7 bài học lãnh đạo từ chỉ huy lực lượng SEAL

Trong quá trình tìm hiểu làm thế nào để nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo phát hiện rằng có rất nhiều điều đáng để học hỏi từ các lực lượng đặc nhiệm trong quân đội. Trong số đó, lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ thường xuyên được xem là hình mẫu lý tưởng để học hỏi về khả năng lãnh đạo và xây dựng đội nhóm.


Ảnh minh họa

Shawn Parr – CEO của công ty tư vấn Bulldog Drummond cho biết mình là một fan hâm mộ lâu năm của lực lượng SEAL và ông thường xuyên tìm cảm hứng từ họ với mong muốn thay đổi văn hóa làm việc và cách thức lãnh đạo.

Dĩ nhiên, có một điều cần phải nhớ vai trò lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo quân sự mang những đặc trưng khác nhau. Trong khi các chỉ huy quân đội chịu trách nhiệm về việc chiến đấu và bảo vệ an ninh quốc gia, thì các lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm tạo ra giá trị và bảo vệ lợi ích của các bên hữu quan (stakeholders), trong đó ưu tiên hàng đầu là lợi nhuận và tỷ lệ hoàn vốn. Dù có nhiệm vụ khác nhau, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp có thể học hỏi rất nhiều về mặt phương pháp thực hiện từ giới quân nhân.

Một trong những bài học lớn nhất có thể học được từ các chỉ huy SEAL là kỹ năng lên kế hoạch tỉ mỉ và mang lại hiệu quả cao. Họ tập trung vào tầm quan trọng của việc quản lý thời gian, phương pháp thực thi và hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình tác chiến, luôn có ít nhất một kế hoạch dự phòng được chuẩn bị cho mỗi nhiệm vụ.

Khả năng giao tiếp giữa các thành viên cũng là một ưu điểm của SEAL: hầu hết mọi người nghĩ rằng chỉ huy quân đội chỉ cần ra lệnh cho cấp dưới, rằng họ chỉ giao tiếp một chiều nhưng thực tế thì SEAL đặt tầm quan trọng của việc lắng nghe lên trên hết.

Chỉ huy SEAL luôn lắng nghe và kết hợp càng nhiều ý tưởng và kinh nghiệm càng tốt để xây dựng một kế hoạch vững chắc. Tuy vậy, cũng có một sự khác biệt lớn giữa lãnh đạo Hải quân SEAL và doanh nghiệp: Một khi quyết định đã được chỉ huy đưa ra thì không có thêm cuộc thảo luận nào nữa, mọi người sẽ thống nhất thực hiện theo quyết định đó và trách nhiệm cao nhất được đặt trên vai của người chỉ huy.

Ngoài ra, lực lượng SEAL luôn hoạt động dựa trên các mục tiêu xác đáng và cụ thể. Ngay cả với các nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, mỗi lính SEAL đều được giao vai trò rất rõ ràng và ai cũng thuộc lòng trách nhiệm mà mình được giao.

Hoạt động kinh doanh cũng tương tự như vậy, việc đưa ra được tầm nhìn chiến lược và biết gắn kết mọi người với công việc được giao là cực kỳ quan trọng, nhưng lại bị bỏ qua bởi nhiều nhà lãnh đạo.

Cách thức chiến đấu của SEAL luôn được thiết lập rõ ràng trước mỗi nhiệm vụ, và việc tự ý phá bỏ kế hoạch có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ chiến dịch. Trong khi đó, các quy tắc hành động trong nội bộ giới doanh nghiệp thường chỉ rất qua loa, thậm chí đôi lúc còn không tồn tại. Điều này tạo ra khoảng cách giữa chiến lược mà công ty đặt ra và kỳ vọng đối với các nhân viên.

Dưới đây là 7 bài học mà Shawn Parr nhận được từ buổi đối thoại với một chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của SEAL:

1. Làm việc nhóm là ưu tiên hàng đầu

Một nhiệm vụ chỉ thành công khi đội ngũ của bạn hoạt động như một khối thống nhất. Nguyên tắc chú trọng vào tinh thần làm việc nhóm của SEAL sẽ rất dễ dàng áp dụng vào thế giới kinh doanh.

2. Chú ý những nhân vật sớm thể hiện được khả năng lãnh đạo

Đây là quy tắc mà giới kinh doanh rất nên học hỏi. Theo các quy định thông thường về việc thăng chức trong doanh nghiệp, một nhân viên thường phải cần đến 10-15 năm để đạt đến một vị trí đủ quan trọng với mức độ trách nhiệm cao.

Việc tạo cơ hội thăng tiến cho những người sớm thể hiện tố chất lãnh đạo sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho cả nhân viên lẫn lãnh đạo.

3. Giữ vững các nguyên tắc đạo đức

Làm sao có thể bảo các nhân viên phải tuân thủ các quy tắc đạo đức của một người chuyên nghiệp nếu chính bản thân nhà lãnh đạo còn chưa làm được điều đó?

4. Giữ bình tĩnh

Các sĩ quan quân đội được huấn luyện cách đón nhận rủi ro và xử lý chúng dựa trên những thông tin chưa hoàn chỉnh. Đây chính là công việc hàng ngày của một CEO, nhưng nó hiếm khi nào được truyền lại cho các nhân viên dưới quyền.

5. Những thử thách khắc nghiệt giúp bạn trưởng thành nhanh chóng

Những nhà lãnh đạo trẻ nên đón nhận những thử thách khó khăn, bởi vì chúng không chỉ tôi rèn bản thân họ mà còn giúp họ dẫn dắt thành công nhóm của mình khi chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh.

6. Biết cách phục kích và đề phòng phục kích

Khi SEAL tổ chức phục kích đối phương, mục tiêu ưu tiên số một của họ là những người lính liên lạc và các sĩ quan (vốn thường ở ngay bên cạnh). Nếu không có sự lãnh đạo hoặc khả năng truyền đạt thông tin, đối phương sẽ ngay lập tức bị rối loạn và có thể tan rã nhanh chóng. Đây là một bài học tốt cho tất cả các nhà lãnh đạo.

7. Ghi nhớ quy luật sinh tồn của Darwin

Quy luật sinh tồn không phải để chọn ra ai là người mạnh nhất hay nhanh nhất, mà là để chọn ra ai có thể thích ứng với các thay đổi một cách tốt nhất. Các lính SEAL là bậc thầy của sự thích nghi, họ có thể hoạt động trong rừng rậm, sa mạc hay núi tuyết giá buốt.

Tương tự như vậy, các CEO giỏi phải biết thích ứng với tình hình thị trường luôn thay đổi hàng ngày, và họ luôn đào tạo cho đội ngũ nhân viên cũng biết cách làm được điều đó.

Theo DNSG