Bỏ 16.000 USD để học phát âm tên thương hiệu nổi tiếng và cách ăn cá hồi, đây là cận cảnh cuộc sống của giới siêu giàu

Những hình ảnh thể hiện lối sống xa xỉ của giới nhà giàu xuất hiện dày đặc trong Generation Wealth, cuốn chuyên khảo dày 504 trang của tác giả Lauren Greenfield sẽ được phát hành vào ngày 15/5 tới.


Ảnh minh họa

Trong một bức hình, Florian Homm – người sinh ra ở Đức, tốt nghiệp ĐH Harvard, là 1 ông chủ quỹ đầu cơ đã từng có tài sản 800 triệu USD nhưng sau đó mất trắng, đứng trong một nhà thổ ở Đức mà anh từng đồng sở hữu. Ở bức hình khác lại là hình ảnh của Imelda Marcos, cựu đệ nhất phu nhân của Philippines đã bị buộc tội biển thủ công quỹ hàng tỷ USD, đang ngồi trong căn hộ sang trọng ở Manila, trên tường là 1 bức tranh của Picasso được đóng trong khung mạ vàng. Sau đó bạn có thể nhìn thấy ảnh của Huang Qiaoling, tỷ phú người Trung Quốc năm nay 43 tuổi, đang bước ra từ căn biệt thự có hình dáng giống với Nhà Trắng để lên chiếc xe Mercedes S Class bóng lộn.

Những hình ảnh tương tự thể hiện lối sống xa xỉ của giới nhà giàu xuất hiện dày đặc trong Generation Wealth, cuốn chuyên khảo dày 504 trang của tác giả Lauren Greenfield sẽ được phát hành vào ngày 15/5 tới. Là một nhiếp ảnh gia đã có 25 năm chuyên đi chụp ảnh về giới nhà giàu, tác giả đem đến những góc nhìn cận cảnh mới lạ về giới siêu giàu . Nhà sản xuất nổi tiếng của Hollywood, Brett Ratner, được chụp ảnh trên hòn đảo St. Barts của vùng Caribe với 1 chiếc thẻ American Express hạng bạch kim dán ở trên trán. Bức ảnh chụp những ông trùm kinh doanh như “tỷ phú quần jean” người Italy Renzo Rosso thì được thực hiện trong phòng gym tại chính căn biệt thự có niên đại từ thế kỷ 18 của ông.

Xuất hiện bên cạnh những bài phỏng vấn và bài bình luận, những bức ảnh của Greenfield được bà bắt đầu chụp từ những năm 1990, khi mà sự giao thoa về văn hóa những người siêu giàu và nổi tiếng ở Beverly Hills và những rapper của vùng Compton bắt đầu trong khi phẫu thuật thẩm mỹ dần dần không chỉ là chuyện của những người già muốn níu giữ tuổi thanh xuân mà còn được ưa chuộng rộng rãi trong giới trẻ. Cô gái trẻ được chụp hình trong 1 bữa tiệc pool party 3 ngày sau khi nâng mũi nói rằng 6 trong số 10 người bạn thân thiết của cô đều phẫu thuật thẩm mỹ.

Qua ống kính của Greenfield, có vẻ như sự tích lũy của cải đã trở thành 1 “cơn nghiện” có thể tàn phá con người thay vì 1 con đường để cải thiện bản thân. “Giàu có không dẫn đến sự hoàn thiện bản thân, và cuối cùng thì bạn sẽ rơi xuống mực”, Greenfield nói. “25 năm qua, tôi rút ra rằng rất nhiều người đã rơi vào trạng thái giàu có nhưng không bền vững, về tất cả mọi cấp độ, từ đạo đức, tinh thần đến các mối quan hệ giao tiếp với xã hội hoặc với chính những người thân trong gia đình”.

Greenfield không phải là người đi theo chủ nghĩa bài vật chất hoặc chống tư bản. Bà chụp ảnh trên cương vị là 1 người thu thập tư liệu. Bà không có chút định kiến nào khi tiếp xúc với những người phụ nữ nghiện phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn níu giữ cuộc hôn nhân đang đổ vỡ hay những tội phạm “cổ cồn trắng” mà điển hình là Jay Jones, nhà sáng lập Commercial Financial Services đã từng có 500 triệu USD và 4.000 nhân viên trong tay nhưng cuối cùng phải ngồi tù vì tội lừa đảo và mất tất cả.

