Khi mạng xã hội trở thành một phần của cuộc sống, chúng ta có cả một “thế hệ check-in”

Cô gái bước vào quán cafe với gương mặt xinh đẹp rạng ngời, nàng đi cùng vài người bạn. Họ mau chóng tìm một chỗ đẹp nhất – ghế xofa và một chiếc bàn trắng, bên cạnh cửa sổ với ánh sáng ban ngày chiếu nhẹ nhàng qua ô kính, phía bên ngoài cửa là một tán cây xanh. Các nàng nhẹ nhàng order, tôi đoán là các món hot nhất của quán sau khi thấy nhân viên bê đồ ra – toàn những món đẹp và “ăn hình”. Dĩ nhiên là trước đó, các cô gái đã nhanh nhẹn selfie một vài tấm với nền là chiếc ghế xofa màu pastel. Tôi hấp háy nhìn họ với một sự tò mò xen lẫn thích thú khi nhận ra – động tác đầu tiên ngay sau khi đồ uống được bày ra trước mặt họ, không phải là nhâm nhi ly nước – mà là gần như cùng 1 lúc, tất cả đứng dậy – loay hoay tìm góc chụp flatlay rồi lại ngồi xuống, chỉnh ảnh check-in.


Ảnh minh họa

Đó có thể là một hình ảnh bi hài với nhiều người, nhưng ở cuộc sống hiện tại, chúng ta đã dần quen với nó. Check-in, từ lâu đã vượt xa ra khỏi một tính năng đơn thuần trên các mạng xã hội. Nó đã trở thành một phần của cuộc sống, là thói quen của phần đông giới trẻ hiện đại. Nó gần như là một thứ nghi thức bắt buộc mà bất cứ ai tham gia mạng xã hội đều phải nắm rõ quy luật và thành thục. Và sẽ chẳng phải quá đâu khi chúng ta có thể đặt tên giới trẻ bây giờ bằng cái tên chung: Thế hệ check-in.

Cách đây nhiều năm khi tôi còn học đại học và có chiếc iTouch đầu tiên để có thể update Facebook gần như mọi lúc mọi nơi, một trong những tính năng khiến tôi khoái trá nhất chính là check-in. Bạn hiểu không, đây gần như là một cuộc cách mạng với những đứa sống ảo. Bởi thay vì up 1000 tấm ảnh bạn đang ngồi ở một hàng cafe sang chảnh nào đó với cốc mocktail diêm dúa 7 màu và một cái caption kiểu như: Hôm nay vô tình ra ABCXYZ ngồi bỗng thấy buồn vu vơ… (nghe đến là kiểu muốn hét lên cho cả thế giới là: Tui có sang chảnh không nè) –  thì bạn chỉ cần đơn giản là làm một thao tác check-in nhẹ nhàng chứ chả cần phải up ảnh hay giả vờ than thở cũng đủ để dân tình biết bạn đang ngồi đâu trên cái đất này rồi.

Tôi biết rằng đa phần các bạn trẻ hiện đại cũng giống như tôi, cũng đặt tay vào chiếc tablet hay smartphone lúc mới lớn, để rồi định hình thói quen và cuộc sống của mình quanh những tính năng kỳ diệu từ mạng xã hội. Ngày xưa chúng ta ngóng tin nhau từ đứa cùng lớp, tìm thư trong hộc bàn hay thỉnh thoảng vẫn vênh mặt lên đi qua đứa mình thích như thể là ngẫu nhiên (dù tất nhiên là không phải vậy) – thì bây giờ, chúng ta vẫn giữ nguyên những cảm xúc hồi hộp ấy khi nhìn thấy Facebook ai đó online và vào pm mình, hay phát hiện ra họ vừa check-in ở quán cafe gần trường và vội phóng ra giả vờ mua cốc nước.

Tôi không nghĩ mọi thói quen bắt nguồn từ MXH đều là xấu. Check-in cũng vậy, nó là một thói quen thú vị, đôi khi phiền phức, nhưng nó gắn liền với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Bởi đơn giản, sự ra đời của nó gần như thay đổi hoàn toàn cách giới trẻ sử dụng mạng xã hội. Hãy thử nghĩ mà xem, mọi thứ sẽ nhạt nhẽo thế nào nếu thiếu đi động tác check-in và cái dòng nho nhỏ xuất hiện bên cạnh status của bạn trên Facebook, hay dưới username của bạn trên Instagram. Bạn sẽ thấy chán thế nào khi không thể khoe hôm nay mình đi cafe ở đâu, hay đang đi làm ở tận xa tít mù tắp mà chẳng có ai biết đấy là chốn nào. Mới nghĩ đến đã thấy… thật sự cô đơn, giống như muốn được than vãn mà chẳng có ai lắng nghe vậy.

Nhưng giới trẻ check-in không chỉ để người khác biết mình đang đi cafe ở quán nào, đang đi ăn ở đâu hay đi học vào ngày thứ mấy. Bởi vượt xa ngoài mục đích ban đầu để đơn giản thông báo là “bạn đang ở đâu”, check-in còn có thể nói lên bạn là ai, bạn có cuộc sống ra sao hoặc bạn muốn người khác nhìn thấy cuộc sống của mình như thế nào. Check-in trở thành một công cụ để người trẻ khéo léo phô diễn những gì hay ho nhất, những gì mà theo họ sẽ khiến người khác ấn tượng về mình nhất, những điều họ muốn thể hiện nhưng không muốn nói thành lời. Nó giống như một cuốn visa ảo, nơi mỗi cú check-in là một cái đóng dấu nhập cảnh đầy huy hoàng chứng minh cho cuộc sống thú vị của mỗi người.

