Dân sales muốn tạo sự tự tin khi gặp khách hàng thì đừng quên 6 điều này

Một người làm sales giỏi sẽ hiểu rằng tự tin chính là chìa khoá để kết nối với khách hàng, để bán được sản phẩm và quan trọng nhất là để gặt hái thành công.


Ảnh minh họa

Tự tin là một trong những yếu tố rất quan trọng trong công việc, không những nó giúp bản thân giao tiếp tốt hơn mà tự tin còn mang tới cho mỗi người nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, thăng tiến… Đặc biệt trong ngành sales, tự tin là chìa khoá quan trọng để kết nối với khách hàng, thế nhưng đây lại là thứ mà nhiều dân sales còn thiếu.

May mắn thay, tự tin là thứ có thể được xây dựng, phát triển cũng như có một số cách để bạn thể hiện sự tự tin trước mặt người khác. Duới đây sẽ là một số cách để dân sales tự tin, thuyết phục hơn khi đứng trước khách hàng.

1. Tối ưu hoá giọng nói, khiến giọng nói thuyết phục hơn

Nói vừa đủ nghe, không quá to cũng không quá nhỏ đủ để người nghe biết bạn đang muốn nhắn gửi gì. Nếu có một cuộc đối thoại với khách hàng cá nhân, hãy tuỳ chỉnh giọng nói để chỉ bạn và người đó nghe là đủ. Trong những phần muốn khách hàng chú ý hoặc muốn nhấn mạnh, bạn có thể hạ giọng xuống khiến tông giọng trầm hơn, điều này sẽ giúp khách hàng chú ý và ghi nhớ những gì bạn nói tốt hơn.

Hãy sử dụng giọng trầm cho những đoạn cần nhấn mạnh và sử dụng giọng tông cao cho những câu hỏi.
Hãy sử dụng giọng trầm cho những đoạn cần nhấn mạnh và sử dụng giọng tông cao cho những câu hỏi.

Tránh sử dụng giọng quá cao, thánh thót, tưởng chừng hấp dẫn vì vẫn được giới ca sĩ khen ngợi, thế nhưng trong giao tiếp thông thường, giọng quá cao hay “choé” có thể khiến người đối diện khó chịu. Tông giọng cao chỉ nên sử dụng để kết thúc một câu hỏi đối với người khác.

2. Tuỳ chỉnh vị trí đứng, ngồi với khách hàng

Khi gặp khách hàng cá nhân, hãy ngồi hoặc đứng thẳng lưng, giữ kết nối mắt với khách hàng. Vai hơi rướn về phía sau để phần ngực đưa về phía trước, điều này giúp cho bạn trông “oai” hơn thêm vào đó nó cho phép bạn hít thở tốt, đủ không khí trong suốt quá trình nói chuyện.

Có thể không cố tình thế nhưng dáng ngồi khom này khiến bạn lép vế, thiếu tự tin và khách hàng sẽ khó lòng tin tưởng bạn.
Có thể không cố tình thế nhưng dáng ngồi “khom” này khiến bạn lép vế, thiếu tự tin và khách hàng sẽ khó lòng tin tưởng bạn.

Đứng cũng vậy, hãy cố gắng đứng thẳng, đừng dựa người vào tường hay chùn vai bởi nó sẽ khiến bạn trông thiếu chuyên nghiệp. Tư thế đứng thẳng cho người đối diện thấy năng lượng từ bạn, họ sẽ dễ bị thuyết phục hơn.

3. Tránh sự hồi hộp

Làm sales, hồi hộp, ấp úng trước khách hàng là điều nên loại bỏ. Con người có xu hướng ngại ngùng, tự bảo vệ bản thân khi gặp phải những điều họ không thích, không thoải mái. Hãy điều khiển cảm xúc đó, đừng khoanh tay, cho tay vào túi quần hay đảo mắt liên tục khi giao tiếp.

