Một cốc cà phê đắng ngắt hay đôi cái bánh mì dường như không thể cứu vãn được ngày mệt mỏi của bạn. Không chỉ do công việc căng thẳng, vất vả mới gây nên cảm giác tệ hại này, có rất nhiều lý do gây nên sự chán chường sau mỗi ngày làm việc.
Brad Stulberg, tác giả của cuốn “Peak Performance: Elevate your Game, Avoid Burnout and Thrive with the New Science of Success”, đã chỉ ra những nguyên nhân khiến con người “mệt muốn chết” sau khi tan sở, đồng thời cũng đưa ra cách khắc phục đơn giản nhưng hiệu quả:
1. Ngủ đủ giấc, ngủ quá ít hay quá nhiều đều gây ra mệt mỏi
Một giấc ngủ sâu, đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp bạn luôn tỉnh táo mỗi khi thức dậy. Đi ngủ sớm và tắt hết các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, laptop… trước khi ngủ 20 phút sẽ giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên.
Lưu ý, chỉ ngủ đủ giấc, bạn có dạy sớm hơn cũng đừng ngủ nướng, nếu không muốn cả ngày sẽ ngáp dài.
2. Tập thể dục đều đặn
Có thể bạn chưa biết, tập thể dục đưa con người ra khỏi trạng thái ức chế khi ngồi hoặc nằm quá lâu. Có nghĩa là, muốn tỉnh táo thì bạn nên vận động thường xuyên.
Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích tốt cho cơ thể và tâm trí của bạn. Bạn nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để chạy bộ, bơi lội hay tập gym sẽ giúp bạn tăng endorphin và năng lượng thông qua các động tác thể dục. Một cơ thể khoẻ mạnh sẽ nuôi dưỡng một tâm trạng tốt.
3. Tuyệt đối không bỏ bữa sáng
Đừng lấy lý do bận rộn hay… lười để không ăn sáng. Điều này hết sức sai lầm. Một bữa sáng đủ chất sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cả ngày làm việc của bạn. Một nghiên cứu mới đây cho biết ăn trứng vào bữa sáng giúp bạn no lâu hơn là ăn cháo hay ngũ cốc, tranh xa những loại thực phẩm dễ gây chướng bụng, đầy hơi.
4. Uống đủ nước
Nếu bạn để cơ thể thiếu nước thì đừng ngạc nhiên vì sao bạn luôn thấy mệt mỏi. Nước chiếm 70% cơ thể, mỗi ngày chúng ta cần cung cấp tối thiểu 2 lít nước. Tuy nhiên, con số đó thực sự không quan trọng, hãy uống nước theo nhu cầu của cơ thể.
5. Đừng quá tham công tiếc việc, hãy nghỉ ngơi theo định kỳ
Khi bạn cảm thấy căng thẳng trong công việc, hãy đứng lên và đi lại vài vòng, thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng để đỡ mỏi cổ, vai, gáy.
Ngoài ra, hãy tận hưởng ngày cuối tuần một cách đúng nghĩa, tạm thời gác công việc để ở bên những người bạn cảm thấy thoải mái.
6. Biết nói “không” đúng lúc
Ví dụ, mức năng lượng của bạn là 10 điểm, nhưng lại ôm đồm công việc yêu cầu tới… 20 điểm năng lượng. Thử hỏi bạn có mệt mỏi và stress hay không?
Ôm đồm, tham công tiếc việc không hẳn là sai nhưng sẽ tạo nên gánh nặng vô hình lên cả thể xác lẫn tinh thần của bạn. Biết điểm dừng của bản thân là một lợi thế. Nhận quá nhiều việc khiến bạn bị căng thẳng và chẳng làm tốt được việc gì. Hãy từ chối nếu bạn đã nhận đủ việc trong khả năng của mình.
Tuy nhiên, nếu đã thử tất cả những cách trên mà vẫn mệt mỏi, bạn nên đi khám vì rất có thể đó là lý do liên quan đến sức khỏe.
Theo Thời đại