Năm 2008, có một bộ phim ít được biết đến với tên gọi Iron Man, bộ phim độc lập đầu tiên của hãng Marvel Studios. Khán giả đã từng xem những bộ phim siêu anh hùng trước đây, có thể kể đến những cái tên như Batman, Superman, và X-men. Nhưng ít người đã đoán được rằng chính Iron Man mới là bệ phóng đưa Marvel trở thành một ông lớn trong làng điện ảnh thế giới.
RJ Ledesma, người đồng sáng lập ra khu chợ ẩm thực và phong cách sống Mercato Centrale và tự nhận là một fan hâm mộ của truyện tranh DC và Marvel, nói rằng Marvel đã làm náo loạn ngành công nghiệp điện ảnh bằng ý tưởng về một vũ trụ điện ảnh nơi các nhân vật liên quan trực tiếp đến nhau (như Avengers), nơi có những vũ trụ khác để giúp xây dựng cốt truyện sẵn có (Guadians of the Galaxy), và sau đó khán giả còn được thưởng thức những spin-off (sản phẩm phụ) như Ant Man hay Doctor Strange.
Với doanh thu toàn cầu ít nhất 300 triệu USD/bộ phim và một danh sách những bộ phim mới, Marvel hẳn là đang đi trên một con đường đúng đắn.
Dưới đây là 4 bài học về kinh doanh mà các doanh nhân khởi nghiệp Đông Nam Á có thể học hỏi được từ ông hoàng phòng vé Marvel.
Tình hài hước và những chiến thuật tiếp thị thông minh sẽ đem lại thành công
Không ai thực sự mong đợi rằng Deadpool, một bộ phim R-rated của Marvel được công chiếu vào ngày Valentine, sẽ thành công tại các phòng vé. Tuy nhiên, nó đã làm được điều đó và một phần nào đó là nhờ vào chiến thuật marketing thiên tài.
Theo Kendrick Wong, nhà sáng lập và CEO của Shoppr, một ứng dụng thời trang của Malaysia: “Nhân vật gốc trong truyện là một người ghét những anh hùng (antihero) và làm rất nhiều điều khủng khiếp như một thú tiêu khiển và thường xuyên phá vỡ giới hạn thứ 4 (thuật ngữ chỉ khả năng nhân vật sở hữu nó có thể nói chuyện, tán dóc với người xem; thậm chí nhận thức được rằng bản thân mình chỉ là nhân vật hư cấu). Nhưng bộ phim đã xây dựng Deadpool theo hướng là anh ta được thúc đẩy bởi tình yêu. Họ thậm chí còn tiếp thị nó như một bộ phim cho Valentine! Họ có một ngân sách hạn chế, vì vậy họ phải dựa vào sự hài hước và chiến thuật tiếp thị thông minh. Kết quả là Deadpool là bộ phim R-rate đạt doanh thu cao nhất”.
Áp dụng chiến thuật này vào việc kinh doanh của mình, ông Wong nói: “Chúng tôi cũng dựa vào một ngân sách hạn hẹp hơn rất nhiều so với những đối thủ cạnh tranh và phải nghĩ ra những chiến dịch marketing theo hướng tư duy vượt giới hạn để khiến cho mọi người dùng thử Shoppr. Và một khi người dùng sử dụng thử ứng dụng hoặc Website, chúng tôi phải cũng cấp cho họ một trải nghiệm có thể biến ngay họ trở thành fans của mình.”
Tiếp cận với những người hâm mộ qua nhiều kênh
Từ những cảnh credits cuối phim, những shows truyền hình, hàng hóa, sự kiện và dĩ nhiên, những cuốn truyện tranh – nguồn gốc của những câu chuyện được dựng thành phim – Marvel đảm bảo rằng hãng này tiếp cận được với người hâm mộ qua nhiều kênh.
Theo Jaclyn Lee, giám đốc tiếp thị của Shoppr, thì “Marvel đã xây dựng được một thương hiệu mà cho phép họ kết nạp cả những người hâm mộ mới và cũ vào trong thế giới của họ. Họ làm điều này rất tốt bằng cách đưa nội dung của họ vào các kênh khách nhau như trong phim điện ảnh, series phim truyền hình, sự kiện v.v. Cũng giống như Marvel, Shoppr cũng tiếp cận với người dùng của mình tại tất cả các cách có thể: trên ứng dụng, web, trong cửa hàng, tại một sự kiện v.v Bất cứ khách hàng ở đâu trong quá trình mua sắm của họ, đó là nơi mà sự kết nối sẽ diễn ra.”
Tìm nền tảng thử nghiệm beta
Kể cả khi bạn kinh doanh trong một thị trường lớn, làm thế nào để bạn thu hút được khách hàng mới? Làm thế nào để bạn biết yếu tố nào có thể giữ chân họ?
Ledesma nói Marvel đang thử nghiệm các cốt truyện mới thông qua những cuốn truyện tranh của họ: “Nếu bạn nhìn vào những cuốn truyện tranh bây giờ, thì họ đang phát triển những nhân vật có thể thành công hơn với thế hệ Millennials hoặc với thế hệ hiện tại. Thor đã trở thành Thor phiên bản nữ, Hulk bây giờ là thiếu niên Hulk…một thành niên người Mỹ gốc Hàn.”
Nếu Marvel có những cuốn truyện tranh, thì start-ups có thể tìm kiếm những lĩnh vực trong chính hệ sinh thái của mình nơi họ có thể thử nghiệm những ý tưởng mới. Vì cuối cùng thì ý tưởng thì cũng có tuổi thọ giống như con người vậy.
Iron Man không thể xuất hiện mãi trong suốt 20, 30 năm tới. Vì vậy, họ đang cố gắng tạo ra một hệ sinh thái để tiếp tục phát triển những bộ phim về siêu anh hùng và tiếp tục giữ cho chúng liên quan với các bộ phim cũ bằng cách giới thiệu những nhân vật kế thừa.
Luôn suy nghĩ dài hạn
Và tại sao Marvel muốn giữ tính liên quan giữa các loạt phim cũ và mới? Bởi vì họ muốn tiếp tục mở rộng vũ trụ của họ, bao la và bất tận.
Theo ông Neal Moore, nhà đồng sáng lập và giám đốc nội dung của Click2View, một công ty tiếp thị nội dung của Singapore, “Họ đã khóa chặt những nhân vật chủ chốt của mình bằng các thỏa thuận đa dạng, kéo dài nhiều năm và thường sản xuất nhiều phim cùng một lúc để đảm bảo lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tính nhất quán trong khắp vũ trụ Marvel. Họ hiểu rằng nó không chỉ là phá vỡ kỷ lục phòng vé trong một cuối tuần, mà còn tạo dựng được lượng khán giả đủ để liên tục phá vỡ kỷ lục phòng vé trong nhiều thập kỷ”.
Kinh doanh theo một chiến lược dài hơi, đặc biệt là về mảng nội dung, là chìa khóa sống còn của các start-ups.
Ông Neal cũng nói: “Bài học ngân sách dành cho các start-ups là lên kế hoạch dài hạn, chứ không chỉ cho một cập nhật Facebook vào ngày mai, và dùng kế hoạch dài hạn để đàm phán những thỏa thuận tốt hơn với những người sáng tạo nội dung, những người sẵn sàng hy sinh trước một chút cho nguồn thu nhập đáng tin cậy và thành công dài hạn sau này”.
Theo Trí Thức Trẻ