Khủng long xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp (231,4 triệu năm trước) và là nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt hơn 165,4 triệu năm cho đến khi bị tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm trước).
Một chuyện khá thú vị là Gián – một loài côn trùng xuất hiện vào kỷ Than Đá, khoảng 354–295 triệu năm trước đây, tức trước cả trăm triệu năm so với khủng long – vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
“Chúng tồn tại được đến ngày nay bởi chúng thích ứng rất giỏi. Chúng sống ở mọi nơi, từ toilet tới tủ giày, tủ quần áo… đâu cũng sống được”.
“Không phải kẻ mạnh, hay kẻ thông minh, tài giỏi hơn sẽ là kẻ sống sót, mà là người nào biết thích nghi tốt nhất sẽ sống được. Thích nghi = Sống sót/Thành công”, ông Adrian Toh – Chuyên gia Phát triển tiềm năng Lãnh đạo đến từ Singapore – cho biết trong hội thảo “Khôi phục cảm xúc – chìa khóa tự phục hồi trong công việc” do Growth Catalyst Vietnam tổ chức.
Đồng hồ Thụy Sĩ, Nokia, Motorola – những “bá chủ” thế giới phải từ bỏ ngai vàng và ra đi trong thảm bại
Trên thế giới, nhiều kẻ “bá chủ” đã phải từ bỏ ngai vàng và ra đi trong thảm bại.
Đồng hồ Thụy Sĩ từng chiếm tới 50% thị phần đồng hồ thế giới vào thập niên 70s. Nhưng với sự ra đời của đồng hồ điện tử, thị phần của đồng hồ Thụy Sĩ ngày nay chỉ còn 2%.
Trong lĩnh vực điện thoại, Motorola từng là số 1, nhưng đã bị Nokia đá ra khỏi thị trường với game gây nghiện “Rắn săn mồi”.
Nhưng đến lượt Nokia, hãng điện thoại này cũng buộc phải lép vế so với Apple và Samsung, dẫn đến kết cục phải bán mình cho Microsoft.
“Câu chuyện thất bại của họ rất đơn giản. Đó là khả năng thích nghi. Họ không biết cách thích nghi, rơi vào bế tắc và mất luôn thị phần. Thế giới đang thay đổi rất nhiều. Khả năng để thích nghi là yếu tố then chốt trong bất kể doanh nghiệp nào. Bạn chỉ có thể lựa chọn Thích nghi hay là Chết”, ông Adrian nói.
Còn nhớ, trong suốt buổi họp mặt truyền thông nhằm công bố tin Nokia sẽ chính thức được bán lại cho Microsoft, CEO Rajeev Suri của Nokia đã chia sẻ trong nghẹn ngào: “Chúng tôi không làm gì sai cả, nhưng biết phải làm sao, chúng tôi đã thất bại”. Cả tập thể những nhân viên ngồi phía dưới lặng lẽ cúi mặt xuống và khóc theo.
“Ông ấy đã nói sai”, chuyên gia Adrian phân tích.
“Đáng ra ông ấy phải nói là ‘Chúng tôi không làm gì đúng thì mới chết’. Trong thời đại ngày nay, bạn không thay đổi đủ nhanh sẽ chết, chứ không nhất thiết bạn phải làm gì sai mới chết. Chỉ cần bạn đứng yên một chỗ, không cải tiến tất sẽ mất thị phần về tay các tân binh. Câu chuyện thành công là câu chuyện Thích ứng và Thay đổi”.
Sự thích ứng, ông Adrian ví von như một cái cây cao trên đồng cỏ. Giữa một cánh đồng mênh mông và trống trải, cái cây cứ quyết định lớn nhanh, lớn nhanh, lớn nhanh… thì tất sẽ gãy khi có gió lớn.
“Chúng ta cũng giống như cây cỏ, phải thích nghi theo môi trường, bởi thích nghi được sẽ sống. Kẻ sống sót cuối cùng mới là kẻ chiến thắng”, ông Adrian nói.
Theo Trí Thức Trẻ