Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – thách thức và cơ hội

Trước thềm 2017, khi cả thế giới đang nóng lên bởi những khái niệm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA Lữ Thành Long đưa ra những nhận định của người dẫn dắt tập thể hơn 1.000 nhân sự tinh nhuệ trong ngành CNTT – lĩnh vực chủ lực tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp này. 



Thế giới đang biến chuyển ra sao, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang chịu những tác động gì? Các công ty CNTT như MISA đang đứng ở đâu trong dòng chảy thời đại, tâm thế nào để nắm bắt và làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp này?

Phóng viên: Thưa ông, lịch sử thế giới đã chứng kiến những cuộc cách mạng công nghiệp nào và yếu tố then chốt trong sự thay đổi qua từng cuộc cách mạng công nghiệp đó là gì?

Chủ tịch Lữ Thành Long: Cụm từ “cách mạng công nghiệp” hàm chứa trong đó sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi nền kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Nhìn lại lịch sử, chúng ta đã chứng kiến những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất xảy ra khi loài người phát minh ra động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước đưa vào ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh hơn, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… những công nghệ hiện nay chúng ta đang thụ hưởng là từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 này.

Thế giới đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tại ảo (AR), mạng xã hội,điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Phóng viên: Vậy theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động như thế nào đến các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam?

Chủ tịch Lữ Thành Long: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của công nghệ rô bốt có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ có trí tuệ nhân tạo bên trong, rô bốt càng làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm có thể làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của rô bốt cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay rô bốt. Khi mà rô bốt càng làm việc càng tốt lên, thì không có lý do gì để sử dụng lao động con người với những yếu điểm như sức khỏe, ý thức… ngày càng giảm sút.


Trước cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 với công nghệ rô bốt phát triển, những yếu tố mà các nước đang phát triển đã và đang tự coi là thế mạnh như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào thì nay sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong một tương lai rất ngắn nữa thôi, người dân có thể mất đi việc làm, nền kinh tế sẽ đối mặt với nguy cơ lớn. Những lĩnh vực mà công nghệ rô bốt có thể tác động tới trải dài từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục…

Trên thực tế, cuộc cách mạng KHCN lần thứ 4 đang thay đổi lợi thế cạnh tranh của các nước đang phát triển như VN. Cạnh tranh của VN từ năm 2020 trở đi không phải với Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà là với những Cty tự động hóa của Mỹ, Nhật.

Dự đoán về tác động khủng khiếp của công nghệ rô bốt trong tương lai, nhà vật lý, vũ trụ học nổi tiếng nhất thế giới Stephen Hawking gần đây đã có phát ngôn chấn động: Loài người đang đối diện với khả năng diệt vong trong 1.000 năm nữa, nếu không phải vì chiến tranh hạt nhân thì cũng vì công nghệ rô bốt phát triển. Có thể, những cảnh hủy diệt kinh điển trong bộ phim Terminator sẽ không chỉ tồn tại trên màn ảnh nữa.

Trong lĩnh vực dệt may:

Trước đây các nước Mỹ, Anh có ngành dệt may phát triển, nhưng vì thiếu hụt lao động nên đã dịch chuyển thuê nhân công sang Canada, Mexico, từ đó sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia như Việt Nam – những nơi có lực lượng lao động thủ công giá rẻ dồi dào. 

Nhưng với công nghệ rô bốt trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này, nhiều nhà máy dệt may trước đây đặt ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ bắt đầu quay ngược lại đặt ở Mỹ, bởi lẽ nước Mỹ không còn cần đến lao động thủ công giá rẻ nữa vì họ đã bắt đầu sử dụng rất nhiều rô bốt. Những việc xưa nay chỉ có lao động thủ công mới làm được với giá rẻ thì nay rô bốt có thể làm được với chi phí còn rẻ hơn nữa.

Báo cáo mới đây của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cung cấp số liệu đáng lo ngại khi mà hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Cụ thể, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành. Như vậy, một khối lượng lớn công việc dành cho con người sẽ dịch chuyển dần sang cho rô bốt. Khi đó, lao động giá rẻ làm việc tại các nhà máy dệt may của các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngay trên chính quê hương mình.


