Trên thương trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, đôi khi quá trình thực hiện còn quan trọng hơn cả sản phẩm. Mỗi sản phẩm được thiết kế ra đều cố gắng giải quyết một vấn đề còn chưa được mấy ai khai phá hoặc tìm cách giúp người dùng thực hiện hiệu quả hơn một số tác vụ quan trọng. Trong số đó, vẫn có những doanh nghiệp đi xa hơn bằng các mô hình kinh doanh độc đáo mà chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn ngay sau đây.
1. Skillshare
Được Malcolm Ong và Michael Karnjanaprakorn thành lập vào năm 2011, Skillshare hiện đang là một trong những cộng đồng học trực tuyến lớn nhất trên Internet. Bạn chỉ cần bỏ ra đúng 10 USD/tháng để có thể nhập học thỏa thích “bữa tiệc buffet” hàng ngàn khóa dạy các kỹ năng từ email marketing, vẽ tranh cho đến thiết kế web. Đây được coi là mô hình ưu việt hơn so với mô hình thu phí theo từng khóa như trước đây.
Một điểm đặc biệt khác ở mô hình buffet của Skillshare là không giống như các startup khác trong lĩnh vực giáo dục, Skillshare không thuê các giáo sư đại học danh tiếng mà mời về các chuyên gia đang làm việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc tận dụng nguồn lực của các chuyên gia trên thị trường lao động đã giúp Skillshare xây dựng được một “siêu thị” kiến thức đồ sộ mà các mô hình truyền thống phải mất nhiều thời gian hơn mới đạt được.
2. Stitch Fix
Stitch Fix là dịch vụ tư vấn chọn trang phục cho cả nam và nữ giới qua nền tảng kết nối các chuyên gia thời trang (khoảng 300 stylist tự do) với những người có nhu cầu.
Qua hồ sơ người dùng, Stitch Fix sẽ nắm được size quần áo, dáng người, phong cách, khả năng chi trả,… của họ. Các stylist sẽ căn cứ vào đây để đưa ra cho người dùng danh sách quần áo phụ kiện nên mua.
Điểm độc đáo của Stitch Fix chính là mô hình cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng – thứ mà chưa một cửa hàng bán đồ online nào có thể cung cấp.
3. Warby Parker
Warby Parker là một thương hiệu Mỹ chuyên bán các sản phẩm kính mắt theo đơn và kính râm thời trang cả online lẫn offline.
Bắt đầu từ mô hình thương mại điện tử, Warby Parker sau đó đã nhanh chóng mở cả cửa hàng offline trên khắp nước Mỹ.
Điểm độc đáo trong mô hình của chuỗi cửa hàng này chính là cách nó thay đổi góc nhìn của mọi người về ngành công nghiệp kính mắt qua việc loại bỏ được các bên trung gian bán lẻ như Luxottica, đưa ra giá cả cạnh tranh, sản phẩm chất lượng tốt và bắt kịp xu hướng,… để thu hút người tiêu dùng.
4. Uber
Có lẽ không ai không biết đến startup nổi tiếng được thành lập từ 2009 này. Mô hình của Uber độc đáo ở chỗ công ty không hề thuê hay sở hữu bất cứ chiếc xe nào mà chỉ kết nối người có xe với người cần đi xe và thu phí sử dụng nền tảng công nghệ của mình.
Mặc dù bị nhiều chính phủ và các công ty taxi phản đối dữ dội nhưng Uber vẫn nỗ lực thu về 500 triệu USD doanh thu trong năm 2014 và duy trì sự hiện diện của mình tại hơn 500 thành phố trên khắp thế giới.
5. Rent a Runway
Được thành lập từ năm 2009, Rent a Runway là một dịch vụ cho thuê quần áo phụ kiện online nổi tiếng với hơn 100.000 mẫu váy, 25.000 món phụ kiện và hơn 400 nhà thiết kế đối tác, trong đó có cả Jason, Wu, Badgley Mischka hay Derek Lam.
Tận dụng nhu cầu được xuất hiện lộng lẫy trên mạng xã hội của không ít người trẻ hiện nay, Rent a Runway cho phép người dùng thuê váy áo phụ kiện (được các designer đối tác thiết kế riêng) trong 4-8 ngày với mức phí tương đương 10% giá bán.
Điểm đặc biệt trong mô hình của Rent a Runway là việc nó giúp người dùng có cơ hội được mặc những món đồ thiết kế riêng thời thượng với mức giá rẻ hơn thông thường tới 90%.
6. Lunchspread
Lunchspread là nền tảng kết nối và giúp các nhà hàng chưa tên tuổi quảng bá sản phẩm tới người dùng. Chỉ với một mức phí nho nhỏ, các nhà hàng có thể kết hợp với Lunchspread gửi các mẫu món ăn dùng thử tới cho khách hàng tiềm năng.
Sau khi thưởng thức các mẫu đồ dùng thử, khách hàng sẽ trả lời một bảng khảo sát về chất lượng món để nhận được thêm các bữa dùng thử. Mỗi đơn hàng dùng thử được gửi tới khách đều đính kèm voucher giảm giá và card visit nhà hàng để họ dễ dàng quay lại ăn trong dịp khác.
Kết
Nếu đang ấp ủ hoặc hoạt động trong một doanh nghiệp bán hàng online, điều quan trọng cần nhớ là bạn phải xác định hết các yếu tố liên quan để tìm cho mình mô hình phù hợp nhất. Thị trường ecommerce hiện nay tuy cạnh tranh khốc liệt nhưng vẫn quá khổng lồ và tồn đọng nhiều vấn đề mà không một công ty đơn lẻ nào có thể giải quyết hết.
Theo Trí Thức Trẻ