HSBC lạc quan dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức 6,8%

Điểm sáng của kinh tế Việt Nam được HSBC đánh giá là nhờ vào chi tiêu tiêu dùng và đầu tư với dự báo mức tăng trưởng cao thứ 2 khu vực chỉ xếp sau Philippines.


Ảnh minh họa

Ngày 6/9 mới đây, ngân hàng HSBC chính thức công bố Báo cáo triển vọng kinh tế cả năm 2017 và 2018. Đánh giá của ngân hàng này cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước ta có đà tăng trưởng tích cực từ 3-5 năm tới.

Với tăng trưởng GDP quý đầu năm nay là đặc biệt thấp nên theo dự báo của ngân hàng HSBC, tăng trưởng GDP năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái ở mức 6% so với 6,2%. Tuy nhiên ngân hàng này bày tỏ lạc quan triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm tới với mức dự báo tăng trưởng GDP 6,8%.

Con số dự báo này cũng trùng khớp với dự báo của Bộ kế hoạch và đầu tư trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua hồi giữa tháng 7. Theo dự báo của Bộ này: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,4 – 6,8% so với năm 2017; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 9,0 – 10,0% so với năm 2017; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3,0%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5 – 35% GDP.

Điểm sáng của kinh tế Việt Nam được HSBC đánh giá là nhờ vào chi tiêu tiêu dùng và đầu tư với dự báo mức tăng trưởng cao thứ 2 khu vực chỉ xếp sau Philippines. Trong bối cảnh ổn định được kinh tế vĩ mô, thì đây là cú hích cho đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

HSBC lạc quan dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức 6,8% - Ảnh 1.
Dự báo của HSBC về chi tiêu tiêu dùng và đầu tư.

“Rất nhiều nước trong khu vực hiện nay đang gặp rất nhiều bất ổn đặc biệt trong lĩnh vực địa chính trị. Đây là cơ hội cho Việt Nam để có thể tận dụng thu hút nguồn vốn nước ngoài vào và thúc đẩy tăng trưởng, tranh thủ thời điểm hiện nay cải cách nền kinh tế”, tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho biết.

Yếu tố thời điểm được các chuyên gia HSBC nhấn mạnh bởi mặc dù hiện nay Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ nhưng lại có tốc độ già hóa dân số hàng đầu thế giới. Theo dự báo từ nay tới năm 2050, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ còn cao hơn những nước phát triển như Mỹ.

“Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm xuống rất nhanh trong dài hạn bởi vì có nhiều nước sẽ có lợi thế nhân công giá rẻ trong tương lai. Nếu chúng ta không áp dụng công nghệ, không đưa tự động hóa vào thì rất khó để tạo lợi thế cạnh tranh cho quốc gia”, ông Hải nhấn mạnh.

Triển vọng kinh tế từ 5 tới 10 năm phụ thuộc nhiều vào tiến trình cải cách căn bản mô hình kinh tế. Điều này được ví như một bữa ăn khi món chính không thể hấp thụ thêm được nữa thì đòi hỏi bức thiết là cần có một thực đơn mới phù hợp hơn với nhu cầu tiêu hóa.

Theo trí thức trẻ