Rô bốt làm việc cùng con người trong các nhà máy không còn là điều xa lạ

Trong lĩnh vực Thương mại, dịch vụ, giải trí:

Rô bốt cũng đã hiện diện ở những vị trí công việc vốn cho rằng không thể thay thế con người. Những người làm việc ở quầy bar, cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, gia đình… đang gặp nguy cơ lớn vì rô bốt có thể làm những việc như pha chế đồ uống, bán hàng, chế biến đồ ăn, dọn nhà… như một con người. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, rô bốt bắt đầu xuất hiện khá nhiều trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tại khu vực lễ tân khách sạn, cơ quan, công ty, cửa hàng, khi có khách đến rô bốt có thể tự động nhận dạng, ghi nhớ để chào hỏi. Rô bốt nhớ được sở thích, trả lời các nhu cầu của khách hàng bằng giọng nói hoàn toàn như con người. 

Như vậy, ngay đến cả các công việc con người vốn cho rằng cần sự giao tiếp, sự khéo léo thì rô bốt cũng làm được. Ở khắp mọi nơi, sự hiện diện của rô bốt sẽ đe dọa đến cơ hội việc làm của con người. 

Tại Việt Nam, lực lượng lao động trình độ thấp vẫn chiếm lượng lớn, bởi vậy, đây chính là nhóm người dễ tổn thương nhất khi sự tấn công của công nghệ sẽ khiến họ tuột đi các vị trí công việc vốn trước đây dành cho họ. Năm 2016, Việt Nam xếp vị trí 60/138 nền kinh tế trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), với lo ngại lớn nhất là trình độ của lực lượng lao động. Như vậy, lao động trình độ thấp vốn đã dễ thất nghiệp, nay trước sự thay thế dần của rô bốt, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng một cách báo động. 


Rô bốt phục vụ chuyên nghiệp như một nhân viên trong các nhà hàng, quán ăn


Rô bôt bán hàng tại một cửa hàng đồ ăn nhanh


Nhân viên bán hàng truyền thống cũng sẽ dần được thay thế bởi những chú rô bốt bán hàng thông minh có khả năng trả lời các câu hỏi chính xác về mặt hàng, màu sắc, kích cỡ, chủng loại… do chứa lượng data lớn có sẵn

Những ngành nghề tưởng như sử dụng lượng lớn nhân sự con người và không thể thay thế bằng rô bốt như call center – hệ thống tổng đài trả lời trong ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán cũng bị đe dọa. Nước Mỹ từng thuê ngoài (out-sourcing) công việc này sang Ấn Độ và một số quốc gia khác. Hàng trăm ngàn người đang làm việc cho các call center trên khắp thế giới. 

Nhưng hiện nay, khá nhiều call center của các hãng viễn thông, ngân hàng tại Mỹ đã chuyển sang dùng rô bốt để tự động trao đổi, trả lời các yêu cầu của khách hàng. Lao động tại các nước đang phát triển như Việt Nam khi đó đối mặt với việc không thể giữ thế mạnh rẻ, dồi dào, sử dụng tốt ngoại ngữ, lệch múi giờ nên có thể phục vụ 24/24… trong nghề này nữa, khi mà rô bốt còn có thể làm tốt hơn thế với mức chi phí rẻ hơn.


Hàng trăm ngàn người đang làm việc cho các call center trên khắp thế giới đang bị đe dọa mất việc bởi những chú rô bốt biết tuốt này


Những chú rô bốt biết nhận dạng khách, chào hỏi như một lễ tân chuyên nghiệp khi đến trụ sở công ty sẽ dần thay thế con người

Trong dịch vụ chăm sóc nhà cửa, những chú rô bốt sẽ dần thay thế những người giúp việc truyền thống bằng sự khéo léo. làm việc 24/24 và không biết mệt mỏi


Rô bốt cũng xuất hiện trong lĩnh vực giải trí để đáp ứng những nhu cầu tế nhị

Công nghệ thực tế ảo cho phép con người kết nối dù ở cách xa nhau, ví dụ như chỉ cần hôn vào thiết bị gắn với di động, mọi khoảng cách của tình yêu xa bị xóa nhòa


Trong lĩnh vực Giao thông công cộng:

Thế hệ ô tô không người lái sẽ phát triển.Trong tương lai gần các lái xe có thể không tìm được việc làm. Khoa học chứng minh xe tự lái đảm bảo an toàn giao thông cao gấp nhiều lần vì không có trạng thái say rượu bia, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu.

