Chuyện về Mã Vân khi chưa là tỷ phú Jack Ma

Trước khi là ông chủ của đế chế thương mại điện tử Alibaba, Mã Vân đã dành 5 năm đứng trên bục giảng, thực hiện một cách đầy trách nhiệm lời hứa với người thầy của mình.


Ảnh minh họa

Mã Vân hay Jack Ma là cái tên quá nổi tiếng trên khắp thế giới. Người đàn ông được mệnh danh là “Bill Gates của Trung Quốc” không chỉ là cha đẻ của đế chế thương mại điện tử khổng lồ Alibaba mà còn là người giàu nhất Trung Quốc, người luôn nằm trong danh sách những tỷ phú của thế giới.

Trong quyển, Mã Vân – Triết lý sống của tôi độc giả có thể tìm ra câu trả lời vì sao người đàn ông có dáng người gầy gò, tướng mạo xấu xí, kết quả môn Toán bết bát, hai lần thi trượt đại học đó đạt được những thành công đáng nể.

Lời hứa đầy trách nhiệm với vị hiệu trưởng

Giang Nam Xuân (sau này là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của Focus Media) được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hoa Đông vì một bài báo đoạt giải.

Trần Thiên Kiều (sau này là CEO trang mạng snda.com) được tốt nghiệp trước thời hạn khoa Kinh tế Đại học Phúc Đán, do được bình chọn là “thanh niên ưu tú của thành phố Thượng Hải”.

So với sự may mắn và thảnh thơi của họ, con đường bước vào cổng trường đại học của Mã Vân có thể nói là vô cùng trầy trật.

Nhưng sau khi vào đại học, Mã Vân bắt đầu những ngày tháng “như cá gặp nước”. Với nền tảng tiếng Anh đã có từ trước, anh không cần phải nhọc công học hành cũng có thể dễ dàng hoàn thành chương trình học, rồi tranh thủ thời gian làm những việc khác. Mã Vân dành phần lớn tâm huyết để tham gia các hội đoàn sinh viên.

Năm thứ ba đại học, Mã Vân được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Sư phạm Hàng Châu, không lâu sau lại được bầu làm Chủ tịch Liên chi hội Sinh viên thành phố Hàng Châu, có thể coi là một nhân vật “có máu mặt” trong hàng ngũ sinh viên trong trường.

Học đại học một cách thuận lợi, Mã Vân còn được điều về làm giảng viên tại Học viện Công nghiệp Điện tử Hàng Châu. Trong số 500 sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hàng Châu khóa đó, Mã Vân là người duy nhất được về đứng lớp tại một trường đại học.

Điều này khiến các bạn cùng khóa của anh vô cùng ngưỡng mộ, vì gần như 100% sinh viên tốt nghiệp đều bị điều động về quê làm giáo viên cấp hai.

Sau khi nhận quyết định phân công công tác, thầy hiệu trưởng đích thân tìm gặp Mã Vân và ân cần dặn dò: “Mã Vân, đây là cơ hội ngàn năm có một, thầy hy vọng em sẽ biết trân trọng. Em đại diện cho danh tiếng của trường Đại học Sư phạm Hàng Châu chúng ta, nên không thể đánh mất uy tín, chí ít là 5 năm, danh tiếng đó không thể bị xóa bỏ.”

Khi đó, Trung Quốc đang chuyển mình cải cách mở cửa, rất nhiều công chức với đầu óc nhanh nhạy đã xin nghỉ việc để tự thân lập nghiệp. Biết Mã Vân cũng là một thanh niên năng động, nên thầy hiệu trưởng sợ anh bị cuốn theo thời cuộc, đánh mất mình giữa làn sóng cải cách.

Mã Vân thấu hiểu sự quan tâm của thầy, tuy có rất nhiều bạn bè đồng môn, người thì xuất ngoại, người thì kinh doanh, nhưng vì lời hứa với thầy hiệu trưởng, anh đã chuyên tâm đứng trên bục giảng suốt 5 năm trời.

Trường chủ quản của Mã Vân chuyên về ngành công nghệ – khoa học tự nhiên, nhiều khoa như thương mại, ngoại ngữ… thiếu giáo viên trầm trọng, và sự xuất hiện của Mã Vân chắc chắn đã khỏa lấp khoảng trống này.

Với sở trường tiếng Anh, Mã Vân cũng đã tập trung nghiên cứu về các lĩnh vực như thương mại quốc tế, do đó, anh liền trở thành giảng viên chuyên ngành tiếng Anh và thương mại quốc tế.

Nhận công tác chưa được bao lâu, Mã Vân còn làm giảng viên kiêm nhiệm một số lớp học ban đêm tại thành phố Hàng Châu. Khoảng thời gian này đã giúp anh quen biết rất nhiều nhân vật trong giới kinh doanh, không những làm phong phú thêm vốn kiến thức ngoại thương, mà còn đặt cơ sở cho việc phát triển các mối quan hệ xã hội sau này.

Những bài giảng của Mã Vân vô cùng đặc sắc và thú vị, mỗi lần anh đứng lớp là mỗi lần giảng đường chật kín sinh viên. Dưới sự chỉ dạy của Mã Vân, những sinh viên từ trước đến giờ vẫn nhút nhát, dốt đặc ngoại ngữ sau một thời gian ngắn cũng có thể nói tiếng Anh như gió.

Mã Vân rất tự hào về điều này, anh từng nói: “Tôi từng nghiên cứu rất nhiều phương pháp học tiếng Anh cấp tốc, nhưng bí quyết của tôi là khiến cho học sinh chịu mở miệng nói tiếng Anh.”

Khoảng thời gian làm công tác trồng người chẳng những giúp Mã Vân tích lũy quan hệ, nâng cao kỹ năng, mà còn tạo cơ hội để anh kết giao với rất nhiều đối tác thân cận, phục vụ cho việc khởi nghiệp về sau.

Trong số “17 vị La Hán” cùng Mã Vân sáng lập nên Alibaba, có những người là học sinh và đồng nghiệp của anh như Chu Bảo Bảo, Hàn Mẫn, Chu Duyệt Hồng, Đới San, Bành Lôi… đó đều là những thành viên cốt lõi và trung thành nhất của Alibaba.

Sau này, Mã Vân đã từng quả quyết rằng: “Trên đời này, không ai có thể lấy đi đội ngũ lập nghiệp của tôi!” Lời khẳng định đó bắt nguồn từ sức mạnh và niềm tin mà những người bạn tâm giao trao gửi cho anh năm xưa.

Theo zing