Giống như tên gọi của mình, Mirakle Couriers thật sự là một “phép màu” khởi nghiệp khi đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân Ấn Độ về người khuyết tật, và hơn hết là đã giúp những người khiếm thính tái hòa nhập xã hội và làm chủ tương lai của mình.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khiếm thính là khuyết tật phổ biến nhất của nhân loại. Và tại Ấn Độ, 6,35% người dân, tương đương với 63 triệu người đã bị chuẩn đoán với khiếm khuyết này. Trung bình có đến 4 trên 1.000 trẻ em sẽ có vấn đề khiếm thính ngay từ lúc sinh ra.
Với cái nhìn kì thị từ cộng đồng và sự hỗ trợ chưa tương xứng của chính quyền, những người khiếm thính tại Ấn Độ gần như không có môi trường sống thuận lợi. Từ học vấn cho đến cả việc làm, giới khuyết tật tại Ấn Độ đã bị quốc gia phát triển nhanh thứ 3 thế giới này bỏ lại phía sau.
Và nhà sáng lập Dhruv Lakra
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, sau khi tốt nghiệp cử nhân thương mại, Dhruv theo đúng ước vọng của cha mẹ và đầu quân cho phòng tài chính trong tập đoàn Merrill Lynch của Mỹ.
Và chỉ 6 tháng sau, Dhruv đã nhận ra đây không phải là công việc phù hợp với mình nhưng mãi đến hai năm sau anh mới dũng cảm từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để dấn thân vào các hoạt động xã hội.
Hai năm tiếp theo đó, Dhruv tham gia vào hàng loạt dự án xã hội về sức khỏe, giáo dục cũng như hỗ trợ giải quyết thiên tai và việc làm cho những thân phận khó khăn khắp Ấn Độ. Với những nỗ lực này, Dhruv đã được quỹ học bổng danh giá Skoll Foundation trao 45.000 bảng Anh để giúp anh theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Đại Học Oxford.
Và đây cũng là nơi mà ý tưởng Mirakle Couriers ra đời. Vào một hôm Dhruv đang ngồi đợi xe bus cạnh một cậu bé bị khiếm thính bẩm sinh, cậu bé phải liên lục quan sát để tránh việc bắt hụt chiếc xe bus của mình.
Dhruv khá tò mò với hành động của cậu bé và quyết định trao đổi qua giấy viết về những khó khăn hàng ngày mà cậu bé gặp phải. Tại nhà, cậu bé khiếm thính kia phải chờ đợi hàng giờ mỗi khi có hàng được giao, mặc dù đối với những người bình thường, nó chỉ là một hoạt động kéo dài vài phút mà không cần phải sử dụng tới lời nói. Một ý tưởng lóe lên trong đầu Dhruv và đây cũng sẽ là dự án để đời của chàng CEO trẻ tuổi này.
Những khó khăn ban đầu
Mirakle Couriers đi vào hoạt động chỉ với một shipper khiếm thính và 10 đơn hàng. Dần dần danh tiếng của công ty được lan truyền và Mirakle nhận được những hợp đồng tới hơn 5.000 đơn/ tháng và hiện tại công ty đang xử lý đến hơn 60.000 đơn/ tháng.
Dhruv cho hay: “Đối với những công ty cung cấp dịch vụ logistics khác, một khi họ muốn phát triển lớn hơn, khách hàng là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, đối với Mirakle Couriers, nếu muốn phát triển thì chúng tôi phải ngày ngày thay đổi sự nhận thức của người dân về người khuyết tật, rằng chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ tốt như bao công ty khác.”
Một khó khăn khác mà CEO trẻ tuổi này phải đối mặt là, “thuyết phục cha mẹ cho đứa con khuyết tật của mình đi làm.” Dhruv còn nhớ kỷ niệm cam go khi thuyết phục cha mẹ của Reshma, nữ shipper khiếm thính đầu tiên của nhóm, nhưng cuối cùng thì anh cũng thành công.
Đến những thành công mang lại
Từ việc dành ra hàng tháng trời để nghiên cứu văn hóa của người khiếm thính, học ngôn ngữ cử chỉ, cho đến thuyết phục các bậc phụ huynh cho phép đứa con khiếm thính của mình đi làm, Dhruv đã từng bước xây dựng thành công không chỉ về mặt kinh doanh mà còn cả về phương diện xã hội.
Dhruv cùng Mirakle Couriers đã được trao tặng hàng loạt các giải thưởng khác nhau như Giải thưởng khởi nghiệp Echoing Green Fellowship (2009), Giải thưởng Hellen Keller (2009) và Giải thưởng Quốc gia về hỗ trợ người khuyết tật (2010).
Nhưng không phải doanh thu và các giải thưởng danh giá trên là mục tiêu chính của công ty, Dhruv chia sẻ: “Mối quan hệ giữa xã hội và giới khuyết tật đã ngày càng được cải thiện, những nhân viên khiếm thính đã xây dựng được sự tự tin và có nhiều hơn những ước mơ cho riêng mình.”
Khởi đầu với chỉ một nhân viên giao nhận và 10 đơn hàng, ngày nay Mirakle Couriers đã có hơn 45 nhân viên để xử lý hơn 2.000 đơn hàng một ngày. Mỗi nhân viên đều nhận được mức lương hơn cao hơn các việc làm lúc trước cộng với bảo hiểm sức khỏe đầy đủ.
Sau chặng đường phát triển hơn 8 năm qua, nay Mirakle Couriers đang mở rộng mô hình của mình ra nhiều thành phố lớn khác của Ấn Độ và tìm kiếm những nhà đầu tư mới để tiếp tục phát triển.
Tuy những khó khăn vẫn còn đó, nhưng Dhruv Lakra và những đồng đội “khuyết tật nhưng không khuyết tài” của mình tự tin sẽ phát triển hơn nữa vì tương lai của chính mình nói riêng và tương lai của cả cộng đồng khuyết tật tại Ấn Độ nói chung.
Theo Nhịp sống kinh tế