Câu chuyện xảy ra tại Mỹ tháng 8 năm 2016 được đưa ra làm bằng chứng về sự an toàn của xe ô tô tự lái. Một người đàn ông đang sử dụng xe tự lái của Tesla thì có triệu chứng đau tức ngực. Ông ta kịp thời liên hệ với vợ để gọi tới bệnh viện báo cho bác sĩ chờ đón sẵn. Ông này ra lệnh cho xe tự lái tới bệnh viện. Các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời, cứu sống người đàn ông này. Sau vụ việc, giới khoa học phân tích rằng nếu người đàn ông này đang ở trên xe không có khả năng tự lái, ông ta có nguy cơ sẽ chết. 

Hiện ô tô không người lái đã được đưa vào ứng dụng tại Mỹ. Hãng Uber đã đặt hàng chục ngàn xe loại này để đưa vào vận hành taxi không người lái. Như vậy, hàng chục ngàn lái xe và chắc chắn con số sẽ nhiều hơn nữa cũng đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp ngay trên đường phố của đất nước mình. 


Một mẫu xe ô tô tự lái trên đường phố – đang đe dọa dần công việc làm ăn của nghề lái xe truyền thống


Trong lĩnh vực Y tế:
Chiếc máy IBM Watson có biệt danh “Bác sỹ biết tuốt” có thể lướt duyệt cùng lúc hàng triệu hồ sơ bệnh án để cung cấp cho các bác sĩ những lựa chọn điều trị dựa trên bằng chứng chỉ trong vòng vài giây. Bác sĩ có thể có xác suất đưa ra phán đoán sai lầm nhưng với IBM Watson thì cực kỳ chính xác nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu khổng lồ và tốc độ xử lý mạnh mẽ. “Bác sĩ biết tuốt” này còn cho phép con người tra thông tin về tình hình sức khỏe của mình. Các bác sĩ chỉ cần nhập dữ liệu người bệnh để được phân tích, so sánh với kho dữ liệu khổng lồ có sẵn và đưa ra gợi ý hướng điều trị chính xác.


Hay mới đây, một bệnh viện tại Tp.Hồ Chí Minh đã tổ chức ra mắt robot phẫu thuật. Các cánh tay của hệ thống robot này hoạt động như một cánh tay của bác sĩ phẫu thuật. Với 4 cánh tay cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều mặt bệnh với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục. 

Như vậy, không chỉ đe dọa thay thế nhân sự trình độ thấp, mà ngay đến cả nhân sự trình độ cao như bác sĩ, rô bốt cũng dễ dàng thay thế. Việc thất nghiệp với nhân sự trình độ cao bị đe dọa không rõ ràng như trình độ thấp, nhưng là điều khó tránh khỏi nếu không nhanh chóng nắm bắt xu hướng của công nghệ để thay đổi, làm chủ nó thay vì bị nó tấn công.

Trong lĩnh vực Giáo dục:
Trong bối cảnh vạn vật biến đổi như vậy, không thể giữ cách dạy và học cũ. Trước đây, khi đào tạo nghề phi công, học viên phải lên máy bay với giảng viên bay trên bầu trời. Điều này quá nguy hiểm khi có thể xảy ra tai nạn thương tâm lấy đi mạng sống của cả thầy và trò. Công nghệ thực tế ảo sẽ cho phép học viên đeo một chiếc kính nhìn thấy phía trước là cabin và học lái máy bay như thật. Vì vậy có thể thực hành đến khi nhuần nhuyễn rồi mới lái, giảm thiểu rủi ro.