Bao trùm lên những con người thật với những câu chuyện thật là thứ mà Greenfield mô tả là “đặc điểm đồng nhất” của giới siêu giàu. Người giàu ở mỗi nước (hoặc thậm chí là mỗi thành phố, mỗi con phố) là khác nhau, nhưng chí ít thì trong cuốn sách của bà, họ có rất nhiều điểm giống nhau.

Ở các quốc gia khác nhau thì sẽ có văn hóa khác nhau, nhưng có thể nhận diện người siêu giàu qua một vài “chỉ dấu”. Túi Hermès Birkin với giá có thể lên đến 300.000 USD là 1 ví dụ. Nhà từ thiện nổi tiếng người Suzanne Rogers chụp ảnh bên tủ quần áo với hơn 10 chiếc túi Birkin vẫn còn để trong hộp. “Tôi đã bị ấn tượng mạnh khi ai cũng biết đến chiếc túi này, bất kể đó là 1 cô gái tuổi teen ở Los Angeles, 1 người phụ nữ ở Trung Quốc, nhà từ thiện ở Nga hay ở New York. Không phải ai cũng có thể mua được nó vì nó quá đắt, nhưng dường như hiểu biết về những thứ như vậy là 1 kinh nghiệm ai cũng phải có”.

Tương tự, Greenfield còn phát hiện ra rằng những đồ gia dụng nhà bếp cao cấp cũng là món đồ mà giới siêu giàu khắp nơi “phát cuồng”. “Những căn bếp hiện đại với kệ lát đá granite và những dụng cụ làm bếp đắt tiền là phần phô trương nhất của nhưng căn nhà”.

Greenfield nhớ lại cuộc trò chuyện với 1 người phụ nữ Nga có chồng là trùm bất động sản. Căn bếp được thiết kế đúng như mẫu trên tạp chí Architectural Digest, nhưng chủ nhân của nó chia sẻ rằng cô chẳng bao giờ nấu ăn. Bạn có thể gặp những biểu tượng thể hiện địa vị này ở khắp mọi nơi.

Theo Greenfield, nhà giàu châu Á thường hướng đến những môn thể thao quý tộc như polo và chèo thuyền. “Ở Trung Quốc có 1 lớp người rất trọng những quy tắc xã giao, có thể bỏ 16.000 USD cho 1 khóa học 2 tuần dạy cách phát âm các thương hiệu nổi tiếng, ăn cá hồi và ngồi trên bàn như 1 người phương Tây”.

Ngôi trường cung cấp khóa học này là Viện Sarita có trụ sở đặt tại Bắc Kinh, được thành lập bởi Sara Jane Ho, 1 doanh nhân sinh ra ở Hồng Kông nhưng theo học ở Viện Phillips Exeter Academy của ĐH Georgetown và trường kinh doanh Harvard. Ho chia sẻ trong cuốn sách rằng “ở Trung Quốc có văn hóa phô trương, nhưng các học viên của chúng tôi đang vượt thoát khỏi điều đó, họ mua 1 món đồ xa xỉ không phải chỉ vì thương hiệu của nó”.

Greenfield nói khi bà lần đầu tới Trung Quốc (đầu những năm 2000), khắp nơi ai ai cũng ao ước có 1 chiếc túi Hermès hay Louis Vuitton. Nhưng lần thứ hai tới đây, bà đã thấy ai cũng xách trên tay 1 chiếc túi Louis Vuitton hoặc Hermès, bởi thế những chiếc túi này không còn đặc biệt nữa. Có lẽ vì vậy ở thời điểm hiện tại thì cách để tạo khác biệt là hành xử như 1 người phương Tây.

“Túi Louis Vuitton thì có hàng nghìn cái, nhưng nếu cưỡi ngựa với 1 chiếc yên hiệu Hermès, rõ ràng bạn đã tạo được sự khác biệt”, Ho nói.

Greenfield đồng ý nhận xét trên đúng trong một số trường hợp, nhưng đối với một số người khác, khao khát thể hiện địa vị đã đi quá xa. “Tôi nghĩ một trong những điều mà chúng ta có thể nhìn thấy ở mọi nhân vật là đồng tiền cho phép họ làm như vậy. “Ông vua timeshare” David Siegel từng nói rằng tiền bạc không làm cho bạn hạnh phúc mà ngược lại khiến bạn cảm thấy bất hạnh. Tôi rất thích câu này”, bà nói.

Theo Trí Thức Trẻ