Việc sở hữu những smartphone cao cấp đang dần trở thành chuẩn mực chung của xã hội. Nhưng bên cạnh những lợi ích, tính năng siêu việt của smartphone, còn tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật mà người dùng còn đang rất mơ hồ.
Đó là microphone – thiết bị được gắn vào điện thoại với mục đích thu giọng nói của người dùng khi đàm thoại và giờ đây là cả việc điều khiển các AI trên smartphone cao cấp.
Những AI như Siri của Apple, Google Assistant hay Cortana của Microsoft đều được điều khiển thông qua giọng nói của người dùng. Điểm chung của các AI là có chức năng ghi lại giọng nói của người dùng và từ đó giúp smartphone hiểu được, phản hồi lại yêu cầu thông qua các chip thông minh đã được lập trình.
Nhưng liệu bạn có biết, chúng đang “nghe lén” nhiều hơn chúng ta nghĩ và ai sẽ là người được lợi với những đoạn âm thanh đó?
Giám đốc trung tâm bảo mật thông tin và công nghệ của Đảng Dân chủ – Michelle De Mooy cho biết:
“Smartphone đang trở thành những thiết bị theo dõi mà mỗi người chúng ta lúc nào cũng kè kè mang theo. Bạn không hề để ý vấn đề đó phải không? Vì chúng ta đang xem đó chỉ là những vật dụng cá nhân nên được mang theo người mọi lúc mọi nơi.
Ăn, ngủ hay đi du lịch thì điện thoại vẫn luôn ở bên cạnh. Và đó là cách để chúng có thể thu thập số lượng lớn thông tin của chúng ta, ngay cả những thông tin qua các đoạn âm thanh thông qua chiếc microphone bé xíu đó”.
Nếu ai đó còn nghi ngờ, hãy cứ thử đăng nhập vào 1 tài khoản Google mà bạn thường sử dụng đi. Chỉ với vài thao tác đơn giản, nó sẽ hiển thị lên tất cả những dịch vụ, tìm kiếm trên Google hay Youtube mà bạn đã từng sử dụng hay kể cả những đoạn tìm kiếm bằng âm thanh mà bạn đã từng thực hiện.
Rất ít người để ý đến vấn đề này, tưởng chừng như Google hoàn toàn vô can, nhưng bạn có biết rằng chính Google không bao giờ công khai họ đã thu thập những thông tin đó từ đâu?
Hầu hết các tập đoàn khác nghiêm cấm việc cho phép xem lại hay nghe lại những đoạn âm thanh đã được ghi lại từ bất kể 1 cá nhân nào. Như vậy có phải Google đang vượt quá giới hạn với việc công khai các đoạn âm thanh này không?
Thực tế, những đoạn âm thanh đó không phải do con người nghe và xử lý. Đó hoàn toàn là nhờ 1 thuật toán có chức năng lọc và ghi nhận những thông tin hữu ích về bản thân người dùng hay những thói quen sử dụng từ ngữ hay sở thích của họ.
Những đoạn âm thanh đó ghi lại nhiều hơn là giọng nói. Chúng có thể bao gồm những tiếng động, tiếng ồn, giúp xác định vị trí diễn ra đoạn ghi âm.
Bà De Mooy cho biết thêm: “Thậm chí, bạn không nói ra thứ gì quá ý nghĩa, nhưng đó cũng là 1 dữ liệu đáng tin cậy để kết hợp cùng những đoạn dữ liệu khác và ghép thành 1 thông tin hoàn chỉnh”.
Trung tâm của De Mooy đã từng đưa ra cảnh báo cho Ủy ban thương mại liên bang Mỹ về công nghệ mới có tên SilverPush. Công nghệ này có thể thu thập những âm thanh từ TV nhà bạn để liên kết với các thông tin từ điện thoại nhằm xác định 1 người cụ thể thông qua những sở thích và các kênh truyền hình hay theo dõi.
Các nhà quảng cáo thì luôn muốn gia tăng lượng dữ liệu thu thập được nên liên tục phát triển các kĩ thuật tìm kiếm. Vì họ càng hiểu rõ về các hoạt động của bạn, họ càng có cơ hội cung cấp cho bạn các quảng cáo phù hợp.
Nếu hiện giờ bạn đang thấy bất an vì các cuộc hội thoại trên điện thoại của mình đang “bị nghe lén”, hãy yên tâm vì bạn không phải là người duy nhất gặp vấn đề này.
Kể từ khi Internet phát triển, đã có rất nhiều vụ tố cáo về các vụ nghe trộm. Nhiều người còn tỏ ra phẫn nộ khi biết những cuộc gọi trao đổi hằng ngày trên điện thoại đang dần trở thành những thông tin hữu ích cho các nhà quảng cáo trên Internet.
