Xây dựng và hình thành văn hóa đọc cho học sinh trong điều kiện lớp trẻ, có một “thế hệ ngón cái” chỉ quen với điện thoại di động, với máy tính và dùng máy tính để tra cứu thông tin, tải tài liệu cũng như có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn đòi hỏi hoạt động thư viện phải có nhiều đổi mới.
Để sách gần hơn với học sinh
Ba năm trở lại đây, Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) đã xây dựng thư viện xanh ngay tại sân trường nhằm thu hút HS đọc sách một cách thuận tiện, thân thiện.
“Từ chỗ diện tích của thư viện nhà trường quá nhỏ, không đảm bảo chỗ ngồi để phục vụ bạn đọc là HS trong giờ ra chơi, nhiều em đã phải đứng đọc sách hoặc đem sách ra khỏi thư viện để đọc.
Chúng tôi nhận thấy sự ham đọc sách đó của HS và xác định thư viện trường học là môi trường khơi gợi, nhân rộng phong trào đọc sách, báo cho các em, góp phần đưa văn hóa đọc phát triển sâu rộng.
Chính vì vậy, từ sự hỗ trợ nguồn lực của Hội cha mẹ phụ huynh HS, nhà trường đã xây dựng các tủ sách đặt ngoài trời, thiết kế và bố trí khu vực ghế ngồi, nơi đọc để mỗi giờ ra chơi, HS không còn phải chen lấn nhau trong thư viện mà có thể tìm cho mình một nơi mát mẻ dưới gốc cây để đọc sách” – Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng, cho biết.
Từ ngày có thư viện xanh, số lượng HS trường Kim Đồng tham gia đọc sách đông hơn, giờ ra chơi, hình ảnh HS đùa nghịch chạy giỡn hay chúi đầu vào điện thoại đã được thay thế bằng hình ảnh các em ngồi đọc sách hoặc chơi các môn thể thao.
Mô hình thư viện xanh cũng được Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) áp dụng để chủ động đưa sách đến gần hơn với HS.
Cô Phạm Thị Trang – Phó Hiệu trưởng – kể: “Giờ ra chơi, ngay trên sân trường, chỉ cần với tay là các em có thể chọn được những cuốn sách, cuốn truyện ưng ý, phù hợp với lứa tuổi để đọc tại chỗ và tự quản lẫn nhau.
Hết giờ ra chơi, các bạn lại tự giác sắp xếp, đem sách, truyện trả lại vị trí cũ. Để tránh nhàm chán, hàng tuần, cán bộ thư viện đều tiến hành luân chuyển sách, truyện để cho HS có điều kiện được đọc nhiều quyển sách, truyện hơn”.
Ngoài mô hình thư viện xanh tại sân trường, Trường Tiểu học Phù Đổng còn trang bị góc thư viện ngay trong mỗi lớp học, gọi là “Thư viện lớp em”. “Thư viện lớp em” có thủ thư riêng do lớp bầu chọn, nội quy tủ sách do chính các em cùng tham gia quản lý.
Tủ sách ở các lớp được thầy cô giáo và HS trang trí đẹp, với hình dạng ngộ nghĩnh, có thể tận dụng góc hành lang hay góc lớp để đặt. “Có những em từ hỗ không ham mê đọc sách, nhưng được các bạn đã đọc kể cho nghe hoặc được cô giáo giới thiệu sách vào giờ sinh hoạt lớp, dần dần các em tự tìm đến sách” – Cô Trang cho biết.
Hằng tháng, các em HS trong lớp tự đổi sách cho nhau và các lớp trong trường đổi tủ sách cho nhau. Các em là người tự quản lý, bảo vệ tủ sách, luôn có trách nhiệm giữ gìn sách và thực hiện quyên góp thường xuyên để làm tăng số lượng sách trong tủ sách.
