Đã bao giờ bạn thấy một luật sư với nghề tay trái là kiến trúc sư, một lập trình viên viết sách vào buổi tối hay một nhân viên ngân hàng với giấc mơ trở thành hoạ sĩ đồ hoạ? Hãy tự nhìn vào thâm tâm mình, liệu bạn có đang ao ước có được một công việc khác không? Thế nhưng, ai cũng hiểu vì áp lực cơm, áo, gạo, tiền nên chẳng mấy người dám chuyển sang thứ mình thích, từ bỏ công việc câu cơm mỗi ngày.
Chi phí để nhảy việc quá cao, vừa mất khoản lương tích luỹ lâu ngày, thử việc lại từ đầu, chưa kể vô vàn thách thức ở công việc mới… Mọi thứ đều ngăn cản chúng ta tới với những gì mình muốn.
Thế nhưng, tại sao không làm 2 công việc cùng lúc? Nếu toàn bộ khối lượng công việc của bạn có thể hoàn thành xong trong giờ hành chính, sao không tận dụng thời gian thừa để theo đuổi đam mê, biết đâu nó lại mang tới cho bạn những gì mình không bao giờ ngờ tới.
Thôi được rồi, tới đây một số người sẽ nói rằng tới thời gian ngủ họ còn chẳng có huống chi là làm thêm việc. Xử lý ra sao trong tình huống này? Hãy cùng nghe chia sẻ của tác giả Kabir Sehgal, người làm một lúc tới 4 công việc.
Để nhắc tới công việc chính, chiếm nhiều thời gian nhất, Kabir công tác dưới tư cách là một nhà chiến lược tại một công ty lớn trong danh sách 500 của Fortune. Ngoài ra, trong thời gian rảnh, anh còn kiêm nhiệm thêm vị trí tuyển quân cho Hải quân Mỹ, viết vài cuốn sách thậm chí còn là kĩ sư âm thanh cho một phòng thu nhỏ.
Mỗi khi chia sẻ về những gì mình làm, người nghe đều hỏi Kabir những câu hỏi như “một ngày anh ngủ mấy tiếng?”, “làm sao anh có đủ thời gian làm những thứ kia?”… Kabir cho rằng nếu đã làm tốt một công việc, bạn sẽ tự phân bố được thời gian làm nhiều thứ khác, nếu công việc ban đầu đã chưa tốt thì đừng nghĩ tới việc làm thêm, hãy làm tốt nó đi đã.
Thật ra, nếu đã có mong muốn làm nhiều thứ cùng lúc, con người sẽ tự tìm ra khoảng thời gian hợp lý cho mình. Chẳng phải trước đây khi còn đi học chúng ta đã làm quá nhiều việc đấy rồi thôi? Từ học tại trường, giao lưu cùng bạn bè, chơi thể thao và làm cả việc nhà. Giờ đây khi đã trưởng thành, những đầu việc trên chuyển thành công việc thực tế. Kabir cho rằng câu hỏi đáng hỏi là “tại sao phải làm nhiều công việc một lúc?”.
Phát triển kĩ năng ưa thích
Thu nhập từ công việc chính của Kabir được phân bổ cho các chi phí sinh hoạt thêm vào đó là khoản tiền để anh phát triển thêm nghề thu âm. Nếu muốn thăng tiến trong nghề thu âm, anh ta phải có những bản thu có chất lượng, nếu không có sẽ chẳng ai thuê anh làm công việc này. Nghề thu âm tới với Kabir từ đam mê nhạc jazz, cổ điển của anh nên nó chỉ như một sở thích được thoả mãn. Tất nhiên, làm việc gì cũng thế, muốn được thoả mãn thì phải có tiền.
Sau khoảng thời gian cống hiến hết mình cho nghề thu âm, Kabir cũng bắt đầu xây dựng được danh tiếng trong nghề. Sử dụng kiến thức của anh khi làm tại công ty lớn, phòng thu của Kabir thu hút được nhiều ca sĩ, các hãng thu âm khác mời anh về làm việc. Mặc dù vậy, Kabir vẫn cho rằng đây chỉ là nghề để theo đuổi đam mê nên anh không quá quan trọng chuyện kiếm được nhiều tiền từ nó.
