20 bài học cần thiết và hữu ích với mọi nhà lãnh đạo

Nhà lãnh đạo thành công là người biết cách cân bằng hài hòa mọi thứ. Họ tin vào chính mình ở mức vừa phải để vẫn có thể lắng nghe người khác. Họ biết khi nào nên tiếp tục và khi nào nên bỏ cuộc.


Ảnh minh họa

Amanda Abella là huấn luyện viên mảng tài chính, kinh doanh trực tuyến được nhiều người biết đến. Bà còn là nhà văn, tác giả cuốn sách best-seller trên Amazon Make Money Your Honey. Với kinh nghiệm gặp gỡ, trò chuyện với nhiều doanh nhân thành công, Abella đã rút ra 25 bài học hữu ích và cần thiết với mọi nhà lãnh đạo:

1. Học tính kiên nhẫn

Kiên nhẫn là một đức tính tốt và là một trong những điều đầu tiên mà nhà lãnh đạo cần học tập. Có không ít người (trong đó có Abella) thuộc tuýp người thích kiểm soát mọi thứ, kể cả với những chuyện đã xảy ra. Tuy nhiên, kinh doanh là công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, tính kiên trì hơn tỏ ra nôn nóng. “Thực tế, doanh nhân phải học cách kiềm chế mong muốn kiểm soát mọi việc và học cách buông bỏ những thứ không cần thiết để tập trung vào những việc ưu tiên”, bà nói.

2. Học cách từ bỏ

Việc biết khi nào nên từ bỏ cũng quan trọng như việc bạn biết khi nào nên tiếp tục. “Có những dự án hoạt động không hiệu quả và công việc của nhà lãnh đạo là biết thời điểm nào nên rút lui hoặc theo đuổi chúng tới cùng”, bà nói.

3. Khả năng sớm phục hồi 

Bất kỳ doanh nhân thành công nào cũng từng ít nhất một lần nếm qua cảm giác thất bại, đặc biệt vào thời gian đầu lập nghiệp. Và khả năng sớm phục hồi là thứ giúp họ đứng lên sau khi vấp ngã để tiếp tục tiến lên phía trước. 

4. Đừng nói lời từ chối với tư cách cá nhân

Một trong những bài học lãnh đạo tuyệt vời mà mọi doanh nhân cần biết, đó là đừng bao giờ đưa ra lời từ chối những thứ liên quan đến công việc với tư cách cá nhân. Theo kinh nghiệm của Abella, nhà lãnh đạo sẽ thấy hối hận, sẽ có những cánh cửa đóng sầm trước mặt họ sau đó. Đã có không ít nhà lãnh đạo mắc lỗi này, và bài học họ rút ra là đừng vội vàng nói “không” dưới danh nghĩa cá nhân.

5. Lường trước rủi ro

Việc mở doanh nghiệp và trở thành nhà lãnh đạo đòi hỏi bạn phải lường trước những rủi ro có thể xảy đến. Một trong số đó chính là rủi ro tài chính.

“Không ít nhà lãnh đạo hy vọng ý tưởng kinh doanh mới sẽ giúp họ hái ra tiền trong khi không biết nên bắt đầu từ đâu. Sau cùng, họ làm liều bằng cách xắn tay áo lao vào dù không chắc mọi chuyện sẽ dẫn đến đâu”, bà phân tích.

Giải pháp ở đây là hiểu rõ vấn đề và tính toán mọi rủi ro có thể xảy đến. Hãy thực hiện các nghiên cứu, cân nhắc những rào cản cũng như sẵn sàng đối mặt với nó trong mọi tình huống. 

6. Gánh vác trách nhiệm

Bản lĩnh của một nhà lãnh đạo được thể hiện rõ khi doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Nếu đó là rắc rối do người đứng đầu doanh nghiệp gây ra, họ phải tự chịu trách nhiệm. Nếu đó là lỗi của cấp dưới thì họ vẫn phải là người đầu tiên gánh vác trách nhiệm trước khi xác định nhân viên phạm lỗi.