Gần đây, Facebook là tập đoàn đầu tiên đưa ra phản ứng về các cáo buộc liên quan đến việc này. Để phản bác lại những cáo buộc này, đại diện Facebook từng trả lời báo giới:
“Facebook không hề sử dụng những thông tin âm thanh để làm dữ liệu phục vụ cho quảng cáo hay thay đổi những gì bạn thấy trên News Feed. Chúng tôi chỉ sử dụng microphone mỗi khi người dùng cho phép để thực hiện 1 số tính năng đặc biệt có sử dụng âm thanh”.
Giáo sư Jason Hong, Đại học Carnegie Mellon cũng giải thích lí do vì sao nhiều người cho rằng Facebook sử dụng những thông tin từ các đoạn âm thanh để làm quảng cáo.
“Thực ra Facebook không nghe trộm thông qua microphone. Họ chỉ thu thập những thông tin từ việc người dùng xem hay theo dõi những danh mục trên các website khác. Từ đó, họ thu được những thông tin mà người dùng quan tâm”.
Bà De Mooy cũng đưa ra lời giải thích khi được hỏi về vấn đề này: “Khi bạn sử dụng 1 dịch vụ miễn phí thứ mà nhà cung cấp được lợi là thông tin của bạn. Nhưng hầu hết chúng ta chẳng để ý đến điều này. Internet ngày nay đã phức tạp hơn ngày xưa rất nhiều. Những nội dung chúng ta đọc và cả những phản hồi cũng sẽ được ghi lại”.
Điều đó có nghĩa từng người sẽ có những quảng cáo về công việc hay mua sắm, phụ kiện khác nhau dựa vào lứa tuổi, giới tính hoặc có thể là dựa vào những hội nhóm mà bạn đang tham gia.
Đây là cách giúp bạn “bớt lo” về việc microphone sẽ trở thành phương tiện theo dõi thông tin của các nhà quảng cáo
Siri của Apple hay Google Assistant nếu muốn sử dụng đều có khẩu lệnh riêng như “Ok Google” hay “Hey Siri”. Kể từ thời điểm đó thì các AI này mới bắt đầu thu nhận giọng nói của bạn, và bạn hãy tắt tính năng này đi nếu cảm thấy không “yên lòng”.
Trên các điện thoại Android, Settings > Google > Search & Now > Voice và tắt nhận diện Ok Google là xong.
Tương tự với iOS, Settings > Siri rồi tắt hoạt động của AI này là bạn có thể yên tâm phần nào rồi.
Tuy nhiên, bạn nên biết là những tập đoàn lớn như Google hay Facebook đều có những ràng buộc tư pháp với các cơ quan lập pháp có thẩm quyền nên những thao tác nhỏ này chỉ phần nào giúp họ “hợp pháp” hơn.
“Không ai thực sự quan tâm đến các đoạn chính sách bảo mật dài đằng đẵng mỗi khi sử dụng điện thoại, nên không có gì bất ngờ khi mỗi người chúng ta đang bị thu thập 1 lượng thông tin cực kì lớn”, giáo sư Jason Hong cho biết.
Chúng ta có nên tiếp tục lo lắng không?
Các kĩ thuật mà các công ty sử dụng với mục đích thu thập thông tin đang phát triển với quy mô rộng rãi hơn. Dẫn đến việc nghe trộm điện thoại của chúng ta trở nên dễ dàng và phổ biến hơn bao giờ hết, đó là điều chúng ta nên thực sự để tâm tới.
“Có thể nhiều smartphone và smartTV đang theo dõi chúng ta hàng ngày, vì hầu hết chúng đều được kết nối Internet và lưu lại thông tin trên các bộ nhớ đám mây riêng biệt”, Giáo sư Hong khá lo lắng về vấn đề phát triển quá nhanh của thời đại công nghệ hiện nay.
“Điều này thực sự là 1 vấn đề lớn khiến cho những chuyên gia như chúng tôi cũng gặp khó khăn để tìm hiểu và đưa ra các biện pháp thích hợp”.
Trung tâm bảo mật thông tin của bà De Mooy cũng có hướng đi riêng khi tin rằng nên có những cơ sở pháp luật mới để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Đồng thời, đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế việc khai thác những thông tin này.
Vì thực sự họ không cần thiết phải sử dụng cách “nghe lén” để thu thập thông tin. Nhiều công ty đã quá “tham lam” tới mức sử dụng mọi biện pháp cần thiết miễn là có được thông tin, có nhiều trường hợp còn cố gắng lấy cả những thông tin… không liên quan và lưu trữ lại để sử dụng sau.
Bà De Mooy cũng đưa ra cảnh báo cho người dùng smartphone:
“Nếu bạn đang sử dụng những dịch vụ AI trên chiếc điện thoại của mình, nên nhớ rằng nó sẽ không còn là thông tin cá nhân.
Đây chẳng phải là 1 trợ lý ảo hay người bạn gì đâu, đó thực chất là 1 thiết bị theo dõi thu nhỏ. Công việc của nó là thu thập dữ liệu và sử dụng nó. Hãy cẩn thận và thiết lập kĩ càng trong phần Cài đặt nếu bạn muốn thực sự bảo vệ thông tin cá nhân của mình”.
Theo Trí Thức Trẻ