Trong những ngày qua, Google đang phải hứng chịu một “cơn bão” chỉ trích ở Anh. Chính phủ Anh cùng nhiều công ty, ngân hàng lớn của nước này đã ngừng quảng cáo trên YouTube và cả trên trang Google sau khi phát hiện ra những quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh những video mang thông điệp tiêu cực, ví dụ như kì thị người đồng tính và bài Do Thái.
Hôm 17/3, Google đã xem xét các khiếu nại. Đến ngày 20/3, Google chính thức xin lỗi và cho biết đã chỉnh sửa chính sách để cho phép các khách hàng có được nhiều quyền kiểm soát đối với những đoạn quảng cáo của họ hơn.
Google cũng cam kết sẽ thuê thêm một số lượng lớn nhân viên và tăng tốc quá trình tách các video quảng cáo khỏi những video cực đoan có nội dung phân biệt chủng tộc, tôn giáo và giới tính. Google cũng xem xét thay đổi các nguyên tắc hiện tại về nội dung được phép đăng lên YouTube.
Ông Philipp Schindler, giám đốc kinh doanh của Google, cho biết: “Chúng tôi sẽ thuê thêm một lượng đáng kể nhân viên và phát triển các công cụ mới dựa trên các tiến bộ mới nhất của chúng tôi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để tăng khả năng kiểm soát các nội dung quảng cáo”. Mục đích của Google là khi quảng cáo xuất hiện bên cạnh một video mang nội dung cực đoan, YouTube có thể xử lý nhanh nhất có thể.
Ông Schindler nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi tin rằng sự kết hợp những chính sách và quyền kiểm soát mới này sẽ giúp chúng tôi tăng cường đáng kể khả năng đưa các nhà quảng cáo tới khách hàng với quy mô lớn, đồng thời vẫn tôn trọng được giá trị của họ”.
Anh là thị trường lớn nhất của Google bên ngoài nước Mỹ. Năm 2016, Google thu được tới 7,8 tỷ USD chủ yếu từ quảng cáo ở Anh, chiếm gần 9% tổng doanh thu toàn cầu của Google.
Sự việc trên không chỉ ảnh hưởng tới thị trường tại Anh của Google. Một số thương hiệu lớn trên thế giới cũng cho biết họ đang xem lại cách thức làm việc với Google. Các nhà phân tích cho rằng, sự cố của Google sẽ có lợi cho truyền thông như báo chí và phát thanh truyền hình bởi họ có lợi thế là nền tảng an toàn và đáng tin cậy hơn.
Theo ICTnews