Trong tiếp thị, nội dung luôn được xem là cốt lõi của vấn đề, bởi không có chương trình quảng bá nào có thể thành công nếu hình thức bên ngoài hấp dẫn nhưng nội dung lại quá tồi. Muốn nâng cao chất lượng của nội dung tiếp thị, các chuyên gia marketing nên lưu ý đến một số chỉ dẫn dưới đây.
Nâng cao chất lượng nội dung tiếp thị
Trong tiếp thị, nội dung luôn được xem là cốt lõi của vấn đề, bởi không có chương trình quảng bá nào có thể thành công nếu hình thức bên ngoài hấp dẫn nhưng nội dung lại quá tồi.
Muốn nâng cao chất lượng của nội dung tiếp thị, các chuyên gia marketing nên lưu ý đến một số chỉ dẫn dưới đây.
Chú trọng đến mục tiêu.
Bạn cần tạo ra một chương trình truyền thông tuân theo chiến lược kinh doanh mà tại đó, mọi thứ đều được đặt trọng tâm và hướng theo mục đích phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Phải luôn tôn trọng một nguyên tắc cơ bản là chiến lược phát triển doanh nghiệp phải định hướng cho hoạt động truyền thông, từ đó không được phép mải mê theo đuổi diễn tiến của thị trường hay hành động của đối thủ để làm ra những chương trình quảng cáo hoặc sự kiện ngoài kế hoạch mang tính chắp vá, kém hiệu quả.
Sử dụng những ý tưởng có chất lượng.
Nội dung tiếp thị thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của những ý tưởng được thể hiện trên những trang báo hay công cụ truyền thông.
Do đó, bạn cần có những cộng sự có khả năng kết nối tất cả những điều được đưa vào nội dung với nhau một cách mạch lạc, hấp dẫn nhất, dễ dàng tạo ra đề tài nóng, được nhắc đến nhiều nhất trên các trang xã hội mạng cộng đồng.
Có kế hoạch hành động cụ thể.
Lập kế hoạch cho công việc tiếp thị và thực hiện nghiêm túc kế hoạch ấy.
Cần theo dõi sát sao tiến trình hoạt động của mọi kênh tiếp thị, từ việc đăng tin trên báo in, bài viết trên blog, đặt vị trí trên các trang truyền thông xã hội đến chương trình phóng sự đặc biệt, video quảng cáo và hội thảo trên web (webinar)…
Coi trọng cách phân phối thông tin.
Cách phân phối thông tin có vai trò rất quan trọng vì đặt được nội dung tiếp thị trước đúng đối tượng công chúng chính là chìa khóa cho sự thành công. Không có người đọc, nội dung tiếp thị sẽ trở thành thứ vô giá trị.
Vì thế, trong lúc phân phát nội dung trên các kênh truyền thông xã hội như Facebook hay Twitter, cần đảm bảo việc phối hợp ăn ý với người phụ trách nội dung, có những đường link dẫn đến website phù hợp cho từng nhóm khách hàng tiềm năng.
Đa dạng hóa phương tiện chuyển tải nội dung.
Duy trì sự hiện diện chính trên trang Yahoo! hoặc Facebook là một lựa chọn lý tưởng, song đừng quên kết hợp chúng với Google+, Twitter, LinkedIn, báo in, webinar, FAQ, bản tin điện tử, video clip quảng cáo, hình ảnh, diễn đàn trực tuyến, quảng cáo bằng tin nhắn trên di động hoặc trang tin tức điện tử.
Đảm bảo 70% nội dung thông tin có tính lâu dài.
Nội dung tiếp thị cần có tính lâu dài, cụ thể là tuân theo tỷ lệ 70% nội dung là ổn định, chỉ có 30% mang tính thời sự.
Phần nội dung ổn định có khả năng chịu được sự thử thách của thời gian và chính nó nhắc nhở bạn phải tập trung hướng đến mục tiêu của doanh nghiệp.
Chú tâm đến thiết kế.
Định dạng và thiết kế hình ảnh của website, blog, bản tin điện tử, danh sách FAQ… cần phải sắc sảo, có sức thu hút mọi người.
Nếu xem thường thiết kế hoặc xem nhẹ yếu tố chuyên nghiệp thì bạn đừng kỳ vọng rằng phần lớn công chúng sẽ coi trọng những gì bạn đang giới thiệu cho họ.
Phân tích chỉ báo biểu hiện và đổi mới.
Căn cứ vào các chỉ báo biểu hiện chủ yếu (số người xem, số lượng người chia sẻ thông tin, tỷ lệ phản hồi thông tin, tỷ lệ chuyển đổi người xem thành khách hàng và các hình thức theo dõi nội dung khác), bạn cần bỏ thời gian phân tích và điều chỉnh lại nội dung tiếp thị.
Điều chỉnh để tạo ra nội dung mới xuất sắc hơn trước là một công việc rất đáng làm. Theo dõi và hoàn thiện kết quả trong suốt chặng đường còn lại chính là một phần của công việc tuyệt vời ấy.
Theo Entrepreneur