LTS: Mỗi người đều cố gắng tìm kiếm chìa khóa dẫn đến thành công trong công việc và cuộc sống . Những người thất bại hay gặp phải chuyện không vừa ý đều đổ lỗi cho sức mạnh huyền bí của số mệnh.
Tuy nhiên, ranh giới giữa thành công và thất bại đôi khi lại ở rất gần. Đó chính là sự khác biệt ở suy nghĩ .
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ câu chuyện về cách sống, phép mầu nhiệm của việc thay đổi suy nghĩ và quyết tâm chinh phục mục tiêu, có thể giúp bạn làm chủ quy luật cuộc đời về những thứ mà mình muốn có. Hãy đọc và thay đổi để biến điều “không thể” thành “có thể”.
Quy luật cuộc đời – Chỉ có trong đời những thứ mình muốn có
” Sự đời không như mình tưởng”.
Chúng ta có những lúc thất vọng đối với những sự việc xảy đến trong cuộc đời. Tuy nhiên, chính là do ta nghĩ “cuộc đời chẳng bao giờ được như mong muốn” nên mới dẫn đến kết quả đó. Nếu ta cứ một mực suy nghĩ cuộc đời sao mà luôn trục trặc thì chắc chắn cuộc đời sẽ trục trặc đúng như ý nghĩ của ta.
Cuộc đời của một người được tạo ra bởi chính những suy nghĩ của người đó.
Nhiều người thành công trên đường đời đều có chung quan điểm này. Tôi cũng vậy. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi mang trong lòng một niềm tin mãnh liệt rằng: “Điều gì mà mình không muốn thì chắc chắn nó sẽ không đến với mình”.
Tức là chỉ có những thứ mình muốn mới hiện hữu trong cuộc đời. Còn mình đã không muốn thì ngay cả những thứ tưởng như chắc chắn nằm trong tầm tay cũng sẽ vuột đi mất.
Nói cách khác, tâm nguyện của ta như thế nào thì cuộc đời ta trong thực tế sẽ là như vậy. Vì thế, nếu chúng ta định làm điều gì thì trước hết phải xác định mình mong muốn “việc đó sẽ như thế này hoặc như thế kia” trước đã.
Khao khát “muốn như vậy” là rất quan trọng.
Suy nghĩ có sức mạnh chi phối hành động của tất cả chúng ta. Hình minh họa.
Tôi cảm nhận được bằng cả cơ thể mình điều này từ hơn 40 năm trước, khi lần đầu tiên tôi đến dự buổi diễn thuyết của ông Matsushita Konosuke (Matsushita Konosuke (1894-1989): Nhà phát minh đồng thời là người sáng lập hãng Panasonic Nhật Bản).
Ông Matsushita thời đó chưa được “thần thánh hoá” như những năm sau này. Và ngày đó tôi cũng chỉ là giám đốc một công ty mới thành lập, không tên tuổi.
Trong buổi thuyết trình đó, ông Matsushita đề cập đến phương pháp kinh doanh nổi tiếng theo hình thức xây đập. Những dòng sông không có đập thường gây ra lũ lụt vào mùa mưa và khô cạn vào mùa khô. Vì vậy cần phải xây đập trữ nước để điều hòa lưu lượng, không quá phụ thuộc vào khí hậu.
Trong kinh doanh cũng vậy. Lúc đang ăn nên làm ra thì đã phải tích luỹ, chuẩn bị sẵn, dự phòng khi thất bát. Bài thuyết trình của ông xoay quanh phương thức kinh doanh có dự phòng như vậy.
Cả mấy trăm con người, giám đốc các công ty vừa và nhỏ trong hội trường, xôn xao trước những điều ông Matsushita nói.
“Nói thế mà cũng nói được. Nếu dư dả thì đã chẳng phải bàn. Vì không dư dả nên mới phải lo lắng chạy vạy. Điều mà chúng tôi muốn nghe là làm cách nào để xây được con đập như ông nói. Còn con đập quan trọng ra sao thì ai chẳng biết”.
Ngồi ở hàng ghế sau cùng, tôi chứng kiến tất cả. Mọi người trong hội trường trao đổi râm ran.
Sau khi kết thúc thời gian thuyết trình, vào phần hỏi đáp giữa diễn giả và người nghe, một người đứng bật dậy, bức xúc:
“Thật là lý tưởng nếu xây được con đập như ông trình bày. Nhưng trên thực tế thì không thể. Tôi và mọi người tụ họp ở đây cứ ngỡ được nghe ông chỉ bảo cho cách xây đập chứ không phải đến nghe những điều dông dài”.
Trước bức xúc của người nghe, ông Matsushita im lặng hồi lâu, vẻ mặt hiền hoà, nụ cười kiên nhẫn. Rồi bất chợt ông cất lời khiến mọi người chưng hửng, bật cười: “Chính tôi cũng không biết cách làm sao để xây được con đập. Nhưng không xây thì không ổn”.
