Bài học về văn hóa tư duy từ Khổng Tử: Quân tử hay tiểu nhân chỉ khác nhau ở sự cân bằng và kiềm chế mà thôi!

“Đạo của Trời lấy chỗ dư bù chỗ thiếu, đạo của Người lấy chỗ thiếu bù chỗ dư”.


Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Quân tử hay hiệu quả của văn hóa tư duy” của Chuyên gia tư vấn và đào tạo Kỹ năng bán hàng & Quản lý bán hàng​ Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.

Ngoại trừ các vị trúng số độc đắc, điểm khác biệt lớn nhất mà tôi thường thấy khi nói chuyện với người thành đạt về cả vật chất hay tinh thần ở mức cao hơn mình, đó là khả năng khách quan tới tột cùng của họ khi tiếp cận một vấn đề hay sự việc nào đó.

Để phân biệt quân tử hay tiểu nhân trong các sách cũ có một câu rất đáng đọc và suy ngẫm “đạo của Trời lấy chỗ dư bù chỗ thiếu, đạo của Người lấy chỗ thiếu bù chỗ dư”.

Tuân theo đạo Trời, tức là những thứ đang tự nhiên vận hành trong vũ trụ, như nước thấy chỗ trũng thì chảy, cây có không gian thoáng thì nở hoa. Đó là quân tử.

Tuân theo đạo của Người, tức là những suy nghĩ mang tính chủ quan của họ, nhưng nhu cầu xuất phát từ sự tự ái, ích kỷ, như đã thắng còn muốn phô trương, đã giỏi còn muốn mình hơn vượt thiên hạ, đè bẹp tất cả người khác… Đó là tiểu nhân.

Vậy là Quân tử hay tiểu nhân chỉ khác nhau ở sự cân bằng và kiềm chế.

Sự cân bằng này không chỉ nói về vấn đề đạo đức, sự tốt đẹp trong lòng người, mà còn đề cập tới hiệu suất cao nhất mà con người có thể đạt được tới từ đâu. Trong bối cảnh làm ăn kinh tế như ngày nay, người ta thường chỉ nói lợi điểm về tiền tài vật chất và kiến thức kỹ năng, chứ ít ai đề cập tới vấn đề văn hóa tư duy có tác dụng gì.

Cách đây gần 1 tháng tôi có được tặng một cuốn sách có tên Tam Thiên Tự trong một bộ sách của các cụ Khổng Mạnh. Cuốn này nếu suy theo lẽ thông thường thì không có gì đáng nói vì nó chỉ giúp trẻ nhỏ nhớ từ. Đây là cuốn sách mà khi đạo Nho còn thịnh ở nước ta, xuất hiện phổ biến trong các trường làng, nơi thầy đồ lim dim phả khói điếu thuốc lào sáng sớm qua hàm răng ố vàng, bên cạnh ấm trà tàu, tay cầm cây gậy mây, lườm nguýt đám học trò nhỏ đầu đang đảo vòng vòng đọc sách.

Cấu trúc của Tam Thiên Tự không có gì đáng nói, ngoài việc một từ luôn đi kèm từ đối lập về nghĩa : Thiên/trời – Địa /đất, Cử/Cất – Tồn/còn,… và không có từ nào lặp lại cả. Nhưng tại sao chỉ cần lũ trò nhỏ học xong là sau này khả năng rất cao chúng có thể sáng tác thơ nhạc dễ dàng như ăn cơm, uống nước?

Quả thực tôi đã gặp một gia đình như thế, 8 người con thì có 7 có khả năng làm thơ tự nhiên như vậy do họ được bố mình truyền lối đọc này từ bé. Không chỉ thơ, họ còn có thể sáng tác các tác phẩm nghệ thuật khác như nhạc, vẽ tranh, đạo diễn…

Vậy Tam Thiên Tự có gì mà lạ thế?