Nếu ngồi trên bàn, bạn có thể để tay lên đùi hoặc tốt nhất là đưa tay lên mặt bàn với lòng bàn tay ngửa để khách hàng nhìn thấy. Hành động này miêu tả sự trung thực, cởi mở của bản thân. Khi đứng, bạn có thể sử dụng tay làm công cụ thể hiện cảm xúc, những thứ vừa nói, tuyệt đối không cho tay vào túi quần.

Có thể khách hàng sẽ ngại ngùng khi nói chuyện với bạn, hãy chữa điều này bằng cách nghiêng người gần họ hơn khi họ đặt câu hỏi. Bạn có thể ngắt quãng giao tiếp mắt để tránh làm khách hàng khó chịu trong trò chuyện.

4. Nói chậm, nghĩ kĩ trước khi nói

Những người nào càng nói nhanh họ càng thể hiện sự hồi hộp của mình. Không những thế, nói nhanh còn khiến chúng ta vấp từ, thiếu hơi thở hoặc nhiều rắc rối khác. Khi gặp khách hàng, hãy nói chậm, nghĩ kĩ trước khi nói để họ thấy được tiềm năng, những gì bạn nói ra thật sự đáng tin.

Đôi lúc, bạn có thể áp dụng những khoảng lặng sau mỗi câu hỏi của khách hàng hoặc các bài thuyết trình. Khoảng lặng này sẽ tăng thêm độ kịch tính, hấp dẫn cho cuộc trò chuyện và nó không đẩy tiến độ cuộc hội thoại nhanh hơn, khách hàng sẽ thấy bạn trân trọng buổi nói chuyện với họ.

5. Hạn chế suy nghĩ tiêu cực khi giao tiếp với khách hàng

Trong quá trình nói chuyện, kết nối với khách hàng, nhiều người sẽ có những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, những lo lắng hay sợ hãi mà ai cũng có trong kinh doanh. Là một người làm sales, bạn hãy cố gắng ngăn đừng để những suy nghĩ này ảnh hưởng tới cuộc trò chuyện. Thay vào đó, tập trung suy nghĩ tới nội dung cuộc hội thoại, những gì bạn có thể cung cấp tới khách hàng… Nếu quá khó, hãy đổi chủ đề và chia sẻ với khách hàng về những kinh nghiệm bản thân, những hồi âm mà khách hàng trước gửi lại tới bạn.

6. Hãy ăn mặc đúng cách cho đúng lúc

Trang phục hiện diện cho sự chuyên nghiệp, phong cách làm việc của mỗi cá nhân. Một người làm sales tốt sẽ biết sử dụng trang phục đúng lúc, đúng chỗ và luôn chuyên nghiệp trong mắt người khác. Người này sẽ hiểu rằng vest không phải là trang phục trăm nơi như một, nó không phù hợp với nhiều khách hàng, nhiều địa điểm gặp mặt giữa bạn với đối tác/khách hàng.

Vest, suit đôi khi quá nặng nề, trịnh trọng cho một buổi gặp mặt thông thường, nó tạo cho người đối diện cảm giác quá nghiêm túc tới không cần thiết.
Vest, suit đôi khi quá nặng nề, trịnh trọng cho một buổi gặp mặt thông thường, nó tạo cho người đối diện cảm giác quá nghiêm túc tới không cần thiết.

Nếu gặp mặt khách hàng hoặc tiếp cận nhóm khách hàng năng động, trẻ trung, một bộ suit đen bóng với cà vạt cùng giày da sẽ khiến bạn “lệch tông”. Sự lệch lạc này khiến bạn khó lòng thuyết phục được khách hàng và chưa chắc họ đã tin tưởng, lắng nghe bạn. Bạn không cần phải mang trên mình bộ đồ hàng hiệu đắt tiền nhất, trang phục phù hợp sẽ toả sáng dù cho nó rẻ tới mức nào. Và hãy ghi nhớ một lần nữa rằng ăn mặc nhẹ nhàng, bình thường thôi luôn hiệu quả hơn những bộ vest nặng nề, trịnh trọng.

Theo Trí Thức Trẻ