Dạy trẻ có trách nhiệm với tiền bạc

Không phải để lúc lớn mới đề cập đến chuyện này, ngay từ lúc nhỏ, cha mẹ hãy giáo dục trẻ sớm biết và hiểu về kiếm tiền – tiêu tiền – tiết kiệm. Như vậy, bé sẽ tập làm quen với quản lý tiền bạc tốt hơn cho sau này! Ðể học cách sử dụng đồng tiền, dĩ nhiên, chúng phải có tiền. Do đó cha mẹ phải đặt định những quy tắc cho phép con em có tiền. 

Một trong những phương cách ấy là cho tiền hàng tuần (allowance) khi các em thi hành một số công việc gì. Nhưng cần phải thực tế về số tiền cho. Cha mẹ phải cẩn thận, đừng dùng quá khứ của mình để đặt định số tiền cho con cái.


Nếu bạn dạy con biết trách nhiệm tài chánh, bài học đó sẽ kéo dài cả đời.”

Một đề nghị khác: Con cái càng nhỏ, quãng thời gian cho tiền càng ngắn. Bắt đầu bằng việc cho tiền hàng tuần, nhưng khi con cái ở tuổi thiếu niên , kéo dài quãng thời gian ấy ra cứ hai tuần một lần hay mỗi tháng một lần. Ðiều đó dạy chúng cách tính toán việc chi tiêu và bù đắp sự thiếu hụt.

Con cái cũng có thể kiếm thêm tiền bằng cách làm công việc nhà. Thí dụ, với đứa con 6 tuổi, bạn đề ra công việc nhặt rác sau vườn. Cứ một mảnh rác là được 5 xu. Với những em lớn hơn, bạn có thể đặt số tiền nhất định cho công việc rửa xe, trông em, hay quét dọn nhà để xe.

Các em cần biết rằng chúng không thể luôn luôn có được điều chúng muốn nếu không tự kiếm ra tiện Nếu chúng mua sắm với số tiền tự chúng kiếm được, chúng sẽ học được cách quý trọng món đồ đó.

Khuyến khích con em đề ra một mục tiêu tài chánh sẽ giúp các em có trách nhiệm kiếm tiền. 

Thí dụ, đứa con 6 tuổi của bạn muốn nuôi một con thỏ, trị giá 30 ngàn. Hàng tuần em được 1,5 ngàn, thì sẽ phải mất đến 20 tuần. Nhưng em có thể rút ngắn thời gian bằng cách làm thêm công việc nhà. Tuy nhiên, nếu tính thêm tiền mua chuồng và thức ăn cho con thỏ thì có lẽ em sẽ bỏ cuộc. Bởi vậy, để khuyến khích một đứa trẻ 6 tuổi, có lẽ bạn cũng phải hy sinh một món tiền nào đó.

Dĩ nhiên, bạn không muốn con cái chi tiêu tất cả những tiền kiếm được; chúng cũng phải học cách tiết kiệm.

Hãy trân trọng tiền của mình và chia sẻ sự trân trọng đó với con: Nếu bạn cúi xuống để nhặt một đồng xu nhỏ, con bạn sẽ học được rằng ngay cả những đồng xu có giá trị nhỏ nhất cũng có thể tích cóp thành một kho tàng. Nếu xem xét cẩn thận giá cả của món hàng cần mua thay vì mua ngay lập tức, bạn sẽ dần dần truyền cho con mình tính biết trân trọng đồng tiền. Nếu bạn đếm cẩn thận số tiền lẻ được trả lại thay vì nhét đại vào ví, con bạn sẽ học được cách sử dụng những đồng tiền chúng có được một cách thận trọng hơn.

Để cho trẻ tự quyết định về tiền của chúng từ khi còn nhỏ: Với một số gia đình, phần tiền trợ cấp hằng tháng được giao cho trẻ một lần là cách đơn giản nhất để tránh khỏi phải đưa lắt nhắt. Nhưng nếu bạn tính toán lại và phân chia ngân sách rõ ràng cho con như tiền học, tiền ăn, tiền xe… bạn có thể sẽ dư ra một khoản nào đó nếu có suy xét thận trọng. Tùy thuộc vào lứa tuổi của con bạn để quyết định có nên cho chúng thêm một ít vào khoản tiền hằng tháng hay không để chúng tự quyết định chi tiêu cho những vấn đề lớn.

Cho con tự lựa chọn vấn đề chi tiêu: Ví dụ bạn có thể khuyên con việc lựa chọn mua món hàng nào có lợi, hoặc giúp chúng để dành khoản tiền thừa mỗi tháng gửi vào ngân hàng và cho con biết chi tiết về khoản tiền lời mà chúng có thể có được. Đó cũng là một cách giáo dục trẻ tuyệt vời đó!

Dạy cho trẻ hiểu về mối liên hệ giữa công việc và tiền lương: Sẽ không phải là quá sớm nếu bạn dạy cho con biết được những khoản chi tiêu trong gia đình là do những giờ làm việc của bạn mà có. Hãy tính cho trẻ xem mỗi giờ làm việc bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền, và mỗi giờ bạn phải chi tiêu bao nhiêu cho gia đình.

Khi con bạn ở một lứa tuổi thích hợp, hãy khuyến khích chúng đăng ký làm việc để tích lũy kinh nghiệm: Có thể bắt đầu bằng những công việc đơn giản và thích hợp và hãy để cho con bạn toàn bộ số tiền mà chúng kiếm được. Hãy khuyên chúng cách thức đầu tư số tiền đó.

Tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường để rèn luyện tính tự lập và tinh thần lao động như trồng cây, kế hoạch nhỏ gây quỹ… Việc này nhằm rèn luyện cho trẻ tinh thần cộng đồng, làm quen với môi trường làm việc.

Nhưng nếu con cái muốn mua một món đồ đắt tiền hơn số tiền chúng có thì sao? Ðây là cơ hội tốt để dạy chúng biết về cách mua chịu (credit). Thí dụ, tiền được cho hàng tuần của chúng là 10 ngàn. Hãy cho chúng cả số tiền của tuần tới, nhưng chỉ cho 9 ngàn thôi, và giải thích cho chúng biết 1ngàn đồng đó là để trả tiền lời và tiền phí tổn. Mười phần trăm có vẻ quá đáng, nhưng sẽ dạy chúng bài học giá trị về vấn đề mua chịu.

Thật quan trọng để dạy con về trách nhiệm tài chánh, nhưng phải ở mức độ chúng có thể hiểu được. Khi chúng còn nhỏ, hãy bắt đầu với giá trị của tiền cắc, tiền đồng. Khi chúng lớn hơn, hãy cho chúng cơ hội kiếm tiền, đề ra mục tiêu, và lựa chọn. Khi chúng là các thiếu niên, hãy tập cho chúng quen với các ý niệm về lợi tức tích lũy, đầu tư, và sự rủi ro. Nếu bạn không biết nhiều về cách đầu tư, hãy cùng với con cái học hỏi về cổ phần, cổ phiếu qua sách vở, hay theo dõi những chương trình đầu tư, hoặc ngay cả tham dự các lớp học. Hãy biến điều đó thành một chương trình cho cả gia đình và mọi người đều có lợi.

Quản lý tài chính không phải là chuyện của người lớn, khi các bé biết cầm những đồng tiền đầu tiên bạn cho và tiêu nó, thì cũng là lúc bạn cho bé biết và giáo dục trẻ về chuyện tiền bạc! Bằng các câu chuyện hay cá hoạt động, bé yêu của bạn sẽ sớm nhận ra các vấn đề này!

Theo Tài chính của tôi