Công nghệ thực tế ảo sẽ cho phép học viên đeo một chiếc kính nhìn thấy phía trước là cabin và học lái máy bay như thật

Giáo viên lịch sử truyền thống đang chuẩn bị tranh ảnh để học sinh hiểu hơn về một trận đánh, di tích hay cách thức giao tiếp với nhau trong xã hội cổ đại. Nhưng cũng chỉ là tưởng tượng qua ngôn ngữ và hình ảnh. Giờ đây với công nghệ thực tế ảo, học sinh có thể đeo kính ảo và nhập vai ngay, chứng kiến những trận đánh, ngắm nhìn di tích, mang lại cảm xúc và sự ghi nhớ sâu sắc, giúp bài học thấm thía hơn. 

Như vậy, trong tương lai, số lượng giáo viên ảo có thể nhiều hơn lượng giáo viên thực rất nhiều.


Cách học và dạy phải thay đổi trực quan hơn

Trước sự biến đổi này, khó có thể giúp học sinh bắt kịp yêu cầu và tốc độ đào tạo nguồn nhân lực mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi nếu vẫn giữ cách giáo dục cũ. 

Trong lĩnh vực Nông nghiệp:
Lúc này không còn là nông nghiệp thuần túy. Khi chưa có công nghệ hỗ trợ, cây không hấp thụ được 80-90% lượng phân bón do bón sai thời điểm, sai cách thức dẫn tới lãng phí lớn. Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) có thể giúp bón phân đúng thời điểm, cách bón khoa học vào chỗ thích hợp, lượng cần thiết vừa đủ cho cây, giúp tiết kiệm chi phí so với phương thức truyền thống hiện nay.

Như vậy, nền nông nghiệp phải đối mặt với việc các nước phát triển sẽ không sử dụng sản phẩm từ các nước đang phát triển như Việt Nam nữa. Họ có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm bằng diện tích đất chỉ bằng 1/100 hay 1/1000 các nước đang phát triển làm, với năng suất cao hơn nhiều lần nhờ cách chăm sóc khoa học. 

Nông dân công nghệ thấp sẽ dần mất đi việc làm và nguồn tiêu thụ vào tay nông dân công nghệ cao. Khi đó, nông dân – nhóm người vốn bấp bênh nhất về công việc cũng sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Như vậy, đây không phải là câu chuyện tương lai, mà là câu chuyện của hiện tại. Một cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động lên nhiều lĩnh vực như dệt may, giao thông, du lịch, thương mại, giải trí, nông nghiệp, y tế, giáo dục… khiến nền kinh tế sẽ chịu tác động rất lớn. Quan trọng chúng ta có nhận thức được điều đó hay không.

Phóng viên: Ông có thể đưa ra mô tả hình dung về thế giới của chúng ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ như thế nào?

Chủ tịch Lữ Thành Long: Đó là Digital Transformation – chuyển đổi số. Thế giới thực mà chúng ta biết, từ con người, xe cộ, nhà cửa, tài sản, công ty, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này sẽ chuyển đổi toàn bộ thế giới gốc sang thế giới số. Sẽ có bản sao của thế giới thực trên nền thế giới số, hay nói cách khác là bản sao số hóa của thế giới thực trên Internet.

Khái niệm này giống như việc chơi game nhập vai, vai trên game tương đương với nhân vật ngoài đời thực. Mỗi thực thể sống sẽ có một bản sao tương đương trong thế giới số. Nhịp tim, nhịp thở, di chuyển, tài sản,… của thực thể ở thế giới thực ra sao thì bản sao ở thế giới số cũng y hệt vậy. Mọi thứ ánh xạ giữa thế giới thực và thế giới số gần như với tỷ lệ 1:1. 



Mọi thực thể ở thế giới thực đều có phiên bản ở thế giới số

Phóng viên: Chúng ta có cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Lữ Thành Long: Có 3 cơ hội mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ, đó là:
Thứ nhất, nắm bắt xu hướng chuyển đổi sớm sẽ có khả năng tồn tại và phát triển trong tương lai.
Thứ hai, khi xu hướng thay đổi, nhiều doanh nghiệp sẽ chết đi, doanh nghiệp nào bắt kịp tốt sẽ giữ thế tiên phong, đứng đầu.
Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể kéo theo “bị hủy diệt”, nhưng nếu biết nắm bắt thì có thể chuyển từ trạng thái “bị hủy diệt” sang trạng thái “hủy diệt”, làm chủ thời cơ.

