Nhà vô địch trí nhớ gợi ý 3 bước đơn giản để dễ dàng ghi nhớ mọi thứ

Ron White – nhà vô địch về trí nhớ ở Mỹ đã gợi ý 3 bước đơn giản để nhớ mọi thứ, ai cũng có thể thực hiện và nó sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống của mỗi người.


Ảnh minh họa

Chắc bạn cũng đã trải qua rồi. Bạn đứng trước cả công ty, chuẩn bị thuyết trình, và tự nhiên không nhớ nổi mình định nói gì. Không một từ nào. Hoặc có thể bạn vừa được giới thiệu với một người nào đó tại một hội thảo và tên họ ngay lập tức biến mất khỏi tâm trí bạn. Tuy nhiên, có một cách đơn giản mà Ron White – Nhà vô địch cuộc thi về trí nhớ ở Mỹ – gợi ý và nó sẽ giúp bạn biến những tình huống như trên trở thành hãn hữu.

Kỹ thuật ghi nhớ

Kỹ thuật ghi nhớ của White khá đơn giản và dựa trên hệ thống kết nối trí nhớ (phương pháp mắt xích). Kỹ thuật này gồm có 3 bước:

1. Tìm một thứ gì đó mà bạn muốn nhớ

2. Hình tượng hóa thứ bạn cần nhớ theo một cách cực kỳ phi lý, điên rồ hoặc khác thường (VD: nếu bạn cần thịt ba chỉ xông khói, hãy nghĩ về một chú lợn đang nhảy múa trên giày cao gót)

3. Kết nối hình ảnh tưởng tượng của bạn với một đồ vật hoặc một chuỗi sự kiện nào đó quen thuộc với bạn. Chẳng hạn, nếu bạn sử dụng các bộ phận cơ thể để giúp gợi nhớ, bạn có thể tưởng tượng ra chú lợn nhảy múa trên giày cao gót, củ hành tây đang đánh bài trên vai bạn, và củ khoai tây đang lăn trên ngực bạn.

Tại sao phương pháp này lại có tác dụng

Theo như White giải thích, nhìn chung so với các loại thông tin khác, hình ảnh khá cụ thể chứ không trừu tượng. Vì thế chúng sẽ dễ dàng gắn sâu vào tâm trí của bạn.

Biến thông tin thành hình ảnh cũng buộc bạn phải tập trung, chủ động sử dụng những gì bạn muốn lưu giữ lại trong bộ não. Ngoài ra, những dữ kiện có liên quan đến nhau (chuỗi dữ kiện, sự kiện) như các bộ phận cơ thể là thứ mà bạn đã nhìn thấy và sử dụng hàng triệu lần.

Vì thế chúng dễ được bộ não của bạn nắm bắt khi phải lục lọi trong ký ức dài hạn. Khi bạn sử dụng cách liên kết hình ảnh này, nghĩa là bạn kết nối một hình ảnh mới và cụ thể với thông tin mà bộ não của bạn đã hết sức quen thuộc và dễ dàng tìm lại.

Còn về việc nên dùng những hình ảnh cực kỳ khác thường và dị biệt thì sao? Làm như vậy để kích hoạt cái được gọi là “hiệu ứng cô lập”, một lý thuyết được nhà tâm lý học người Đức Hedwig von Restorff đặt ra, trong đó nói rằng khi bạn có nhiều tác nhân kích thích, chắc chắn bạn sẽ nhớ một tác nhân đặc biệt khác hẳn so với các tác nhân khác. Nói cách khác, tính lạ thường và ký ức chính là 2 người bạn thân.

Dù cho bạn muốn nhớ danh sách đồ cần mua trong siêu thị hay ghi nhớ bản thuyết trình quan trọng, cách liên hệ hình này cũng có tác dụng rất tốt. Câu hỏi còn lại chỉ là bao giờ bạn sẽ áp dụng mà thôi.

Theo Trí Thức Trẻ