Các doanh nghiệp đang sử dụng âm nhạc vào Marketing như thế nào?

Nếu trong những năm trước, việc sử dụng Âm nhạc trong marketing chỉ đơn giản là các đoạn nhạc quảng cáo ấn tượng, dễ nhớ để tạo dấu ấn thương hiệu trong tâm trí khách hàng, thì ngày nay, với sự bùng nổ của hàng loạt trào lưu âm nhạc trong giới trẻ, các hoạt động âm nhạc góp phần quảng bá thương hiệu ngày càng tăng đáng kể về số lượng, mức độ đa dạng về thể loại cũng như quy mô của các hoạt động.

Năm 2016 đánh dấu sự bùng nổ của việc hàng loạt thương hiệu sử dụng Âm nhạc trong các chiến dịch marketing. Âm nhạc như một phương tiện đảm bảo sự kết nối giữa thương hiệu và khách hàng, là một trong những cách tốt nhất tạo được sự chú ý của khách hàng. Hàng loạt các Music video, cuộc thi âm nhạc lớn nhỏ hay các sự kiện âm nhạc tổ chức bởi các thương hiệu xuất hiện dày đặc. Đứng trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của việc sử dụng âm nhạc trong marketing, làm sao để tận dụng hiệu quả yếu tố âm nhạc mà không bị hòa lẫn vào các hoạt động cùng loại đến từ các nhãn hàng khác đang trở thành một thử thách cho người làm thương hiệu.

Bài viết sẽ điểm qua các hoạt động sử dụng Âm nhạc như một công cụ marketing và đánh giá tổng quan hiệu quả của các hoạt động đó. Các thống kê dựa trên số liệu từ Buzzmetrics Social Listening trong 4 tháng từ tháng 7/2016 đến tháng 10/2016.

1. Music video quảng bá thương hiệu


Có thể nói năm 2016 là năm bùng nổ của những Music video quảng bá thương hiệu. Chỉ trong vòng 4 tháng từ tháng 7/2016 đến tháng 10/2016, đã có hàng chục Music video được ra mắt trên các kênh truyền thông mạng xã hội. Music video là một trong những cách tối ưu nhằm tiếp cận khách hàng trên social media bằng cách tận dụng thế mạnh của kênh truyền thông này là nội dung video. Các Music video ngày càng được trau chuốt ở phần hình ảnh kết hợp âm nhạc nhẹ nhàng, vui nhộn hay các thể loại âm nhạc được giới trẻ yêu thích như EDM, Rap tạo ra những trải nghiệm thú vị, gây ấn tượng trong tâm trí khách hàng.


Ảnh minh họa

Nhìn chung, hầu hết các Music video hiện đang tập trung sử dụng người nổi tiếng có lượng fan đông đảo và tận dụng hình ảnh của họ để thể hiện sản phẩm âm nhạc mang thông điệp của thương hiệu, hay làm nổi bật tính năng của sản phẩm. Các Music video tạo được lượng bài viết và thảo luận lớn trên social media như Keep me in love của Oppo hay Ngày bồng bềnh của Dove đều áp dụng theo cách này để thu hút được sự chú ý của những người yêu nhạc. Ngoài ra, các thương hiệu cũng có xu hướng thực hiện Music video với sự góp mặt của các thi sinh từ các show truyền hình thực tế hot nhất trong năm nay như The Face, Idol kids.

Mặc khác, một số Music video gần đây lại đi theo hướng truyền tải những giá trị đầy nhân văn về gia đình, cộng đồng, tuổi trẻ để tạo những trải nghiệm cảm xúc gắn kết khách hàng với thương hiệu, như Vươn cao Việt Nam của Vinamilk, Đường đến vinh quang của Tiger, Tôi yêu người Việt Nam này của Pepsi.

Đánh giá tổng quan hoạt động trên social media:

– Tuy phong phú về mặt số lượng và thể loại nhạc cũng như cách truyền tải thông điệp, hầu hết các Music video vẫn chưa tạo được nhiều sự thu hút lớn cho khách hàng. Nguyên nhân phần nhiều là do các thương hiệu sử dụng kênh truyền thông để lan truyền Music video chưa hiệu quả (chủ yếu tập trung trên fanpage chính thức của thương hiệu và ca sĩ thể hiện) và chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm âm nhạc của mình. Để nhiều người biết đến Music video và tăng hiệu quả lan truyền (viral), thương hiệu nên hợp tác với các fanpage giải trí có lượng fan cao như nhaccuatui.com, Zingmp3….Ngoài ra thương hiệu cũng có thể tận dụng các phương thức markteing để tăng tính tương tác giữa khách hàng với Music video như Tổ chức các minigames, đố vui có thưởng, liên tục cập nhật thông tin….

