Ngoài sự sụt giảm sâu của công nghiệp khai khoáng, các yếu tố về môi trường cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng GDP Việt Nam không đạt chỉ tiêu. Theo đó, năm 2016, Việt Nam đã mất gần 1% GDP (khoảng 1,7 tỷ USD) bởi thiên tai, hạn hạn. Trong đó, nhóm ngành nông – lâm – thuỷ sản chịu tác động mạnh mẽ nhất với 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm.
Dù vậy, theo Tổng cục thống kê mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng là 6,7% đã đề ra nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn thì mức trên đã là một thành công.
Ngành nông – lâm – thuỷ sản tăng trưởng dương cả năm: Dù quý I, quý II tăng trưởng âm, nhưng kết quả chung cả năm toàn ngành vẫn tăng trưởng dương, tăng 1,36% so với năm 2015. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thu về 32,1 tỷ USD.
Ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2016 theo giá so sánh 2010 đạt 870,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,44% so với năm 2015, thấp hơn so với mức tăng các năm gần đây (năm 2015 tăng 2,62%, năm 2014 tăng 4%, năm 2013 tăng 3,6%, năm 2012 tăng 3%).
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 642,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,79%; lâm nghiệp đạt 28,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,17%; thuỷ sản đạt 200 nghìn tỷ đồng, tăng 2,91%. Lĩnh vực lâm nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhưng do ngành lâm nghiệp chiếm tỷ trọng thấp (3,2%) trong giá trị sản xuất toàn ngành nên không tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành.
Sản xuất công nghiệp thấp hơn 2 năm trở lại đây: Tính chung cả năm 2016, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,8% của năm 2015 và 7,6% của năm 2014 do các ngành khai khoáng giảm mạnh.
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 7,2%; ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 5,9%.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục: Tính chung cả năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015.
Tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1%. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 là 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm là 1.268 nghìn người, bằng 86,1% năm 2015. Trong năm nay, còn có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tang 24,1% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2016 lên gần 136,8 nghìn doanh nghiệp.
Tăng trưởng bán lẻ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ doanh thu tiêu dùng năm 2016 ước tính đạt 3.527,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước (năm 2015 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá thì còn tăng 7,8%, thấp hơn mức tăng 8,5% so với năm trước do sức mua không biến động lớn trong khi giá tiêu dùng năm nay cao hơn năm trước.
Cán cân thương mại năm 2016, suất siêu 2,68 tỷ USD: Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 50 tỷ USD, tăng 4,8%. Khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 125,9%, tăng 10,2%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2016 ước đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực FDI đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%.
Cán cân thương mại tính chung cả năm 2016 suất siêu 2,68 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỷ USD, khu vực FDF xuất siêu 23,7 tỷ USD.
CPI cả năm 2016 tăng 4,74%: CPI tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,4%. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015.
Mặc dù mức tăng của năm 2016 cao hơn so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây, đồng thời vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2016 tăng 0,11% so với tháng trước và tang 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2016 tăng 1,83% so với bình quân năm 2015.
Theo Trí Thức Trẻ