Chris Reining là kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ sống tại Madison, bang Wisconsin. Anh có cuộc sống khá thoải mái, tiền vừa đủ tiêu với công việc mang lại thu nhập đều đặn nhưng bắt đầu cảm thấy quá nhàm chán khi chuẩn bị bước sang tuổi 30. Do đó anh quyết định tiết kiệm hơn một nửa thu nhập mỗi tháng để có 1 triệu USD ở tuổi 35 và chính thức nghỉ hưu sớm ở tuổi 37. Trên blog cá nhân, anh chia sẻ những bí quyết quản lý tài chính cá nhân mà bản thân đã đúc kết được.
Tôi từng chơi Jenga bởi đó là game mà cháu trai của tôi yêu thích nhất khi chúng tôi ở cạnh nhau. Nhưng sau đó chúng tôi chuyển sang Xbox bởi lũ trẻ rất nhanh cảm thấy chán, vì vậy chúng tôi cứ chuyển hết trò chơi này đến trò chơi khác.
Đó là thói quen của trẻ con. Thế nhưng tại sao khi trưởng thành chúng ta lại thích một trò chơi quen thuộc lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt cuộc đời mình? Ở đây, tôi muốn đề cập đến việc hầu hết chúng ta đều trung thành với công việc mà mình đã lựa chọn và coi đó là thế mạnh của mình.
Có thể đó là lĩnh vực mà bạn kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ lĩnh vực nào khác. Khi làm được công việc mà mình yêu thích, bạn sẽ không bao giờ phải nói: “Tôi rất mệt mỏi và chán ghét công việc của mình. Tôi muốn chuyển sang một trò chơi mới”.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy 70% người lao động chán ghét công việc của họ và hầu hết mọi người đều tự an ủi bản thân rằng: “Mọi thứ sẽ ổn thôi vì đó là cách chúng ta kiếm sống”.
Hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ điều này bởi tôi đã từng như thế cho đến khi khám phá được bí mật của việc tự do về tài chính. Và tôi sẽ nói với bạn mọi thứ bạn cần biết về cách làm thế nào để đạt được tự do về tài chính chỉ trong một câu nói.
Chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được và đem số tiền dư ra đi đầu tư!
Tất cả nằm ở đó! Tôi đã viết hơn 100.000 từ về cách làm thế nào để có thể đạt được tự do về tài chính, nhưng tất cả chỉ cần tóm lại trong một câu đó.
Và nếu bạn cũng đang sống theo phương châm đó, không sớm thì muộn, bạn chắc chắn sẽ đạt được tự do về tài chính, thậm chí ngay cả việc nghỉ hưu sớm nếu bạn thực sự muốn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải tạo ra sự khác biệt, hay chính là chơi những trò chơi mới.
Vậy làm thế nào để chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được?
Chi tiêu ít hơn nghĩa là bạn phải tập từ bỏ một số thứ, nhưng bản chất của con người là không muốn từ bỏ thứ gì cả. Tôi sống ở Brooklyn và gần đây tôi đã gặp một cô gái đến nói chuyện về vấn đề tiền bạc mà cô ấy gặp phải. Cô ấy buộc phải cắt bỏ mọi thứ chi tiêu đầy khó khăn.
Tôi tưởng tượng ra rằng cô ấy lén lút trút đồ ăn thừa từ đĩa của người khác vào đĩa của mình ở nhà hàng, nhưng sau đó tôi lại phát hiện ra cô ấy sở hữu một trong những viên kim cương nâu trị giá hàng triệu đô la, có một quản gia và một tài xế riêng. Tôi đã phải đặt câu hỏi: “Làm sao cô ấy có thể sống được như thế”?
Đó là thứ mà chúng tôi hay gọi là hiệu ứng sở hữu. Các nhà kinh tế học hành vi dùng cụm từ này để miêu tả cách chúng ta đặt cao giá trị của thứ chúng ta có hơn là những thứ chúng ta không có. Giống như trong một nghiên cứu khi mọi người được tặng một cốc cà phê miễn phí và họ có cơ hội để bán hoặc giao dịch đổi lấy một thứ có giá trị tương đương, họ luôn muốn có gấp đôi số tiền mà họ sẵn sàng trả cho cốc cà phê đó.