Check-in, cùng với mạng xã hội, nhanh chóng bị coi là một trong những thói xấu của người trẻ hiện đại – những kẻ nghiện công nghệ và ưa chăm chút cho thế giới ảo hơn là đời sống thực. Tôi sẽ chẳng thấy lạ khi nhắc đến check-in là nhiều người nhăn mày, cau mặt rồi phán xanh rờn: Chỉ có lũ thích show-off mới thích check-in sống ảo, đúng là quan tâm đến những thứ hình thức bề ngoài hơn là những giá trị thực tế bên trong! Họ cho rằng, check-in chỉ đơn thuần là một công cụ khoe mẽ và rườm rà, đại diện cho những con người sống phụ thuộc vào Internet. Còn những kẻ hay check-in ư? Chẳng gì hơn ngoài một đám trẻ nông cạn và ảo tưởng vào cuộc sống của mình! Đừng chụp ảnh nữa, hãy ăn đi trước khi đồ ăn trên bàn nguội hết! 

Nhưng sự thật có phải là thế không? Khi mà chúng ta chỉ đơn giản là đang sử dụng một công cụ để thể hiện mình với thế giới? Có phải hơi bất công không khi mọi thứ đều có những mặt tích cực của riêng nó, còn những người khác lại chỉ nhìn vào những gì tiêu cực nhất để phán xét?

Có gì sai khi những người trẻ hiện đại xây dựng cuộc sống ngoài đời của mình cùng lúc với mạng xã hội? Có gì sai khi chúng ta có những thói quen mới, những sở thích đến từ Facebook, Instagram? Nó không phải là sự phụ thuộc tiêu cực, mà là sự thay đổi để chúng ta có thể dễ dàng kết nối với nhau, và cũng giúp bản thân mỗi người thể hiện cuộc sống cá nhân của mình nhiều hơn. 

Tôi không tìm thấy lỗi lầm nào khi một cô gái xinh đẹp check-in ở hàng kem yêu thích với một ly kem rực rỡ mát lạnh. Tôi cũng không thấy làm phiền lòng khi nhóm bạn trên Facebook của mình đang up ảnh vi vu ở Thái Lan. Và tất nhiên, cũng chẳng hề bận tâm nếu anh chàng nào đó vừa chụp ảnh check-in đang khổ sở đi làm văn phòng – với dòng caption ao ước được đi biển. Họ đang cập nhật cuộc sống của mình, họ đang tận hưởng nó, họ muốn chia sẻ nó cùng những người thân yêu, những ai thật sự quan tâm đến họ và muốn biết về họ. Đó là những nhu cầu chính đáng của mỗi người, và họ sử dụng check-in cùng mạng xã hội để thoả mãn nhu cầu ấy. Update cuộc sống cá nhân của mình thì có gì là sai, là ảo tưởng, là “không thật”? 

Và trời ơi, bạn biết điều gì tuyệt vời nhất từ những dòng check-in không? Đó là những điều mới mẻ! Tôi yêu thích cách các bạn trẻ cập nhật xu hướng mới qua những cái check-in. Hàng quán nào hot nhất bây giờ, nơi nào đang xảy ra sự kiện gì, món ăn nào đang được yêu thích nhất hay show ca nhạc nào đang được các bạn trẻ tụ tập đông nhất. Thật tuyệt vời khi chỉ với một thao tác nhỏ, chúng ta kết nối với nhau mà chẳng cần ở chung một địa điểm. Thật tuyệt khi chúng ta có thể nhìn thấy ai đó đang have fun thế nào, đang tận hưởng cuộc sống ra sao và có những điều tuyệt vời gì đang diễn ra mà chúng ta chưa được biết đến.

Và không, xin nhắc lại một lần nữa: Thế hệ check-in này không phải là những người trẻ đua đòi và để cuộc sống ảo lấn lướt cuộc sống thật. Hãy nhìn kỹ lại đi, cuộc sống thật của họ rực rỡ đến thế kia mà! Thế hệ check-in mới toanh này là một thế hệ biết hưởng thụ, biết ăn chơi và tìm kiếm cho mình những niềm vui thú vị trong cuộc sống. Một thế hệ không thụ động mà tìm cách tạo trend, một thế hệ luôn tìm cách hoà nhập với những cái mới và cho thế giới thấy sự rực rỡ trong cuộc sống của mình. Một thế hệ có lối ảnh hưởng tích cực theo cách rất riêng, chứ không phải những thành tích gì quá đỗi đao to búa lớn. Một thế hệ tự tin với những gì mình làm được, không ngại chia sẻ và sẵn sàng đón nhận. 

Trong đề văn của các 99er vừa rồi, có một câu hỏi khiến rất nhiều người tâm đắc, đó là câu hỏi về lòng thấu cảm. Tôi chợt nghĩ rằng, chúng ta đã khắt khe với giới trẻ và mạng xã hội đủ lâu và bây giờ chính là lúc, chúng ta nên bắt đầu nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Hãy quan sát để nhận ra rằng có đến hàng tá, hàng chục những nhóm tính cách mới, những người trẻ theo xu hướng mới, mang những màu sắc riêng biệt. Cảm thông với họ, cởi mở với họ, bạn sẽ thấy một lớp người trẻ sống động, vui tươi, tràn đầy năng lượng và sự tự tin – thay vì hoài nghi và lắc đầu ngán ngẩm chỉ vì họ thích chụp ảnh món ăn trước khi ngồi vào bàn. 

Một thế hệ check-in, một thế hệ lúc nào cũng kè kè chiếc điện thoại bên mình ư? Chỉ cần họ là những người trẻ đủ thú vị và có một cuộc sống đầy ắp niềm vui để chia sẻ, thì điều đó chẳng có vấn đề gì. 

Theo trí thức trẻ