Mỗi khi chúng ta bàn chuyện khởi nghiệp, chúng ta sẽ nghĩ về rất nhiều khoản chi phí: chi phí nhân viên, chi phí vốn, chi phí cơ hội. Nhưng tất cả chúng ta đều vô tình bỏ qua một chi phí lớn nhất: chi phí cảm xúc.
Tưởng tượng cái ngày bạn dứt áo ra đi khỏi công ty cũ để bắt tay vào khởi nghiệp, bạn đem hết “vốn cảm xúc” của mình gửi vào ngân hàng. Liệu hiện tại bạn còn lại bao nhiêu quả quyết, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu tình thương và bao nhiêu đồng cảm.
Cái giá của sự cô đơn
Ở công ty trước, mặc dù chỉ là một nhân viên làm thuê nhưng bạn được sở hữu một thứ mà bạn cho là hiển nhiên: đồng nghiệp. Họ là những người đi ăn trưa cùng bạn, nghe bạn kể chuyện về đủ thứ trên đời, an ủi bạn trong quãng thời gian khó khăn, khích lệ bạn khi bạn làm điều tốt. Nhưng làm founder lại là một chuyện khác. Nó giống như một đứa trẻ bước vào nhà ăn, ngồi một mình mà không có ai đến ăn cùng. Thay vì có đồng nghiệp, bạn chỉ có nhân viên. Bạn không còn có thể phàn nàn về ông sếp khó tính cùng với đồng nghiệp của bạn được nữa. Mọi lời nói và hành động của bạn đều được quan sát bởi rất nhiều con mắt xung quanh.
Khi trở về nhà, mọi chuyện cũng chẳng khá hơn là bao. Cho dù có giải thích nhưng họ cũng chẳng thể hiểu được bạn đang phải trải qua những điều gì. Cảm xúc là thứ mà hầu hết con người đều không định nghĩa được hoặc có cố cũng chỉ định nghĩa sai mà thôi.
Một biện pháp mà nhiều nhà sáng lập sử dụng để vượt qua nỗi cô đơn là nói chuyện với những nhà sáng lập khác.
Cái giá của sự chờ đợi
Khi bạn mới bắt đầu, mọi thứ thật giống như tiếng súng nổ ra để bắt đầu một cuộc thi marathon. Bạn tràn đầy hứng khởi nhưng được bao lâu? Mỗi nhiệm vụ hoàn tất bạn cảm thấy như mình sắp thành công. “Thật tuyệt, tôi đã mua được tên miền với giá cực rẻ”. Nhưng rồi một ngày, bạn mới nhận ra còn rất nhiều thứ mình phải làm và không chắc mình có thể tiếp tục giành thắng lợi được nữa hay không.
Cảm giác có vị khách hàng đầu tiên thật tuyệt, nhưng vị khách thứ hai đã bớt vui và vị khách thứ ba đâu rồi?
Không ai nói trước cho bạn biết quãng đường đến với thành công xa đến nhường nào hoặc nếu họ có nói thì bạn cũng khó có thể cảm nhận được hết.
Cái giá của sự chờ đợi thường bị khuếch đại bởi kỳ vọng. Bạn chưa bao giờ mong sẽ tốt nghiệp đại học chỉ sau một năm học bởi bạn biết chắc cần ít nhất 3,5 năm học tín chỉ mới có thể ra được trường. Nhưng đã là sáng lập viên thì ai mà không kỳ vọng startup của mình sẽ thành công. Mà startup thì chẳng có thời hạn nào.
Cách duy nhất để giảm thiểu cảm giác này là thiết lập lại kỳ vọng của bạn.
Cái giá của sự khánh kiệt
Vấn đề của một cuộc chơi đường dài là ngay cả khi bạn có đủ sức chịu đựng về mặt tâm lý thì bạn cũng khó có đủ khả năng tài chính để bù đắp. Nhất là đối với những người từng làm nhân viên có mức lương hàng tháng cao so với mặt bằng chung. Họ đã quen với một dòng thu nhập cố định đổ về từng tháng cho nên khi mất đi họ ít nhiều cũng cảm thấy sốc.
Bạn phải đối mặt giữa “tôi đang đầu tư cho tương lai” và “tôi thực sự chẳng biết mình sẽ trả tiền bữa ăn hôm nay như thế nào”.
Điều đó còn trở nên tệ hại hơn khi bạn phải gặp mặt những đồng nghiệp cũ, bạn bè hay gia đình.
Cách giải quyết rõ ràng nhất cho vấn đề này chính là chuẩn bị một khoản tài chính hoặc dùng thu nhập khác đủ để bạn sống sót trong những ngày khởi nghiệp.
Những mối quan hệ bị rạn nứt
Sau khi đã trải qua tất cả những tổn thất nói trên, bạn sẽ nhận ra rằng mình không thể duy trì một số mối quan hệ như cũ.
Khi nhìn vào một nhà sáng lập đã khởi nghiệp được 3 năm, thứ mà bạn thực sự nhìn thấy không phải là họ đã tiêu hết bao nhiêu tiền, mà là họ đã đốt cháy hết bao nhiêu vốn cảm xúc. Đã đến lúc chúng ta cần ngưng việc coi những nhà sáng lập viên là siêu nhân nghiễm nhiên xây dựng được một công ty, trở thành sếp và hưởng lợi ích mà không phải trả giá.
Theo trí thức trẻ