Ngoài thư viện truyền thống, mô hình thư viện điện tử cũng được Phòng GD&ĐT Hải Châu triển khai từ đầu năm học 2016 – 2017. Như trường THCS Kim Đồng đã trang bị 20 máy chiếu/20 phòng học từ nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh.
“HS có thể tìm đọc sách tại lớp trên tang thư viện điện tử trong giờ học, giờ sinh hoạt lớp; GV thông qua việc truy cập vào thư viện điện tử có thể giới thiệu cho HS những quyển sách tham khảo liên quan đến môn học, đến bài giảng ngay trong giờ học của mình. Như vậy vừa giúp HS hứng thú với môn học vừa tạo cho các em thói quen tra cứu thông tin qua sách báo hoặc qua mạng internet”.
Đến nay, toàn bộ HS của 30 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn quận Hải Châu đã được cấp mã đăng nhập để các em tự truy cập à tìm đọc sách trên trang điện tử của Phòng GD&ĐT Hải Châu với khoảng 600 đầu sách Ebook.
Ngày hội tặng sách
Để tăng thêm sự phong phú về nguồn sách cho thư viện nhà trường, ngoài việc trang bị, bổ sung hằng năm, trường Tiểu học Phù Đổng còn phát động phong trào “Góp một quyển sách được đọc mười quyển sách” trong HS toàn trường.
Nhờ vậy, năm 2015 – 2016, thư viện nhà trường đã vận động quyên góp được gần 2.000 quyển sách thiếu nhi các loại, làm phong phú nguồn sách và việc thực hiện tủ sách ngoài trời gặp nhiều thuận lợi.
Phong trào quyên góp SGK, sách truyện trong phụ huynh và HS cũng được Trường THCS Kim Đồng duy trì và phát triển tốt.
“Với nguồn sách được ủng hộ, chúng tôi để dành một phần để ủng hộ cho HS các vùng khó khăn, gặp thiên tai bão lũ, một phần để dành tặng cho HS nghèo trong trường nhằm giúp các em không phải “học chay”, phần lớn còn lại là để tăng nguồn sách cho thư viện, tạo sự phong phú đa dạng về đầu sách, đây cũng chính là một hình thức luân chuyển sách trong học sinh, tạo điều kiện cho các em đọc nhiều loại sách khác nhau” – Cô Nguyễn Thị Minh cho biết.
Với Ngày hội tặng sách, năm học 2014 – 2015, Trường THCS Kim Đồng nhận được hơn 800 bản sách với giá trị hơn 34 triệu đồng từ nguồn ủng hộ của phụ huynh; trong đó có nhiều bản sách quý, giá trị lớn.
Hội phụ huynh các lớp cũng đầu tư 5 tủ sách thân thiện đặt trong sân trường và thường xuyên mở cửa cho các em đọc sách. Năm học 2015 – 2016, thư viện tiếp tục được ủng hộ 670 bản sách với tổng trị giá hơn 47 triệu; số lượng sách nhận được trong năm học này là gần 700 bản với tổng giá trị khoảng 40 triệu đồng.
Ngày hội tặng sách, cùng với Ngày hội đọc sách trở thành; một hoạt động định kỳ trong trường phổ thông những năm gần được xem như là một phương cách góp phần hình thành văn hóa đọc cho học sinh.
Đọc sách, ngoài việc giúp trau dồi kiến thức khoa học, xã hội cho học sinh, còn là một cách để rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ – một kỹ năng quan trọng cho dù sau này học sinh học tập, làm việc ở lĩnh vực nào đi nữa.
Chính vì vậy, bên cạnh những nỗ lực xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung nguồn sách, cần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh. Khi học sinh say mê đọc, chủ động tìm đến sách thì mới có thể phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện.
Xây dựng thư viện thân thiện, vì thế, là một kênh giúp nhà trường cùng với gia đình góp phần hình thành văn hóa đọc cho HS.
Theo Giáo dục và Thời đại