Nguồn vốn của một số dự án đã bị đóng băng, khiến chúng buộc phải kết thúc hoặc sáp nhập với đối thủ. Ngành công nghiệp vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đang phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn: quá nhiều tiền, nhưng lại quá ít triển vọng để đầu tư vào.
Nhờ lợi thế lợi nhuận cùng với chính sách mở cửa tín dụng của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng bằng động lực mới, dòng vốn đầu tư đã đổ xô vào ngành công nghệ. Theo nghiên cứu của Pedata.cn, trong năm ngoái có tổng cộng 2.438 quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ cổ phần tư nhân rót 1,37 nghìn tỷ NDT (198,8 tỷ USD) vào ngành công nghệ, tăng từ mức 784,9 tỷ NDT (113,9 tỷ USD) năm 2015. Nghiên cứu này cho thấy phần lớn số tiền đầu tư đến từ 323 quỹ chính phủ.
Bà Zhan thuộc pedata.cn nhiều quỹ đầu tư được lập nên với số vốn lớn gấp 10, 100 lần trước đây, lên tới cả chục tỷ, trong khi trước đây chỉ vài trăm triệu nhân dân tệ.
Cơn mưa tiền dồn dập đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có nhiều startup công nghệ trị giá trên 1 tỷ USD (hay còn gọi là startup kỳ lân) nhiều nhất trên thế giới. Với 70 thành viên mới gia nhập vào năm ngoái, Bộ KHCN Trung Quốc cho biết quốc gia này đã có tổng cộng 131 startup kỳ lân, nhiều hơn Mỹ 30 startup.
Không ai trong ngành công nghiệp này muốn nhắc đến chữ “B” (từ ám chỉ cho bong bóng), nhưng họ vẫn đang rỉ tai nhau về những khoản định giá điên rồ. Điển hình là startup cho thuê xe đạp và ngân hàng pin điện thoại di động.
Ofo – dịch vụ đi chung xe đạp hàng đầu Trung Quốc hôm chủ nhật vừa mới tuyên bố một thương vụ đầu tư chiến lược với Ant Financial – công ty dịch vụ tài chính thuộc tập đoàn Alibaba. Mặc dù khối lượng cổ phần trao đổi vẫn chưa được tiết lộ, tuần trước sáng lập viên Ant Financial cho biết Ofo trị giá khoảng hơn 2 tỷ USD.
Nhà đầu tư của Mobike – đối thủ lớn nhất của Ofo hồi đầu năm nay cũng tuyên bố một startup công nghệ trị giá hơn 1 tỷ USD.
Mobike và Ofo chỉ là 2 trong số hàng chục startup cho thuê xe đạp tại khắp các thành phố của Trung Quốc. Để lấy lòng người tiêu dùng, các nhà cung cấp phải đưa ra những gói hỗ trợ đôi khi là đi xe miễn phí – một chiến lược tốn tiền trong khi doanh thu nhận được chẳng là bao.
Một nhà đầu tư của Mobike cho biết: “Đừng hỏi tôi mô hình kinh doanh đó hiệu quả như thế nào. Tôi cũng không biết nữa”. Hiện nay hệ thống Mobike có 3,65 triệu xe đạp để cho thuê.
Wu Shichun, người sáng lập Plum Ventures nhận định mức doanh thu mỏng mà các công ty chia sẻ xe đạp nhận được cho thấy sự thiếu vắng của các dự án tốt. Ông Wu đã không chọn thị trường này, thay vào đó ông đầu tư vào các startup cung cấp chỗ sạc pin điện thoại di động tại các cửa hàng và trung tâm mua sắm.
Chỉ tính riêng trong tháng 4, 9 startup đã kêu gọi được tổng số tiền lên tới 100 triệu NDT. Plum Ventures đầu tư vào một trong số những startup này bởi ông Wu cho rằng nhóm sáng lập có tiềm năng.
Nhà đầu tư không chắc chắn có thể thu hồi được toàn bộ số vốn ban đầu hay không. Trên toàn cầu, chỉ có 291 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc phát hành IPO trong năm 2016 – thấp nhất kể từ năm 2013. Tại Mỹ, số doanh nghiệp Trung Quốc mới niêm yết trên sàn cũng đang trong đà giảm. Trong số 843 công ty Trung Quốc nhận vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, chỉ có 7 công ty phát hành IPO trong năm ngoái.
Không chỉ có các quỹ đầu tư, sự tham gia của những tập đoàn công nghệ danh tiếng đã thêm phần hấp dẫn cho cuộc chơi startup ở Trung Quốc. Trong vòng gọi vốn gần đây nhất vào tháng 1, Mobike đã thu hút được Sequoia Capital China, TPG và đặc biệt là gã khổng lồ Tencent Holdings và nhà sản xuất Foxconn Technology. Nhà đầu tư của Ofo có vị tỷ phú người Nga Yuri Milner, công ty dịch vụ taxi Didi Chuxing, quỹ đầu tư trụ sở ở New York Coatue Management và mới đây có thêm Ant Financial.
Nhiều người trong giới cho rằng Ofo và Mobike – 2 startup nổi trội nhất trong lĩnh vực cho thuê xe đạp cuối cùng sẽ bị mua lại bởi Tencent và Ant Financial (đứng sau là Alibaba).
Theo giám đốc điều hành Zero2IPO nhận định vấn đề cơ bản ở đây là tâm lý bầy đàn: “Khi mà quá nhiều tiền đổ vào một chỗ thì sẽ dễ sinh ra những sai sót trong ngành”.
Theo Trí thức trẻ