1. Trong cuốn sách nhỏ này có tất cả 3.000 từ được giải nghĩa.

Miêu tả đầy đủ các sự vật hiện tượng từ đơn giản tới phức tạp. Từ tự nhiên tới đời sống xã hội. Có lẽ đây là bộ từ được tổng kết sớm nhất, trước cả bộ 5.000 từ phổ dụng để luyện IELT hay TOEFL. Nó là công cụ hiệu quả cho bất kỳ ai muốn đọc hiểu và sau đó là diễn đạt bản thân mình muốn nói gì.

2. Các từ luôn đặt cùng với từ đối lập.

Để nhớ cả bộ không phải một sớm một chiều, mà có khi phải mất cả năm. Nhắc lâu như vậy, nên thông tin hằn sâu vào trí não, trong tâm khảm người đọc. Khi vào tới tiềm thức thì khi họ trở thành những người lớn có suy nghĩ độc lập, họ sẽ có tư duy ra sao? Luôn cân bằng, nói cái gì hay thì cũng phải nhìn sang mảng dở, nói cái gì tốt thì cung phải nhìn vào cái gì không tốt. Vậy là họ nhìn được từ cả hai chiều, tức là không bao giờ chủ quan, mà còn có thể tự phê, tự phản biện.

Đó là lý do, nhiều bậc trí giả cách nói chuyện rất trung dung. Dễ hiểu là vì họ đã vượt qua xúc cảm khi miêu tả vấn đề mà chỉ nói về lý, tức là sự khách quan trong cách nhìn nhận. Đáng buồn là điều đó không đủ để các bạn trẻ ngày nay thấy xúc động vì họ muốn có gì đó phải phá cách tới “điên dại”, Ngoài việc tạo khoái cảm tức thời thì sau đó có lẽ không có tác dụng gì khác.

3. Nhịp của từ đọc đi đọc lại, như một dạng cài đặt phần mềm.

Cả 5 thang âm Giốc, Chùy, Cung, Thương Vũ của người xưa tương tự như ngũ Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ sẽ như được ngấm vào tự nhiên trong não bộ của con người. Và khi cần tìm từ để miêu tả, các lời thơ, lời văn có nhạc, có nhịp cứ thế tuôn ra, họ không phải bận lòng suy nghĩ mà chỉ cần thấm toàn bộ tâm trí trong cảm hứng của mình để viết hay đọc ra.

Dạng content đó mới là hiệu quả nhất vì lúc ấy, văn từ tuôn ra tự nhiên nhất, khiến người nghe nghe mà hòa theo nhịp rồi xúc động cùng chúng ta.

4. Nếu nhìn kỹ trong các cảnh học trò học bài ở các nước châu Á chịu ảnh hưởng của Nho giáo chúng ta luôn thấy các bé có động tác đọc to bài và đầu xoay tròn theo một hướng mà văn ngày nay mô tả là “ê a đọc bài”.

Động tác đó, ngoài chuyện có tác dụng mang tính khí công, giúp máu huyết lưu thông, khiến học trò không bị buồn ngủ mà tỉnh táo và thuộc bài nhanh hơn, nó còn khiến người đọc phải xoay cổ theo đúng nhịp đọc. Âm thanh phát ra, động tác theo đó, cả cơ thể cùng hoạt động chứ không riêng từng bộ phận. “Một mạch động trăm mạch cùng động” – Nguyên lý của Thái Cực môn tự dưng lại áp dụng trong môn học của Khổng giáo. Mục đích hòa nhập với tự nhiên, đi tận cùng cái lý bằng cả tâm hồn lẫn thể xác, chính ra không quá phức tạp. Chỉ cần tập đọc đúng cách cuốn Tam Thiên Tự.

Nền tảng thường là các khối đá xù xì nhưng vững chãi mà trên đó người ta xây nên bao lâu đài tráng lệ. Một cuốn sách nhỏ nhưng công dụng cho cả lớp trẻ và những người lớn mất căn bản có thể chỉnh sửa lại mình từ đầu, sâu trong tiềm thức.

Theo Trí Thức Trẻ