Theo Abella, việc nhà lãnh đạo đổ lỗi cho người khác có thể gây ra hậu quả khôn lường. Trường hợp của Chip Wilson – cựu CEO của hãng đồ thể thao yoga nổi tiếng Lululemon là ví dụ điển hình. Tháng 10/2013, khách hàng của Lululemon phàn nàn rằng những chiếc quần legging họ mới mua được vài tuần đã bị giãn. Sau đó, trong một bài phỏng vấn trên Bloomberg, Wilson đổ lỗi quần giãn nhanh là do cơ thể người mặc. Trước đó, ông cũng từng đưa ra khá nhiều phát ngôn thái quá về phụ nữ, các vụ ly hôn và cả người Nhật Bản. Phải mất một thời gian dài doanh số của Lululemon mới tăng trưởng trở lại sau loạt scandal này. 

7. Chăm sóc sức khỏe 

Nhiều người nhìn nhận sức khỏe của doanh nhân (cả về tinh thần lẫn thể chất) sẽ phản ánh sức khỏe của chính doanh nghiệp họ đang điều hành. Đó là lý do tại sao thông tin về một nhà lãnh đạo chú ý rèn luyện bản thân lại có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp. Hai việc này thường đi đôi với nhau. 

8. Rèn luyện kỹ năng tự nhận thức

Khả năng tự nhận thức của nhà lãnh đạo càng tốt thì họ càng dễ đưa ra những quyết định sáng suốt cho doanh nghiệp. Chưa kể, chúng còn giúp họ thoát khỏi tư duy lối mòn.

Có giai đoạn Abella thấy mình muốn kiểm soát nhiều việc hơn trước, thậm chí còn không để nhân viên trợ lý làm một số việc mà người này vẫn thường làm. Bà biết mình đang cư xử một cách kỳ lạ nhưng không biết tại sao. “Cuối cùng, tôi nhận ra do bản thân không còn kiểm soát được cuộc sống cá nhân nên tôi đã “bù đắp” khoảng trống đó bằng cách kiểm soát công việc nhiều hơn. Và ngay khi nhận ra điều đó, tôi đã xin lỗi trợ lý của mình và để cô ấy làm việc bình thường”, bà chia sẻ.

Một nghiên cứu mới đây do tổ chức tư vấn Green Peak Partners thực hiện đã phát hiện ra kỹ năng tự nhận thức là một trong những tiêu chí hàng đầu đối với nhà lãnh đạo thành công. 

9. Học cách trao quyền, giao việc

Nhà lãnh đạo giỏi biết rằng họ không thể tự mình làm hết mọi thứ. Do đó, họ trao quyền, giao việc cho nhân viên nhằm giảm bớt khối lượng công việc và để nhân viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng. Là người đứng đầu tập thể, bạn không thể chỉ làm những thứ bạn có thể mà cần làm những thứ mà nhiều người không thể.  

Ví dụ, Abella có khả năng thiết kế website dạng đơn giản nhưng bà không muốn lãng phí thời gian cá nhân vào việc đó. “Thay vì vậy, tôi phát triển những lĩnh vực vốn là thế mạnh của mình như viết lách, marketing. Đây là những thứ mà tôi nổi trội và khiến tôi có thể làm việc không màng giờ giấc”, bà chia sẻ.

10. Học cách nói lời từ chối

Với cương vị là nhà lãnh đạo, chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều lời mời tham gia sự kiện hay thực hiện dự án mới. Ban đầu, đó có thể là những cơ hội tuyệt vời đối với bạn. Nhưng sau một thời gian, chúng sẽ là rào cản cho sự tiến bộ của bạn. Đó là lý do tại sao việc học cách nói lời từ chối luôn là một trong những bài học mà nhà lãnh đạo không thể bỏ qua.