– Mặc dù những Music video của thương hiệu ngày nay được đầu tư kỹ lưỡng và hoành tráng hơn về phần nhìn nhưng phần nhạc hầu như vẫn chưa làm tốt việc ghi dấu ấn trong lòng khách hàng như các nhạc quảng cáo mấy năm về trước của Vinamilk, Honda Vietnam đã từng làm được. Bản thân bài hát là phần quan trọng lưu giữ dài lâu trong trí nhớ sau khi thưởng thức Music video, thương hiệu cần chú trọng hơn trong việc chọn những ca khúc có phần lời dễ nhớ và giai điệu nhạc bắt tai để tối ưu hóa hiệu quả của các Music video.

2. Các sự kiện âm nhạc được tổ chức bởi thương hiệu


Sự kiện âm nhạc, đặc biệt là các sự kiện âm nhạc EDM là hoạt động đóng vai trò như yếu tố tăng trải nghiệm cho khách hàng, kết nối tốt hơn về mặt cảm xúc cho người tham gia với thương hiệu. Trong 4 tháng từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2016, bên cạnh những sự kiện với sự góp mặt của các DJs lớn trong Top 100 DJ Mag đổ bộ về Việt Nam với số lượng fans tham gia đông đảo thì các sự kiện của các sao trong nước ngày càng tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình từ giới trẻ.

Bên cạnh những sự kiện chỉ thuần là âm nhạc kể trên, nhằm làm tăng giá trị trải nghiệm của người tham gia, một số thương hiệu còn tổ chức sự kiện giải trí, sự kiện thể thao, sự kiện mua sắm có kết hợp với trình diễn âm nhạc như sự kiện Closeup FA ESCAPE, Ngày hội Janus, Tiger Crystal sảng khoái -1 độ C, Bay cùng SaigonSpecial .

Đánh giá tổng quan hoạt động trên social media:

– Các sự kiện âm nhạc gần đây được tổ chức với quy mô lớn cùng sự tham gia của những người nổi tiếng trong và ngoài nước đã mang đến những trải nghiệm âm nhạc đáng nhớ cho người tham gia. Bên cạnh đó, các thương hiệu giờ đây đang ngày càng chủ động hơn trong việc quảng bá cho sự kiện âm nhạc của mình bằng nhiều phương thức marketing trên social media như: Tổ chức các minigames/sự kiện săn vé xem show; Thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin; Live stream Facebook trực tiếp về sự kiện…

3. Các cuộc thi cover bài hát hoặc điệu nhảy của thương hiệu


Năm 2016 cũng là năm bùng nổ các Trào lưu hát, nhảy cover tại Việt Nam, một dạng trào lưu không phải quá mới nhưng đã thật sự trở thành xu hướng trong năm nay. Việc tổ chức các cuộc thi cover những bài hát, đặc biệt là những bài hát mang dấu ấn thương hiệu là một phương thức tốt nhằm làm gia tăng sự nhận diện thương hiệu. Các cuộc thi hầu hết được tổ chức với quy mô nhỏ trên các kênh truyền thông mạng xã hội, tạo điều kiện cho những người yêu ca hát thỏa mãn đam mê âm nhạc và thể hiện bản thân qua việc chia sẻ các đoạn clip, audio dự thi.

Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2016, rất nhiều thương hiệu đã tận dụng trào lưu cover để tổ chức các cuộc thi trên mạng xã hội. Nổi bật là cuộc thi thần tượng Richoco với giải thưởng giá trị lên đến 60 triệu và cơ hội quay clip cùng Jun 365.