Chúng ta ghét phải từ bỏ thứ gì đó. Nhưng khi bạn sẵn sàng từ bỏ thứ gì đó để có được thứ mà bạn muốn, nó sẽ tạo nên sự khác biệt.
“Nếu bạn sẵn sàng thay đổi hoàn cảnh, bạn sẽ phải học cách từ bỏ. Tôi đã làm việc này vào năm ngoái, từ bỏ công việc mà tôi đang làm suốt 13 năm và không có việc mới dù tôi đang phải nuôi 2 con nhỏ, 1 con chó và nợ tiền thế chấp mua nhà…
Chúng tôi đã quyết định thu gọn một nửa diện tích căn nhà, bán bớt đồ đạc và chuyển đến một nơi cách thành phố 15 phút với nhiều lựa chọn công việc hơn để cả nhà có thể đi chung một chiếc xe. Hiện nay tôi tự kinh doanh và tham gia một khóa học để cải thiện khả năng đầu tư.
Chúng tôi chỉ còn nợ thế chấp mua nhà 3 năm, thay vì đáng lý ra là 15 năm như trước đây. Tôi được gặp các con thường xuyên hơn và cả nhà hạnh phúc hơn. Không ai trong chúng tôi bị ảnh hưởng khi cắt giảm chi tiêu vào những thứ không mấy quan trọng trong cuộc sống.
Đây có thể không phải là con đường phù hợp với tất cả mọi người, nhưng vấn đề thực sự ở đây là bạn có sẵn sàng hay không mà thôi, đừng để ý đến những ràng buộc bạn đang phải mang theo”.
Hầu hết mọi người ghét đọc những dòng tâm sự như trên bởi chúng ta có xu hướng tin rằng mọi thứ trong cuộc sống này đều rất dễ dàng và điều kỳ diệu luôn đến.
Khi tôi đưa ra quyết định phải đạt được tự do về tài chính, tôi luôn hỏi bản thân câu này mỗi ngày: “Hôm nay mình đã làm gì để đạt được mục tiêu đó? Mình đang thực hiện đến bước nào rồi?”
Phải mất nhiều năm làm việc chăm chỉ và sống theo nguyên tắc chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được tôi mới nhận ra rằng bạn không thể cắt giảm chi tiêu đến mực bằng 0 được và đó là lý do bạn phải kiếm tiền nhiều hơn. Tất nhiên, kiếm tiền nhiều hơn cũng dựa trên sự chăm chỉ và nguyên tắc của bạn.
Ngoài ra, để trở nên giàu có bạn cần phải bắt tiền làm việc cho mình một cách khôn ngoan và kiên nhẫn. Hiếm có ai trở nên siêu giàu chỉ nhờ số tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng. Có những người nói với tôi rằng họ trở nên giàu có nhanh chóng nhờ quyền chọn nhị phân (binary options) hay những thứ tương tự như thế. Thi thoảng tôi bảo họ hãy báo với tôi kết quả sau 1 năm nữa, và gần như tôi không nhận được phản hồi từ họ.
Đó cũng là lý do tôi đề cao những người trung thực với thành công của mình và chậm rãi đi từng bước chắc chắn đến thành công. Hãy chắc chắn rằng bạn có thể yên tâm ngủ đến 11 giờ sáng thứ Ba mà tiền vẫn đang làm việc cho bạn, chỉ cần bạn biết kiểm soát thời gian của mình.
Tỷ phú Mark Cuban từng nói rằng thời gian là tài sản quý giá nhất của mỗi người. Bởi bạn “không thể mua nó, không thể tìm ra nó, không thể dự trữ nó và càng không thể dùng nó để trao đổi”.
Do vậy nếu bạn không dành thời gian quý giá làm những việc thực sự hữu ích, bạn sẽ để lãng phí nó vì bạn không bao giờ lấy lại được thời gian.
Theo trí thức trẻ