Ramit Sethi là một triệu phú tự thân người Mỹ, một tác giả của nhiều cuốn sách về cách làm giàu và phát triển cá nhân bán chạy. Trong quá trình làm việc và tiếp xúc với bạn bè cùng lớp ở Stanford và một số bạn bè làm CEO, ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những người thông minh và phát hiện: Những điều kì cục trong tâm lí của người thông minh là rào cản trong sự nghiệp và cuộc sống của họ.
Vấn đề số 1: Họ thông thạo quá mức
Những người thông minh có xu hướng “trí tuệ hóa” mọi thứ. Đôi khi, họ phân tích mọi thứ quá kĩ đến mức vượt quá xa thực tế. Bởi trí thông minh của họ được rèn luyện để vượt qua những điều hiển nhiên, họ có thể nhìn thấy vấn đề ở nhiều góc độ nên họ thường không chấp nhận vấn đề một cách quá đơn giản. Trí thông minh này có thể sẽ hữu ích trong quá trình nghiên cứu những chiến lược phức tạp, có tính quyết định. Nhưng trong cuộc sống, nhiều vấn đề quá đơn giản để phải cân nhắc hay phân tích quá nhiều.
Vấn đề số 2: Chủ nghĩa hoàn hảo
Bài học về sự thất bại của triệu phú tự thân Ramit Sethi:
Không có tiêu chuẩn/Tiêu chuẩn thấp = Thất bại
Tiêu chuẩn cao = Tuyệt vời
Quá hoàn hảo = Thất bại
Khi bạn không đặt ra tiêu chuẩn hoặc tiêu chuẩn quá thấp, bạn chấp nhận mọi thứ. Trong khi tiêu chuẩn cao yêu cầu bạn cân nhắc và lựa chọn những điều phù hợp. Còn với những người cầu toàn, chủ nghĩa hoàn hảo khiến họ không thể lựa chọn bất kì điều gì.
Ramit đã nhận ra rằng, những người thông minh tôn thờ chủ nghĩa hoàn hảo. Khi xung quanh bạn là những người siêu thành công với thành tựu tuyệt vời, bạn sẽ không muốn bất kì một sai lầm nào trong cuộc sống, dù là nhỏ nhất.
Rất nhiều người có sự nghiệp thành công đỉnh cao cũng gặp phải vấn đề này. Họ muốn mọi thứ phải chuẩn mực và hoàn hảo. Bất kì một lỗi nhỏ nào cũng khiến họ đau đầu và vì thế họ quá chú ý vào tiểu tiết mà quên đi bức tranh lớn.
Vần đề 3: Họ sợ những điều có vẻ ngu ngốc
Ramit Sethi từng tổ chức những lớp học miễn phí về tài chính cá nhân ở Đại học Stanford. Nhưng hầu như không ai tham gia. Ramit đã phát hiện ra, mọi người ghét tham gia các sự kiện, lớp học về tiền bạc vì họ cảm thấy xấu hổ về bản thân.
Theo tâm lí học, những người thông minh thường suy nghĩ: Tôi thông minh và tôi hiểu rõ điều này. Tôi không muốn tìm hiểu vì đó là một câu hỏi có vẻ ngớ ngần. Tôi sẽ tự hình dung và tìm được câu trả lời cho mình.
Bạn thông minh ở một lĩnh vực thì không có nghĩa là bạn thông tuệ mọi thứ. Nhiều người thông minh mắc sai lầm ở điểm này. Một bản nghiên cứu được đăng tải trên Journal of Personality and Social Psychology đã đưa ra những vấn đề logic để mọi người giải quyết và đã phát hiệnm những người thông minh có xu hướng mắc nhiều sai lầm hơn những người có trí thông minh ở mức trung bình, vì những người thông minh thường quá tự tin và nghĩ rằng họ có thể biết hết mọi điều.
Những người thông minh đôi khi nghĩ rằng họ là chuyên gia trong lĩnh vực của họ nên nghiễm nhiên họ có đủ trình độ trong những lĩnh vực khác. Thực tế, nếu không học hỏi, bạn sẽ khó có thể hiểu về tài chính cá nhân chính xác nhất. Bạn có thể thành thật thừa nhận những điều bản thân chưa rõ và tìm hiểu nó bằng cách chân thực nhất.
Vấn đề 4: Họ luôn muốn bỏ qua những điều cơ bản
Những người thông minh cho rằng, nếu khởi nghiệp, anh ta phải kiếm được doanh thu 8 con số hoặc nhiều hơn. Quá nhiều người cho rằng họ quá thông minh để bắt đầu từ những thứ cơ bản.
Thông minh không có nghĩa là bạn có thể đi tắt. Cuộc sống có quá nhiều điều phải học hỏi và mọi việc đều cần trình tự nhất định. Mọi ngôi nhà đều cần xây từ móng. Nền tảng cơ bản là yếu tố quyết định cho những thành tựu sau này. Muốn xây dựng một daonh nghiệp tỷ đô, trước tiên bạn phải bắt đầu thành công với cửa hàng nhỏ với doanh thu nhỏ.
Theo Trí Thức Trẻ