“Hãy tập trung vào những điều cần thiết đối với doanh nghiệp cho dù đôi khi việc đó đòi hỏi bạn phải từ chối nhiều người”, Abella khuyên.

11. Học cách tin vào bản thân

Tin vào bản thân là một bài học lớn khác mà nhà lãnh đạo không thể bỏ qua. Bạn phải tin vào chính mình để ra những quyết định cả lớn lẫn nhỏ. Đó là công việc của bạn.

12. Tin vào những thứ lớn lao khác

Khi hỏi về bí quyết thành công của các doanh nhân, Abella nhận ra có một điểm chung giữa họ. Đó là họ tin vào những thứ lớn lao khác ngoài bản thân mình, như: sứ mệnh, tầm nhìn, các hình thức tâm linh,… giúp họ giữ vững tin tiến lên phía trước.

13. Học cách lắng nghe người khác

Giống như việc không thể tự làm hết mọi thứ, nhà lãnh đạo cũng hiểu rằng không ai biết hết mọi chuyện. Nếu bạn thực sự muốn thành công, bạn phải học cách lắng nghe người khác để học hỏi.

14. Đừng vội vàng ra quyết định

“Khi mới thành lập doanh nghiệp, tôi có một thói quen xấu là thích sớm ra quyết định. Nhưng khi doanh nghiệp lớn mạnh, và bản thân tôi cũng trưởng thành hơn, tôi nhận ra thói quen này không thông minh chút nào. Những quyết định lớn xứng đáng với sự cân nhắc cẩn thận (nhưng cũng đừng mất quá nhiều thời gian)”, bà chia sẻ.

15. Đừng điều hành doanh nghiệp vì lợi ích bản thân

Hầu hết mọi doanh nhân đều có một vài động lực hay sứ mệnh thúc đẩy họ lãnh đạo doanh nghiệp. Rất hiếm nhà lãnh đạo điều hành doanh nghiệp vì lợi ích chính mình.

16. Không ngừng học hỏi

Nhà lãnh đạo thành công luôn không ngừng học hỏi và trau dồi các kiến thức, kỹ năng mới. Có người xem đây là một cách giúp bản thân và doanh nghiệp phát triển, cũng có những người xem điều này là cách giúp họ thỏa mãn niềm khao khát kiến thức vô tận.

17. Suy nghĩ sáng tạo

Nhà lãnh đạo thành công hiểu rằng đôi lúc họ cần thoát khỏi lối mòn tư duy và suy nghĩ sáng tạo, đặc biệt trong công việc. Có nhiều cách để làm được điều này, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, nghỉ ngơi, rời văn phòng sớm hoặc thử những điều mới mẻ trong cuộc sống.

18. Cho đi không cần nhận lại

Một phần của bí quyết tạo nên một nhà lãnh đạo thành công là tinh thần cho đi không cần nhận lại, bằng cách giúp đỡ người khác cải thiện cuộc sống hoặc phát triển công việc kinh doanh.

19. Minh bạch

Cũng giống như nhà lãnh đạo biết gánh vác trách nhiệm, họ cũng phải tỏ ra minh bạch trước nhân viên và khách hàng của mình. Điều này giúp mọi người thêm tin tưởng họ.

20. Đối xử công bằng với nhân viên

Nghiên cứu mới đây của Đại học Michigan đăng tải trên tạp chí Harvard Business Review phát hiện ra, những đội, nhóm làm việc tích cực sẽ hoạt động hiệu quả hơn tại chỗ làm. Và một trong những cách giúp nhà lãnh đạo thúc đẩy tính tích cực này là đối xử với nhân viên một cách công bằng. Hãy đối xử bình đẳng như nhau với tất cả mọi người.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn tìm ra 3 yếu tố thúc đẩy tính tích cực ở mỗi người:

– Quan tâm và gánh vác trách nhiệm công việc với đồng nghiệp

– Luôn tạo điều kiện hỗ trợ những người khác 

– Tránh đổ lỗi và học cách tha thứ lỗi lầm 

Theo DNSG