Tận mắt chứng kiến về giáo dục mầm non Nhật Bản, tôi không khó hiểu lắm khi thấy đất nước mặt trời mọc này lại đầy những con người phi thường, dù trong chiến tranh, trong phát triển kinh tế, hay cả trong những thảm họa thiên tai khủng khiếp như động đất, sóng thần, họ vẫn thể hiện một tinh thần vô cùng Nhật Bản.
Nếu bé tự mày mò và phát hiện ra rằng màu xanh da trời trộn với màu vàng sẽ thành màu xanh lá cây, bé sẽ nhớ rất lâu.
Chơi để học và học qua chơi
Cô giáo chủ nhiệm lớp Usagi-gumi giải thích với tôi, quan điểm cơ bản của giáo dục Nhật Bản là: “Tạo điều kiện tối đa để trẻ tự trải nghiệm và khám phá”. Cách tiếp nhận kiến thức của trẻ không giống như người lớn.
Người trưởng thành có học bằng cách đọc sách, hoặc nghe người khác giảng giải lại là có thể hiểu và nắm vững vấn đề, còn trẻ em thì không học như vậy. Trẻ không khám phá thế giới bằng sách vở, mà bằng chính những điều các em trải qua.
Trẻ có thể học thuộc lòng “hạt nẩy mầm thành chồi, chồi lớn thành cây, cây ra nụ, nụ nở thành hoa…”, nhưng chỉ là học thuộc lòng thôi, chứ không phải thật sự hiểu.
“Nếu bé tự mày mò và phát hiện ra rằng màu xanh da trời trộn với màu vàng sẽ thành màu xanh lá cây, bé sẽ nhớ rất lâu” – cô chia sẻ.
Vì vậy, các cô luôn cố gắng nói ít nhất có thể, và tạo điều kiện cho các bé tự trải nghiệm. Một đứa trẻ tự mình khám phá ra rằng gõ 2 thanh kim loại vào nhau sẽ phát ra tiếng động, dù đó là điều ai cũng biết cả rồi nhưng với trẻ thì sự kiện đó cũng giống hệt như Edison phát minh ra bóng đèn vậy. Trẻ sẽ học được rất nhiều từ đó.
5 mục tiêu của trường mầm mon
Theo cô hiệu trưởng, một trong những điều rất quan trọng một trường mầm non cần làm được, đó là tạo ra một môi trường đủ phong phú cho trẻ trải nghiệm, từ cỏ cây, hoa lá, bãi cát, sân chơi, các trò chơi dân gian, đồ thủ công, màu vẽ… Những hoạt động vui chơi hàng ngày, cũng chính là những lớp học về thế giới bên ngoài dành cho trẻ.
Môi trường mà các trường mầm non Nhật Bản tạo ra không chỉ là “môi trường” về cơ sở vật chất, mà còn là môi trường tương tác giữa trẻ em với trẻ em, và giữa trẻ em với các cô giáo.
Các bé được khuyến khích chơi cùng nhau, khi thấy có bé nào chơi một mình thì các cô giáo sẽ ra hỏi chuyện và tìm cách giúp bé hòa nhập vào một nhóm nào đó
Khi giữa các bé có xích mích – chuyện không thể tránh khỏi khi trẻ em chơi với nhau, đây cũng là lúc các cô giáo sẽ ra tay, nhưng không phải làm trọng tài phân xử “đúng-sai”, không có ai đúng, không có ai sai, cả hai phía đều phải nhìn lại xem mình đã có lỗi gì và xin lỗi bạn, sau đó ra dấu làm hòa.
Mới ít phút trước còn giận dỗi nhau là thế, vậy mà chỉ ít phút sau các bé đã nắm tay nhau, cười thật tươi và tiếp tục cùng nhau khám phá thế giới.
Không chỉ có vậy, nhà trường còn tổ chức rất nhiều các hoạt động tập thể, để các bé có cơ hội chơi đùa với nhau, hoặc cùng nhau nỗ lực, cố gắng vượt qua một thử thách trong trò chơi. Một tuần trung bình có từ 2-3 hoạt động như vậy.
Tôi nhận ra rằng, trẻ em Nhật Bản được học cách ứng xử, đối nhân xử thế ngay từ khi các bé học trong trường mẫu giáo. Những chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa của dân tộc được các cô giáo khéo léo truyền cho trẻ từng chút một thông qua các hoạt động hàng ngày.