Đánh giá tổng quan hoạt động trên social media:

– Dù tận dụng các trào lưu cover và trào lưu nhảy phổ biến trên mạng xã hội thời gian gần đây, các cuộc thi dạng này nhìn chung chưa tạo được nhiều sự quan tâm thảo luận tìm hiểu và tham gia, đặc biệt là các cuộc thi cover dance. Có thể nhận thấy lí do chính mà các cuộc thi cover dance chưa tạo được nhiều sức hút là do các điệu nhảy còn phức tạp hoặc chưa đủ độ bắt mắt để thu hút người khác thích thú bắt chước nhảy theo. Ngoài ra, điểm hạn chế chung của các hầu hết các cuộc thi cover gần đây là giải thưởng không đủ hấp dẫn người chơi tham gia.

4. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc tổ chức bởi thương hiệu


Cùng với sự bùng nổ của các show truyền hình thực tế thời gian gần đây, format cuộc thi tìm kiếm tài năng với những giám khảo hay huấn luyện viên có uy tín trong âm nhạc ngày càng thu hút giới trẻ tham gia. Các cuộc thi này không những mang đến cơ hội để thể hiện tài năng, khẳng định bản thân mà còn mở ra những cơ hội mới trong con đường hoạt động âm nhạc của nhiều thí sinh.

Các cuộc thi tìm kiếm tài năng là những hoạt động kéo dài trong nhiều tháng, đòi hỏi thương hiệu phải đầu tư nhiều kinh phí, thời gian thực hiện. Do đó, các thương hiệu phải lựa chọn thật kỹ lưỡng về thể loại âm nhạc và giám khảo, huấn luyện viên sao cho phù hợp với định vị thương hiệu, với đối tượng khách hàng.

Đánh giá tổng quan hoạt động trên social media

– Trong thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 10/2016, nếu cuộc thi “BeU+ with Honda – Khơi nguồn ước mơ” và cuộc thi tìm kiếm nhóm nhạc tài năng Hello Yellow được quảng bá một cách liên tục và tạo được tương tác cao trên mạng xã hội thì 2 cuộc thi còn lại là Mobifone Music Contest và Central’s got Talent by Huda không thu hút nhiều bài viết và thảo luận trên báo điện tử và mạng xã hội. Việc liên tục cập nhật hình ảnh, thông tin diễn biến cuộc thi cũng như tận dụng các tactics như minigame dự đoán người thắng cuộc, live stream giao lưu trực tiếp cùng giảm khảo hay huấn luyện viên…. góp phần rất quan trọng trong việc tăng hiệu quả hoạt động trên social media của các cuộc thi tìm kiếm tài năng hiện nay.

5. Các buổi Fan meeting, Liveshow của ca sĩ nổi tiếng được đồng hành bởi thương hiệu


Có thể nói chưa bao giờ hoạt động của các fan club của các ca sĩ trẻ nổi tiếng tại Việt Nam trở nên mạnh mẽ như hiện nay. Sự phát triển của mạng xã hội, báo điện tử, các show truyền hình giải trí…tạo điều kiện cho các ca sĩ tiếp cận, giao lưu nhiều hơn với người hâm mộ đồng thời gia tăng sự yêu thích và trung thành của người hâm mộ. Do đó, Liveshow hay fan meeting ngày càng nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực từ các fan hơn bao giờ hết. Các sự kiện này trở thành những hoạt động giúp thương hiệu có cơ hội đồng hành với khách hàng trải nghiệm cảm xúc đáng nhớ đồng thời gia tăng sự gắn kết tình yêu âm nhạc với tình yêu dành cho thương hiệu.

Đông Nhi, Sơn Tùng là những ca sĩ được các thương hiệu “chọn mặt gửi vàng” nhờ sở hữu lượng fan đông đảo nhất Việt Nam.

Tạm kết


Có thể thấy ngày càng có nhiều thương hiệu lựa chọn Âm nhạc như một công cụ marketing để kết nối với người dùng, do đó, để chiến dịch truyền thông cũng như hình ảnh thương hiệu tạo được dấu ấn trong tâm trí khách hàng đòi hỏi những nhà làm thương hiệu phải đưa ra những hoạt động thực sự hấp dẫn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ. Bên cạnh âm nhạc, thể thao, điện ảnh, thời trang cũng là những lĩnh vực hấp dẫn mà các thương hiệu có thể áp dụng khai thác để áp dụng cho các chiến lược xây dựng thương hiệu và tăng độ tương tác với khách hàng.

Theo Buzzmetrics