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ nhưng cũng có cơ hội cho những quốc gia nhận thức sớm được xu hướng chuyển đổi. Khi đó, việc đào tạo đúng hướng về hành vi nghề nghiệp sẽ mang lại sự chiếm lĩnh cơ hội sớm.

Ví dụ, với nghề sửa ô tô, trong thế giới số xe được vận hành bằng số hóa nên sẽ đo được bộ phận nào đến thời gian nào sẽ hỏng để tự động thông báo cho thợ và chủ xe gặp nhau giải quyết vấn đề. Hay hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) được đặt quanh cơ thể người, biết người đó sắp bệnh không, khả năng bệnh gì, lập tức thông báo cho bệnh viện để lên kế hoạch điều trị.

Mọi hành vi nghề nghiệp, cách thức kinh doanh trong thế giới số sẽ thay đổi, biến đổi hoàn toàn. Sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề như tạo ra hệ thống sensor, đưa vào các hệ thống có sẵn để chuyển đổi thế giới thực sang thế giới số. Những chiếc ô tô không bỏ đi mà được lắp sensor để chuyển thành xe số chạy trên Internet. Những không gian như thang máy cũng biến thành thang máy số, thậm chí, thú cưng cũng có thể chuyển thành thú cưng trên Internet. Biết bao điều mới mẻ sẽ sinh ra vô số công việc mới liên quan.

Khi biết được xu thế xã hội, định hướng của các quốc gia về đào tạo và định hướng nghề nghiệp của cá nhân mỗi người cũng sẽ chuyển đổi theo. Các công ty, tập đoàn lớn sẽ đặt các kế hoạch, chiến lược của mình 5-10 năm tới trong bối cảnh thế giới thay đổi thành thế giới số để làm sao tiếp tục tồn tại và phát triển. Nếu chúng ta vẫn giữ cách làm cũ, sẽ phải đối diện với nguy cơ trì trệ, phá sản, đóng cửa không xa.

Phóng viên: Trong thế giới mới, trước những thách thức như vậy, các doanh nghiệp phải làm gì để tồn tại, phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp CNTT như MISA thưa ông?

Chủ tịch Lữ Thành Long: Xin hãy ghi nhớ 4 tinh thần sau để nắm bắt cơ hội:

Thứ nhất: Xây dựng chiến lược kinh doanh trong bối cảnh sự thay đổi của xã hội thành xã hội số
Thứ hai: Đào tạo đội ngũ để bắt nhịp với xu thế công nghệ mới 
Thứ ba: Các đầu tư hạ tầng phải dựa trên xu thế công nghệ mới
Cuối cùng: Xây dựng văn hóa kỷ luật của tổ chức thích ứng với sự thay đổi nhanh của thời đại

Đối với các công ty CNTT như MISA, trước đây chúng ta xây dựng các giải pháp phần mềm theo đặt hàng từ thực tế các doanh nghiệp. Trong bối cảnh mới của thế giới, khối lượng công việc phát sinh sẽ vô cùng khổng lồ, tạo điều kiện cho việc kinh doanh. 

Dù muốn hay không, thế giới cũng đang biến đổi như vậy. Và chúng ta cần nắm bắt bằng hành động thay đổi nhanh chóng.

Đây là cơ hội mới cho những công ty CNTT như MISA, không chỉ chờ đặt hàng mà sẽ chủ động đưa ra những đề nghị chuyển đổi thực thể từ thế giới thực sang thế giới số. Quan trọng chúng ta có đủ nhanh nhạy, sự chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi hay không. 