Mặc dù vậy, anh tận dụng khoảng thời gian làm việc với những ca sĩ, người nổi tiếng để mời đối tác công ty tới thưởng thức âm nhạc. Khi được quan sát những gì diễn ra trong phòng thu, gặp gỡ với người nổi tiếng, những đối tác trên công ty anh làm có thiện cảm, nó giúp anh kiếm được nhiều hơn với công việc trên công ty.
Tạo mối quan hệ đa ngành nghề
Làm việc cho một công ty lớn tại phố Wall, mối quan hệ của Kabir quanh quẩn trong giới ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cũng như những nhà phân tích. Làm việc cùng nhau và họ đưa ra một cái nhìn tổng quát về toàn thị trường. Mặc dù vậy, với Kabir đó là chưa đủ khi anh mới chỉ nhìn nhận được một góc của vấn đề, nó chưa đi được sâu như những gì anh và nhóm nghĩ.
Đây là lúc công việc viết lách mang lại cho anh nhiều lợi ích. Ví dụ một lần khách hàng của anh muốn biết một nhóm người Trung Quốc đang nói gì, sử dụng mối quan hệ trong viết lách, anh tìm được một tác giả biết tiếng Trung Quốc làm phiên dịch viên và làm khách hàng bất ngờ với những gì anh có.
Sử dụng mối quan hệ từ nhiều nguồn khác nhau, Kabir luôn tìm được đúng người cho đúng công việc. Khi gắn kết được những người bạn với nhau, tạo ra nhiều công việc mới, sự thân thiết của anh với họ càng được tăng cao.
Kabir cho rằng biết nhiều người ở nhiều lĩnh vực sau đó kết nối họ tạo nên một mối lương duyên không ai ngờ, nó mang tới giá trị cho tất cả mọi người và đem tới cơ hội cho những người như Kabir.
Khám phá nên những điều khác biệt
Làm những công việc khác nhau, bạn sẽ nhận ra thời điểm mà ý tưởng của một công việc này có thể tương hỗ cho một công việc khác. Hoàn hảo nhất sẽ là chúng kết hợp cùng nhau, mang lại lợi nhuận cho cả 2. Giống như Steve Jobs từng nói: “Khi công nghệ kết hợp với nghệ thuật, kết hợp cùng tính người, nó sẽ tạo ra một sản phẩm khiến trái tim cất tiếng”.
Với trường hợp của Kabir, anh nhớ lại thời điểm bão Katrina đổ bộ vào New Orleans. Đó chính là lúc anh phát hiện ra những công việc tưởng chừng không liên quan lại có thể hỗ trợ nhau tới không ngờ.
Bão Katrina ập đến, rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công rời New Orleans tránh bão. Họ không có nhà cửa, chẳng mang theo gì và gặp rất nhiều khó khăn khi sơ tán. Để giúp họ có được nơi ở, Kabir lúc đầu lên kế hoạch thành lập một quỹ phi lợi nhuận để giúp đỡ. Thế nhưng, anh phát hiện ra một ý tưởng hay hơn, sử dụng quan hệ của mình tại công ty lớn để lên chương trình biểu diễn cho những nghệ sĩ tại thành phố mới.
Giờ đây họ vừa được biểu diễn có chi phí sinh hoạt, vừa có nơi ở tạm thời trong thời gian biểu diễn và Kabir đã làm việc với những bầu show để có được một phần nhỏ trích vào quỹ cho những nghệ sĩ kém may mắn hơn, không tìm được chương trình nào cho mình.
Kabir mô tả nó như khi phố Wall gặp những khu vực nghệ thuật đường phố. Khi cơn bão qua đi, tất cả mọi người đều hài lòng vì những gì Kabir thực hiện được.
Kết
Đôi khi chúng ta không cần làm quá nhiều công việc và khi làm nhiều công việc, chúng ta cũng đừng nên nghĩ nhiều quá tới khoản tiền nó có thể mang lại. Hãy luôn tò mò, luôn cháy hết mình và một ngày nào đó cơ hội sẽ đến với bạn.
Theo trí thức trẻ