Thuyết kinh tế từ năm 1817 sẽ giúp bạn cắt giảm được 1/2 những gì mình cần làm mỗi ngày

Việc lập to-do-list hẳn không còn xa lạ trong cuộc sống bận rộn này. Nhưng có phải hầu như ngày nào bạn cũng ngậm ngùi nhìn lại những việc được ghi ra nhưng chẳng bao giờ thực hiện?


Ảnh minh họa

Hầu hết các buổi sáng, trong khi uống cà phê, mọi người sẽ ngồi ghi ra to-do-list của mình – danh sách những việc cần làm trong ngày: Gọi cho ngân hàng, trả lời cả đống email, dọn dẹp nhà bếp, chuẩn bị cho cuộc họp, viết báo, chạy bộ,… Nhưng thực tế là ít ai hoàn thành hết được những việc đã đặt ra. Nguyên nhân đến từ việc to-do-list đó không hề thực tế.

Phụ nữ nên ngừng cố gắng hoàn thiện cả 2 mặt: nghề nghiệp và đời tư

Tiffany Dufu, tác giả cuốn sách “Drop the ball: Achieving more by doing less” sẽ dạy cho chúng ta vài điều về lý thuyết so sánh.

Trong Drop the ball, Dufu, một nhà hoạt động vì các vấn đề của nữ giới và là giám đốc điều hành tại Levo, khuyến khích phụ nữ ngừng cố gắng hoàn thiện cả 2 mặt: nghề nghiệp và đời tư. Hầu hết phụ nữ tìm kiếm sự cân bằng trong công việc và cuộc sống không cần một công thức bí mật nào để thành công cả.

Chỉ đơn giản là chúng ta đang ôm đồm quá nhiều thứ.

Lý thuyết kinh tế về lợi thế so sánh: bạn phải cân nhắc kỹ chi phí cơ hội

Để tìm ra cách rút ngắn danh sách những việc phải làm, Dufu đề xuất sử dụng lý thuyết về lợi thế so sánh, một nguyên tắc được phát triển bởi nhà kinh tế học cổ điển David Ricardo từ năm 1817 để giải thích những lợi ích của tự do thương mại. Lý thuyết của Ricardo cho rằng các quốc gia không sản xuất tất cả hàng hóa mà họ cần mặc dù họ có thể làm điều đó.

Thay vào đó, họ cân nhắc đến chi phí cơ hội. Các quốc gia tập trung vào những hàng hóa họ có thế mạnh sản xuất mà không cần đầu tư nhiều, và nhập khẩu những mặt hàng còn lại từ các nước khác. Đó là nền tảng cơ bản phản ánh cách mà trật tự thế giới đã tạo điều kiện phát triển cho các nước. Đây cũng là con đường để mỗi nước đẩy mạnh những mặt hàng lợi thế của mình, từ xe hơi Đức đến gạo Thái.

Nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng cho năng suất cá nhân của chúng ta. Dufu lần đầu học về lợi thế so sánh trong buổi huấn luyện về quản lý, nơi cô được dạy làm thế nào các ông chủ có thể sử dụng khái niệm này để quyết định xem công việc nào sẽ được ủy thác, công việc nào xứng đáng để ta bỏ ra thời gian và công sức.

Trong cuốn sách của mình, cô viết: “Là một nhà gây quỹ phi lợi nhuận giàu kinh nghiệm, tôi có thể soạn thảo thư gây quỹ tốt hơn nhân viên của mình. Nhưng tôi mang lại giá trị nhiều nhất trong những cuộc họp gặp gỡ các nhà tài trợ lớn. Không ai khác trong nhóm của tôi làm được điều đó.” Vì vậy, việc hữu ích nhất mà cô nên làm không phải là viết thư, dù cho cô thực sự rất giỏi việc này, mà là tập trung kết nối các nhà tài trợ.

Áp dụng lý thuyết này vào đời sống sẽ giúp bạn trở thành một người “toàn năng”, bởi vì to-do-list do bạn viết ra không có nghĩa là bạn phải tự hoàn thành hết

Dufu nhận ra cô cũng có thể áp dụng lý thuyết này vào cuộc sống gia đình. Vào thời điểm đó, cô thường xuyên bị choáng ngợp bởi trách nhiệm nội trợ của một người vợ, người mẹ. Cô rà soát lại to-do-list của mình, tự hỏi nhiệm vụ nào mà chỉ mình cô có thể thực hiện được.

Và cô nhận ra mục tiêu chính của mình là một người làm cha mẹ: cô cần nuôi dạy đứa trẻ trở thành một công dân toàn cầu có ý thức.

Quá trình này chỉ ra cho Dufu những nhiệm vụ không quan trọng trong kế hoạch tổng thể – nghĩa là cô có thể vô tư gạch bỏ chúng khỏi danh sách của mình.

Cô chia sẻ: “Trước đây tôi cứ nghĩ việc ướp thịt vào đêm hôm trước là tối cần thiết để thịt có vị ngon. Giờ thì tôi đang cười vào điều đó”. Những công việc khác, chẳng hạn như hẹn gặp nha sĩ cho con, thực sự cần được thực hiện, nhưng cô không nhất thiết phải là người trực tiếp làm chúng.

Bằng cách này, quy luật về lợi thế so sánh có thể chỉ cho phụ nữ – những người vẫn mang trên vai trách nhiệm nội trợ và chăm sóc gia đình không cân xứng với nam giới – cách giảm tải nhờ dựa vào những phương án hỗ trợ. Bạn có thể nhờ đồng nghiệp ghé ngang lấy đồ giặt ủi hay kiểm tra thư từ, hoặc nhờ hàng xóm đón con hộ.

Áp dụng lý thuyết về lợi thế so sánh vào to-do-list của bạn cũng cần đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Theo Dufu, chúng ta đang sống một cuộc sống mặc định, giống như những bản nhạc chuông trong chiếc iPhone của bạn chẳng bao giờ thay đổi vì chúng nghe vẫn ổn.

Nhưng nếu mỗi người thử tự ví mình như một quốc gia, chúng ta sẽ muốn bản thân được biết đến bởi điều gì? Nước Pháp có rượu hảo hạng, Mexico có bơ thơm ngon, Nhật Bản nổi tiếng với những “nhân vật kawaii”. Tôi vẫn đang xác định những “mặt hàng xuất khẩu hàng đầu” của mình là gì.

Nhưng tôi biết mình muốn viết để đạt được một trong số chúng, và đó là động lực để tôi dành toàn bộ tâm huyết của mình để hoàn thành bài viết này. Một mặt bếp sáng bóng thì tuyệt thật đấy. Nhưng nhìn tổng thể, tôi vẫn ổn với một vài vết bẩn. Bạn không cần phải làm mọi chuyện thật hoàn hảo, nên hãy cân nhắc xem điều gì đáng làm, điều gì nên được gạt sang một bên.

Theo trí thức trẻ