Những slide buồn tẻ của PowerPoint đã trở thành món ăn nhạt nhẽo của cuộc sống văn phòng từ bao lâu nay, cũng tương tự như chiếc máy photocopy hay bị kẹt giấy ở công ty của bạn. Chương trình này cũng liên tục bị đổ lỗi, từ làm xói mòn tư duy giáo dục đại học cho đến cản trở sự sáng tạo và đổi mới.
Có rất nhiều lý do khiến PowerPoint, được Microsoft giới thiệu từ năm 1987, không còn là một ứng dụng lý tưởng để truyền tải thông tin, nhưng có một lý do lớn là format theo thứ tự tuyến tính của nó không còn phù hợp với những người được nuôi dạy và lớn lên qua những bức ảnh di chuyển liên tục.
Khi so với Prezi, một công ty thuyết trình dựa trên điện toán đám mây cho phép người dùng phóng to/thu nhỏ bài thuyết trình, thì rõ ràng PowerPoint thiếu tính thuyết phục và ít hiệu quả hơn.
Tuy nhiên cần nhớ rằng đây là kết quả của nghiên cứu do Prezi tài trợ, mặc dù nó được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard và Viện Keck Graduate ở Claremont, California, và được đăng trên PLOS One – một tạp chí được các chuyên gia tự đánh giá và thẩm định trực tuyến.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 ứng dụng là sự sinh động của giao diện người dùng có thể phóng to thu nhỏ (gọi tắt là ZUI) – một công cụ tương tự như chức năng phóng to thu nhỏ ở Google Maps – cho phép người thuyết trình nêu bật các chi tiết, sau đó trở về với màn hình chỉ mục.
Mặc dù tính năng này đã được PowerPoint bổ sung, nhưng nó lại có vẻ dư thừa và gây phân tâm, trong khi chuyển động linh hoạt trong Prezi lại góp phần củng cố thêm thông điệp của bài thuyết trình.
Vì bộ não người xử lý thông tin theo cả 2 hướng hình ảnh (sử dụng các hình khối và màu sắc) và không gian (sử dụng địa điểm và khoảng cách) nên các nhà nghiên cứu cho rằng ZUI giúp khán giả dễ theo dõi nhờ định vị thông tin ở một chỗ, cho phép họ có thể tìm lại sau đó nếu muốn (Trong các cuộc thi về khả năng ghi nhớ, các ứng viên sẽ tạo ra những bối cảnh trong bộ não, và đặt các “sự vật” vào đó, sau đó sẽ nhớ lại xem đã để chúng ở đâu).
Theo các nhà nghiên cứu, người dùng bình thường cũng ưa thích những trang web và các quảng cáo sinh động hơn so với những hình ảnh tĩnh và có xu hướng đánh giá các bài thuyết trình sinh động cao hơn (vì nó hấp dẫn và bắt mắt hơn), bất kể nội dung như thế nào.
Theo trí thức trẻ