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% năm nay lên 21% sẽ càng được chú ý ở khía cạnh gia tăng mẫu số để tham chiếu cho tương lai này.

Gần chục năm về trước, 1% tăng trưởng tín dụng ứng với lượng tiền cho vay tăng thêm không quá lớn, khi tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế chỉ khoảng 2,3 triệu tỷ đồng vào năm 2008. 1% đó đến cuối năm 2016 đã tạo quy mô tiền lớn hơn rất nhiều khi miếng bánh tổng dư nợ đã lên tới khoảng 5,5 triệu tỷ đồng.

Và trong tương lai gần là 2018, bắt đầu từ cơ sở năm nay, mỗi phần trăm tín dụng tăng thêm dự tính sẽ được tạo ra trên “bệ phóng” của quy mô trên dưới 6,6 triệu tỷ đồng, nếu chỉ tiêu tăng trưởng đạt 21% như Chính phủ yêu cầu phấn đấu đạt được.

THeo VnEconomy