Đào tạo đội ngũ để bắt nhịp với xu thế công nghệ mới 

Từ cổ đến kim, mô hình có thể đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng vẫn là tổ chức kiểu quân sự, mọi mệnh lệnh được thực thi nhanh chóng, quyết liệt và mạnh mẽ. Các tổ chức dân sự không phải là quân đội để đạt đến mức tuyệt đối, nhưng chắc chắn các tổ chức, công ty như MISA muốn thay đổi, tồn tại, phát triển được trong thế giới mới thì tính kỷ luật của đội ngũ phải đặt lên hàng đầu. Làm bất cứ điều gì cũng phải quyết liệt, nhanh chóng. Từng cá thể, từng con người trong tổ chức, đội ngũ đều cần thống nhất tinh thần đó. Chỉ có kỷ luật mới tạo ra được đội ngũ như vậy. Mặc dù sẽ khắc nghiệt hơn nhưng tôi tin chắc khi đó chúng ta sẽ có năng suất tốt hơn, có cơ hội nâng cao đời sống cá nhân, tập thể và xã hội.

Người nông thôn nhìn lên thành phố thấy người thành phố sống kỷ luật hơn, quy củ hơn, nên năng suất cao hơn, đời sống tốt hơn. Nhưng từ thành phố của các nước đang phát triển như Việt Nam nhìn sang thành phố của các nước phát triển đều thấy người Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ sống kỷ luật hơn, thay đổi nhanh chóng, chịu khó học hành hơn, năng suất cao hơn nên đời sống tốt hơn mình nhiều lần. Vậy trước câu hỏi: Việc tổ chức một đội ngũ công ty có kỷ luật, tiến tới năng suất cao là điều khắc nghiệt, xấu xa hay tốt đẹp?

Tôi khẳng định, chắc chắn sẽ mang lại điều tốt đẹp cho mỗi cá nhân, tổ chức và xã hội. Trong thế giới mới đầy rẫy cơ hội này, việc chúng ta có tiếp nhận cơ hội để phát triển hay không tùy thuộc vào việc chúng ta có kỷ luật để học hỏi, để thay đổi nhanh và mạnh đến cỡ nào.


Cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng số sẽ mang lại nhiều đổi thay

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Kính chúc ông có thật nhiều sức khỏe, sự thông tuệ để dẫn dắt đội ngũ MISA tiến tới kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp mới với đầy những thách thức nhưng không thiếu cơ hội chinh phục thành công./.
Trong lĩnh vực Nông nghiệp:
Lúc này không còn là nông nghiệp thuần túy. Khi chưa có công nghệ hỗ trợ, cây không hấp thụ được 80-90% lượng phân bón do bón sai thời điểm, sai cách thức dẫn tới lãng phí lớn. Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) có thể giúp bón phân đúng thời điểm, cách bón khoa học vào chỗ thích hợp, lượng cần thiết vừa đủ cho cây, giúp tiết kiệm chi phí so với phương thức truyền thống hiện nay.

Như vậy, nền nông nghiệp phải đối mặt với việc các nước phát triển sẽ không sử dụng sản phẩm từ các nước đang phát triển như Việt Nam nữa. Họ có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm bằng diện tích đất chỉ bằng 1/100 hay 1/1000 các nước đang phát triển làm, với năng suất cao hơn nhiều lần nhờ cách chăm sóc khoa học.
Trong lĩnh vực Nông nghiệp:
Lúc này không còn là nông nghiệp thuần túy. Khi chưa có công nghệ hỗ trợ, cây không hấp thụ được 80-90% lượng phân bón do bón sai thời điểm, sai cách thức dẫn tới lãng phí lớn. Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) có thể giúp bón phân đúng thời điểm, cách bón khoa học vào chỗ thích hợp, lượng cần thiết vừa đủ cho cây, giúp tiết kiệm chi phí so với phương thức truyền thống hiện nay.

Như vậy, nền nông nghiệp phải đối mặt với việc các nước phát triển sẽ không sử dụng sản phẩm từ các nước đang phát triển như Việt Nam nữa. Họ có thể tự sản xuất lương thực, thực phẩm bằng diện tích đất chỉ bằng 1/100 hay 1/1000 các nước đang phát triển làm, với năng suất cao hơn nhiều lần nhờ cách chăm sóc khoa học.