Nữ Giám đốc đưa thẻ tín dụng cho người ăn xin gặp ngoài đường và bài học về lòng trung thực

Có những người luôn lấy lý do hoàn cảnh xô đẩy để bao biện cho những việc làm sai trái, hoặc thậm chí là phạm pháp của bản thân. Thế nhưng, cũng có những người cho dù đã lâm vào bước đường cùng cũng vẫn luôn giữ vững nguyên tắc làm người của mình.


Ảnh minh họa

Một ngày Hè năm 2010.

Merrie Harris, 45 tuổi, là Giám đốc của một công ty quảng cáo nổi tiếng ở New York, Mỹ cùng bạn bè đến dùng bữa trưa tại một nhà hàng ở phố Kenmare, Manhattan thì bất ngờ gặp một người đàn ông vô gia cư.

Anh ta tiến lại gần Merrie và dùng chất giọng yếu ớt nói với cô: “Tôi là Jay Valentine, 32 tuổi. Tôi đã thất nghiệp 3 năm rồi và hiện tôi phải đi ăn xin để sống qua ngày. Tôi chỉ muốn hỏi liệu cô có bằng lòng giúp đỡ tôi không? Ví dụ như cho tôi vài đồng lẻ để tôi có thể mua chút đồ dùng hàng ngày chẳng hạn.”

Nhìn vẻ tiều tuỵ và ánh mắt đầy kỳ vọng của Jay, Merrie không nỡ từ chối. Cô vội lục tìm tiền lẻ, nhưng thật đáng tiếc, Merrie không đem theo tiền mặt, trong túi cô chỉ có một chiếc thẻ tín dụng mà thôi.

Merrie ngần ngại nhìn người đàn ông vô gia cư, cô nói mình chỉ mang thẻ ngân hàng và cũng không biết phải làm sao.

Suy nghĩ vài giây, cô quay sang hỏi anh ta: “Liệu tôi có thể tin anh được không?”

Jay dõng dạc trả lời: “Tất nhiên rồi. Tôi là một người trung thực.”

Có lẽ Jay cũng nhận ra sự khó xử của Merrie. Anh từ tốn quay sang nhìn người phụ nữ tốt bụng: “Nếu cô tin tôi thì hãy để tôi sử dụng chiếc thẻ này, sau đó tôi sẽ đem trả lại cho cô, như vậy có được không?”

Với bản tính lương thiện, Merrie nhanh chóng quyết định đưa chiếc thẻ không cần mật mã cho Jay – người đàn ông mà cô cho rằng “nhìn có vẻ đáng tin”.

Anh chàng vô gia cư hỏi lại Merrie về việc sử dụng chiếc thẻ: “Tôi có thể mua thêm một bình nước uống và một vài đồ dùng sinh hoạt không?”

Merrie đã đồng ý không chút do dự: “Tất nhiên là được. Nếu anh cần thứ gì thì hãy dùng tiền trong đó mà mua.”

Đợi Jay khuất bóng, Merrie đi vào nhà hàng dùng bữa với bạn. Cô cứ đinh ninh rằng chỉ khoảng 10 phút nữa thôi, người đàn ông vô gia cư sẽ trở lại và trả cho cô chiếc thẻ tín dụng mà theo một số nguồn tin, số tiền trong đó lên tới gần 1 triệu USD.

Tuy nhiên, cô chờ đến gần cuối bữa ăn mà vẫn chưa thấy người ấy quay về. Merrie bắt đầu cảm thấy hối hận vì đã quá nhẹ dạ cả tin. Cô buồn rầu tâm sự với các bạn về sự việc vừa xảy ra và bị mọi người thay nhau quở trách. Ai cũng cho rằng người đàn ông vô gia cư kia đã cao chạy xa bay cùng với chiếc thẻ tín dụng của Merrie: “Sao cậu có thể dễ dàng tin tưởng một người lạ mặt như vậy? Cậu quá ngây thơ hay là ngốc nghếch thế hả?”

Merrie chẳng còn tâm trạng đâu mà ăn uống nữa. Cô nhờ bạn trả tiền giúp rồi rầu rĩ rời khỏi nhà hàng.

Ngay lúc ra đến cửa, cô đột nhiên khựng lại khi thấy người đàn ông vô gia cư ban nãy. Thì ra, Jay đã đứng bên ngoài đợi cô nãy giờ. Anh nhanh chóng tiến đến trước mặt Merrie và trang trọng chìa chiếc thẻ ra: “Tôi đã dùng hết 25 USD (tương đương 570 nghìn đồng) để mua một ít đồ và một bình nước, cô thử đối chiếu lại xem có đúng không.”

Merrie và tất cả bạn bè của cô đều sững sờ trước hành động của Jay. Họ không thể ngờ rằng một người vô gia cư đói nghèo như Jay lại sẵn sàng đem trả chiếc thẻ tín dụng chứa đựng cả một gia tài như vậy.

Merrie vô cùng xúc động. Cô ôm lấy Jay, giọng nghẹn ngào: “Tôi biết là anh sẽ quay trở lại.”

Jay mỉm cười: “Tất nhiên rồi. Bởi vì tôi là người trung thực mà.”

Sau đó, Merrie luôn miệng cảm ơn Jay khiến cho anh cảm thấy vô cùng khó hiểu. Rõ ràng Merrie là người giúp đỡ anh, đáng lẽ ra anh nên bày tỏ lòng cảm kích mới phải chứ!

Câu chuyện về người đàn ông vô gia cư dù chỉ còn 2 USD (tương đương 46 nghìn đồng) trong túi cũng quyết đem trả chiếc thẻ tín dụng chứa tới cả triệu USD cho ân nhân của mình nhanh chóng được đăng tải trên nhiều trang tạp chí và thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Nhiều người đã bị xúc động trước sự thật thà của người đàn ông vô gia cư tên Jay, thậm chí có người còn tình nguyện giúp đỡ anh tìm việc làm và quyên góp tiền cho anh thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Trong đó, phải kể đến một doanh nhân giàu có ở bang Texas đã gửi cho Jay 6.000 USD (tương đương 136 triệu đồng) để biểu dương sự trung thực của anh.

Tuy cuộc sống rất khó khăn, phải đi xin ăn từng bữa, nhưng Jay vẫn luôn giữ chữ tín và đề cao lòng tự trọng, bởi anh đã khắc cốt ghi tâm lời dạy của mẹ “không bao giờ được ném giá trị của bản thân xuống đất để người khác có cơ hội chà đạp”.

Có thể trong mắt nhiều người, gia tài là tất cả, nhưng đối với người đàn ông vô gia cư này, niềm tin mới là thứ quan trọng nhất. Jay rất cảm kích cuộc đời đã cho anh gặp được những người tốt bụng và cho biết sẽ luôn vững tin vào chân lý “người thành thật nhất định sẽ có một kết thúc tốt đẹp”.

Giữa cuộc sống xô bồ mà con người đang ngày càng mất đi niềm tin, vậy mà một người vô gia cư nghèo khổ lại có thể giữ được chữ tín như thế quả thật là điều hiếm có và rất đáng trân trọng.

Vậy còn bạn thì sao? Khi bạn động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh đáng thương của một người nào đó, nhưng trong túi bạn lại chỉ có đúng một chiếc thẻ tín dụng, liệu bạn có sẵn lòng đưa chiếc thẻ cho người lạ mới gặp lần đầu hay không? Và bạn có tự tin rằng mình sẽ gặp được một người thành thực như người đàn ông vô gia cư ở trên?

Theo Thời đại