Tại sao selfie là một công cụ tiếp thị nội dung hiệu quả?

Theo số liệu được công bố vào tháng 11/2016 của Zephoria, một công ty chuyên về digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số), chỉ tính riêng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới là Facebook, mỗi phút có khoảng 510 comment (bình luận) mới được tạo ra, 293.000 status (dòng trạng thái) mới được đăng tải và hơn 136.000 tấm ảnh mới được public (chuyển sang chế độ công khai).


Ảnh minh họa

Mỗi ngày, có khoảng 4,75 tỉ nội dung khác nhau (đến từ các bài viết, video, hình ảnh…) được người dùng chia sẻ. Cũng từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 16 triệu doanh nghiệp địa phương được thành lập dưới dạng pages trên Facebook.

Giới làm digital marketing vì thế thường nói vui, trong thế giới ảo, nếu bạn không muốn thương hiệu của mình bị lãng quên, hoặc là bạn tạo ra một bình luận lôi cuốn, thì bạn phải hoặc tạo ra thứ gì đó đáng để mọi người bình luận. Theo bà Roopa Dhawan – Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông và Tiếp thị Mindshare tại Việt Nam, có tới 93% nội dung doanh nghiệp truyền tải trong các chiến dịch digital marketing ngày nay nhanh chóng bị chìm nghỉm và không bao giờ tới được khách hàng mục tiêu.

Thế nhưng, bất cứ điều gì cũng có 2 mặt. Bên cạnh việc tạo ra một cuộc chiến thông tin khốc liệt như vậy, mạng xã hội cũng vô tình tạo ra một công cụ, một cách để thương hiệu truyền đạt nội dung đến người dùng vô cùng hiệu quả, đó là marketing bằng… selfie.

Tại sao selfie là một công cụ tiếp thị nội dung hiệu quả?

Selfie chính thức bùng nổ vào năm 2013, thời điểm cụm từ này được từ điển Oxford ghi nhận (ngày 17/11/2013), kèm theo định nghĩa: “Một tấm hình do người dùng tự chụp cho mình, thường được chụp bởi điện thoại thông minh, webcam hay các sản phẩm công nghệ khác… rồi được đăng lên và chia sẻ ở các trang mạng xã hội”.

Theo một khảo sát nhanh từ tổ chức nghiên cứu Pew Research Center trên quy mô 802 người ở nhiều nơi trên thế giới với chủ đề What Teens Post (Giới trẻ đăng tải điều gì), 91% người được hỏi cho biết mình từng đăng hình ảnh selfie lên mạng xã hội.

Riêng với nước ta, hãng nghiên cứu thị trường Q&Me Market Research đã khảo sát 500 người trẻở khắp Việt Nam từ độ tuổi 15 trở lên về vấn đề chụp ảnh selfie, có 64% người trả lời “thích”.

Ngoài ra, nữ giới thường xuyên chụp hình selfie một mình hơn nam giới, tỷ lệ này chênh lệch khoảng 20%. Với mọi người, selfie mang lại cho họ sự tự tin, giúp họ ý thức hơn về giá trị bản thân, cũng như lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ…

Theo một khảo sát của Edelman (công ty được nhận giải thưởng 2016 Global PR Agency of the Year) về mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng, trên quy mô 15.000 người đến từ 12 nước, 90% người tiêu dùng muốn có một mối quan hệ gần gũi và ý nghĩa với thương hiệu mà họ đã sử dụng. Tuy nhiên, rất nhiều người dù “muốn có mối quan hệ gần gũi” nhưng lại không thích cảm giác bị lợi dụng.

Cụ thể, vẫn trong khảo sát nói trên, có đến 70% số người cho biết họ không vui khi cảm thấy đang bị lợi dụng, trở thành “trung tâm kiếm tiền” của thương hiệu chứ không hề được gắn kết với thương hiệu.

Chính vì thế, sử dụng selfie, một hình thức marketing “thụ động”, không chỉ thúc đẩy người dùng chủ động tạo nội dung, giúp họ cá nhân hóa những trải nghiệm bản thân, thỏa mãn nhu cầu của mình, mà quan trọng là tránh để họ có cảm giác bị lợi dụng, giúp thương hiệu gắn bó với người tiêu dùng hơn, giúp thông điệp trở nên lan tỏa và gần gũi hơn.

Làm điều đó như thế nào?

Dưới đây là 3 trong số rất nhiều cách được các thương hiệu từng áp dụng và đã thành công:

1. Khách hàng selfie và nhận ưu đãi

Để bắt đầu tạo ra dấu ấn cho mình, SoulCycle, một thương hiệu nổi tiếng với các lớp luyện tập đạp xe trong nhà, đã phát động một chiến dịch xung quanh hashtag #NoMoExcuses.

Chiến dịch này tập trung vào việc khách hàng sẽ selfie và chia sẻ hình ảnh của họ cùng với lời xin lỗi hoặc lý do ngăn cản họ tham gia các buổi tập của SoulCycle dù đã đăng ký. Bên cạnh đó, công ty này còn tạo ra một thư viện trực tuyến, nơi tập hợp tất cả hình selfie của khách hàng, đấu giá chúng và trao cho khách hàng những phần thưởng như các khóa luyện tập miễn phí.

Chỉ trong một tháng, các bộ sưu tập ảnh selfie này đã có gần 50.000 lượt xem, có hơn 5.300 khách hàng mới đăng ký và giúp mỗi chi nhánh của SoulCycle đạt mức tăng trưởng hơn 44%.

2. Tạo ra một nơi khuyến khích mọi người selfie

Giới trẻ thích chụp hình selfie và họ sẽ luôn lùng tìm những địa điểm đẹp, những góc máy ấn tượng để thay đổi diện mạo cho tấm ảnh selfie của họ. Vì vậy, một cách khá đơn giản, hãy tạo cho khách hàng của bạn một địa điểm thật đẹp để họ có thể selfie, như cách mà những trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khách sạn lớn… thường trang hoàng lung linh mỗi dịp lễ tết.

3. Đưa ra một thông điệp, một cái cớ để selfie

Mạng xã hội là nơi kết nối nhiều mối quan hệ khác nhau của khách hàng, vì vậy, tạo ra một thông điệp cụ thể, gần gũi để khuyến khích mọi người selfie hưởng ứng là một cách khá hữu hiệu.

Năm 2013, Dove thực hiện chiến dịch truyền thông cho nhãn hiệu mỹ phẩm chăm sóc tóc Dove bằng chiến dịch Dove Selfie. Tất nhiên Dove Selfie khuyến khích mọi người selfie, với thông điệp giúp những phụ nữ tự ti về sắc đẹp cảm thấy tự tin và yêu đời hơn.

Với việc kết hợp nhiều công cụ khác như mạng xã hội, app…, Dove Selfie gây được tiếng vang lớn, khi được MMA (Hiệp hội Mobile Marketing thế giới) bình chọn là chiến lược truyền thông sử dụng các công cụ tổng hợp tiêu biểu của Việt Nam 2014, đồng thời được giải bạc MMA ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, chỉ riêng ứng dụng Dove Love Hair cũng đã có hơn 40.000 lượt tải, tiếp cận khoảng 7,9 triệu thành viên Facebook với hơn 4.000 tấm ảnh được chia sẻ…

Theo DNSG