Các trường mầm non Nhật Bản luôn cố gắng tạo cho trẻ môi trường tốt nhất để đạt được 5 mục tiêu chính sau: Trẻ có tâm hồn phong phú; trẻ khỏe mạnh; trẻ hòa nhập và có nhiều bạn thân; trẻ chịu khó suy nghĩ; trẻ luôn cố gắng và nỗ lực.
Hãy để bé tự làm
Khi tôi kể rằng trẻ em Việt Nam dù học cấp I rồi nhưng vẫn còn nhiều bé được bố mẹ hoặc cô giáo xúc cho ăn, mặc quần áo hộ, lần này đến lượt cô hiệu trưởng tròn mắt ngạc nhiên.
Cô hiệu trưởng giải thích rằng, trẻ em khi mới bắt đầu tập làm một việc gì đó thì không thể làm tốt ngay được, không chỉ trẻ em Việt Nam mà trẻ em Nhật Bản cũng như vậy. Như việc mặc áo, lúc đầu các bé mặc rất chậm, xỏ nhầm tay, cài nhầm khuy suốt, nhưng rồi cứ làm nhiều thì các bé dần biết cách làm, làm nhanh hơn và chính xác hơn.
Hoặc đôi khi các bé đánh đổ những hạt đỗ, hạt vừng (dùng để chơi) vương vãi khắp lớp học, để dọn những thứ này đòi hỏi phải có sự khéo léo trong việc sử dụng chổi, nên bình thường dù các bé có quét đi quét lại vài lần cũng không sạch được. Và bao giờ sau khi các bé ra về hết, các cô giáo cũng phải dọn dẹp và sắp xếp lại lớp học một lần nữa.
“Nhưng chúng tôi vẫn cho các bé làm, làm không phải để dọn sạch lớp, làm là để rèn thói quen sạch sẽ, rèn tính cách tự giác cho trẻ.” – cô hiệu trưởng chia sẻ.
Một lớp học mẫu giáo công lập của Nhật Bản có thể lên tới 30 trẻ, nhưng chỉ có duy nhất một cô giáo. Nhưng tôi chưa từng thấy các cô giáo phải gào lên hay gồng mình để quản các bé, bởi vì các bé rất tự giác.
Trẻ em ở Nhật Bản chỉ đến trường từ 9h sáng đến 2h chiều, 5 buổi 1 tuần, tức là chỉ khoảng 25h/tuần, thời gian các bé ở bên gia đình nhiều hơn thời gian bé ở trường tới 7 lần. Chính vì vậy, bố mẹ đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển và định hình tính cách của trẻ.
“Ở trường chúng tôi có thể dạy trẻ cố gắng tự lập, giữ gìn vệ sinh, chấp hành luật giao thông… nhưng khi về nhà nếu bố mẹ lại làm ngược lại thì tất cả những điều trên sẽ trở thành vô nghĩa.” – Cô hiệu trưởng nói.
Dù các cô giáo có nỗ lực đến mấy để dạy trẻ đi đúng luật giao thông, nhưng khi đưa trẻ đi chơi bố mẹ lại vượt đèn đỏ thì trẻ cũng sẽ không chấp hành luật giao thông. Hoặc trong việc dạy trẻ tự lập, ở lớp các cô giáo cố gắng rèn thói quen cho trẻ biết dọn dẹp khi thấy bừa bãi, nhưng về nhà bố mẹ lại làm hộ thì trẻ cũng không hình thành được ý thức tự giác.
Để việc nuôi dạy trẻ đạt hiệu quả tốt hơn từ phía gia đình, các cô giáo thường xuyên có các buổi trao đổi và chia sẻ với phụ huynh về cách nuôi dạy con.
Các ông bố bà mẹ người Nhật cũng rất “nghe lời” cô giáo: “Về kinh tế hay kế toán thì tôi rất tự tin, nhưng về việc nuôi dạy trẻ thì tôi lại chẳng biết gì, nên tôi luôn cố gắng làm theo hướng dẫn của các cô giáo – những người có chuyên môn về việc này” – một người mẹ cho biết.
Theo Trẻ khóc đêm