Mục tiêu – Hiệu quả

Qua các phương tiện truyền thông, đâu đâu cũng nghe nhắc đến cụm từ “kinh tế Việt nam tiếp tục tăng trưởng bền vững và vượt bậc”, được chứng minh thông qua các con số như GDP, tổng giá trị xuất khẩu, thu nhập/đầu người v..v…
Nếu xét về mục tiêu tổng thể, chắc ai cũng phải công nhận điều đó. Nhưng rất cần xem xét lại một cách chi tiết hơn tính chất của mục tiêu này, để đánh giá mức độ thành công dựa trên tính hiệu quả của nó.
Ví dụ như trong việc công bố mức độ phát triển của ngành dệt may, ngoài tổng giá trị xuất khẩu được, cũng cần công bố kèm theo đó các tỷ lệ trong tổng giá trị này, có bao nhiêu là phần nguyên vật liệu phải nhập khẩu rồi tái xuất, có bao nhiêu là phần thực thu được qua các nguồn lực nội địa, để từ đó có thể đánh giá được tính hiệu quả của sự phát triển. Và trong khi xác định các chỉ tiêu, không biết các cơ quan chức năng có đưa ra những chỉ tiêu cụ thể cho từng thành phần này không hay chỉ đưa ra một chỉ tiêu chung chung là tổng giá trị xuất khẩu, nếu có thì tại sao khi công bố lại không được nhắc đến?
Trong doanh nghiệp, khi xác định mục tiêu kế hoạch, cũng thường đưa ra được nhiều chỉ tiêu, nhưng qua đánh giá, tổng kết thông thường lại chỉ nhìn cái mục tiêu chung, cũng là kết quả đạt được nên khó đánh giá được tính chất của sự tăng trưởng, cần phải phân tích, đánh giá toàn diện các chỉ tiêu đã đề ra thì mới có thể thấy được doanh nghiệp phát triển có thực chất hay không, từ đó mới có thể có những biện pháp nhằm đưa doanh nghiệp đi lên một cách bền vững. Để điều hành doanh nghiệp trong thời đại tự do cạnh tranh này, nên chăng xem lại cách phân tích, viết báo cáo tổng kết đánh giá, cứ cố ém nhẹm các con số nói lên cái tiêu cực, mà chỉ đưa vào báo cáo các con số màu hồng. 
Nhìn lại trên tầm quốc gia, các con số có thể nói lên rất nhiều điều:
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (2006) 76% tổng tài sản quốc gia của nước ta là tài nguyên (đất, rừng, gỗ. . ), 20% là tài sản vật chất đã xây dựng được (cầu, đường, bến cảng . . .), chỉ có gần 7% tài sản là tri thức, con người được đào tạo, thể chế. . .trong khi ở các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có thu nhập trên 10.000 đô la Mỹ/người tỷ lệ tài nguyên là 2%, tài sản 17% và tri thức là 80%. (trích bài viết trên báo Thời báo kinh tế Saigon Xuân Canh Dậu – Mùa Xuân của Tư duy và Hành động, TS Lê Đăng Doanh).
Chỉ khi so sánh các con số nêu trên, mới thấy được tính chất của sự phát triển, chứ không chỉ nhìn vào kết quả sau cùng.
Trong doanh nghiệp, các nhà quản lý thường thích nhìn cái kết quả mà ít khi chịu xem xét, đánh giá tính hiệu quả vì dù sao kết quả vẫn dễ tính toán, dễ được chấp nhận, phân tích hiệu quả sẽ cần phải có đầy đủ số liệu, khó hơn và cũng dễ dàng lộ ra cái yếu nên khó được chấp nhận.
Đầu năm 2010, sự cố Toyota là một cảnh báo cho các doanh nghiệp. Chất lượng không chỉ là quan điểm quản lý, uy tín, hình ảnh của riêng Toyota mà còn là của nước Nhật, đang là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt nam, hướng tới. Nhưng chỉ vì muốn nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao, mà Toyota đã xao nhãng với chất lượng để chạy theo sản lượng, để rồi phải gánh chịu hậu quả, không dễ gì không mất mát dù có hồi phục.
Nhìn lại DNVN, mỗi khi nhận được nhiều đơn hàng là tình trạng lại như thế, hệ thống chất lượng, kiểm soát đều bị gạt bỏ qua một bên, ưu tiên là sản lượng, là đáp ứng đơn hàng, đôi khi vượt hẳn năng lực sản xuất, mà không nghỉ là sẽ có bao nhiêu sự cố sẽ xảy ra, và sau đó cũng không ai ngồi tính toán những thiệt hại phải chịu để hoàn tất những đơn hàng.
Tất cả chúng ta, để phát triển bền vững, hãy vì chất lượng chứ không chỉ sản lượng, quản lý luôn hướng đến hiệu quả, không chỉ là kết quả. Mong thay!

Theo Saga