Tất cả đều thất vọng trước câu giải đáp của ông – mà thật ra không thể coi đó là câu trả lời.
Tôi thì khác, không cười, cũng không thất vọng. Ngược lại, cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc cơ thể, tôi ngây người ra, mặt tái đi. Bởi vì đối với tôi, câu chuyện ông Matsushita đã gợi ra một chân lý cực kỳ quan trọng.
“Không nghĩ không được”. Lời nói buột miệng của ông Matsushita đã đề cập đến tầm quan trọng của việc “phải suy nghĩ trước đã”. Phương pháp xây đập thì mỗi người mỗi cách, không phải là thứ dạy sao là làm y chang như vậy.
Trước hết là phải có ý muốn xây con đập đó. Ý muốn sẽ khởi đầu tất cả. Tôi chắc rằng điều ông Matsushita muốn nói là như vậy.
Nghĩa là, nếu chúng ta không muốn làm thì không thấy cách làm và thành công cũng không đến. Vì thế, điều quan trọng là phải có khát vọng mãnh liệt và suy nghĩ nghiêm túc.
Trên cơ sở đó, ý muốn trở thành khởi điểm và sau đó sẽ hình thành cách làm. Cuộc đời của bất kỳ người nào cũng sẽ hiện hữu như những gì người đó đã khao khát và hình dung.
Ý muốn giống như hạt giống, là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất để hiện thực nảy mầm, bén rễ, thành cây, ra hoa, kết quả trong mảnh vườn cuộc đời.
Tôi cảm nhận được chân lý này – chân lý sẽ xuyên suốt cuộc đời của chúng ta dẫu lúc tỏ lúc mờ – từ lời nói buột miệng sau tiếng thở dài của ông Matsushita khi ấy. Ngoài ra, tôi còn học hỏi và lĩnh hội nó sâu sắc từ cuộc sống thực tế sau này.
Tuy nhiên, để biến khát vọng thành hiện thực thì suy nghĩ ở mức bình thường là không đủ. Suy nghĩ phải thấu đáo, phải liên tục, không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm, khi thức cũng như khi ngủ chứ không nửa vời theo kiểu “làm được thì tốt”.
Toàn bộ cơ thể từ đỉnh đầu đến gót chân đều tràn ngập suy nghĩ. Nếu đứt chân đứt tay thì “suy nghĩ chảy ra chứ không phải máu chảy ra”. Tập trung suy nghĩ, mãnh liệt suy nghĩ, đó là nguồn động lực sáng tạo của con người.
Tại sao cùng có khả năng như nhau và mức độ nỗ lực ngang nhau nhưng người thì thành công, người thì thất bại? Người ta thường đổ lỗi cho vận số, cho may rủi. Nhưng thực ra đó là do sự khác nhau về sức mạnh, tầm cao, độ sâu và độ cháy bỏng của khát vọng của mỗi người.
Đọc đến đây, có lẽ một số độc giả sẽ lắc đầu không đồng tình vì cho rằng tôi thuộc loại “lạc quan chủ nghĩa”. Nhưng, việc suy nghĩ, suy nghĩ đến quên ăn quên ngủ, suy nghĩ đến cùng kỳ lý là hành vi hoàn toàn không dễ dàng, không phải người nào cũng có thể làm được.
Lúc nào cũng phải nung nấu suy nghĩ mãnh liệt, khát vọng cháy bỏng và những điều đó phải ăn sâu vào tâm thức.
Ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh, để triển khai những kế hoạch mới, để tạo ra một sản phẩm mới nếu chỉ suy nghĩ trong đầu không thôi thì phần lớn chúng ta chỉ nghĩ tới khó khăn và những cản trở.
Nếu cứ theo cung cách thông thường đó thì sự việc không trục trặc cũng phải trục trặc. Còn nếu thực sự có ý định làm gì thì điều không thể thiếu là phải có tư duy mãnh liệt, khát vọng mãnh liệt.
Để biến điều “không thể” thành “có thể” thì trước hết phải suy nghĩ mãnh liệt tới mức “điên khùng”. Tiếp đến là phải có niềm tin rằng sẽ làm được. Và cuối cùng quá trình lao động nỗ lực hướng về phía trước.
Đó là phương thức duy nhất để chúng ta đạt tới mục tiêu trong cả hoạt động kinh doanh lẫn trong cuộc đời.
Bài viết trên được trích từ cuốn sách “Cách sống” của tác giả Inamori Kazuo. Cuốn sách là một chuỗi các câu chuyện được tác giả chia sẻ và gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cách sống, cách vượt lên chính mình, nỗ lực không ngừng để vươn tới thành công.
Sách do ThaiHaBooks mua bản quyền và hiện đã được phát hành trên toàn quốc. Hãy đón đọc “Cách sống” để thay đổi bản thân và trở nên “phi thường”.
Theo trí thức trẻ