3 lý do chủ doanh nghiệp không nên mặc cả với các chuyên gia

Dù thắt chặt hầu bao là điều cần thiết trong kinh doanh nhưng hành động cố gắng “mặc cả” (trả giá) có thể gây mất niềm tin nơi đối tác.


Ảnh minh họa
Trong bài viết mới đây trên trang Inc.com, Erick Sherman – cây bút quen thuộc trên The Wall Street Journal, The New York Times Magazine, Fortune, Forbes đã chỉ ra 3 lý do chủ doanh nghiệp không nên mặc cả với các chuyên gia, đặc biệt là những người làm nghề tự do (freelancer), nhà thầu…

Gây mất niềm tin

Một trong những ví dụ điển hình cho thói quen mặc cả là khi chủ doanh nghiệp muốn chuyên gia tiếp tục làm thêm vài thứ sau khi đã kết thúc công việc, mà không trả thêm bất kỳ chi phí nào. Họ cho rằng mình thật thông minh khi vừa tìm đúng người đúng việc lại tiết kiệm một khoản lớn cho công ty mà không biết cách nghĩ này hoàn toàn thiếu thực tế và không đúng với đạo đức nghề nghiệp.

Sẽ có một số người biện hộ: “Nếu họ (các chuyên gia) chấp nhận làm việc với mức giá ban đầu thì họ sẽ ngầm hiểu các công việc sau này cũng có giá tương tự như vậy”. Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng chấp nhận điều đó. Có khá nhiều người, vì đam mê hay muốn tích lũy kinh nghiệm nên chấp nhận làm việc không lương vào thời gian đầu. Sau khi tích lũy đủ kỹ năng cần thiết, họ sẽ tự định giá bản thân dựa trên năng lực làm việc. Do đó, nếu muốn tiếp tục làm việc với họ, bạn nên đưa ra thỏa thuận mới hoặc ít nhất không nên mặc cả dựa trên lần hợp tác trước đó.

Trong trường hợp hai bên đồng ý thương lượng , bạn có thể phân tích sai sót, chỉ ra khuyết điểm của họ nhằm mục đích giảm giá. Cách cư xử này khá phổ biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo Sherman, dù bằng cách nào, bạn cũng đừng khiến họ có cảm giác bị lừa (khi chứng kiến đối phương tìm mọi cách để trả ít tiền hơn) rồi bất mãn bỏ đi.

Bên cạnh đó, bạn không nên lúc nào cũng áp dụng hình thức trả lương theo giờ làm, bởi có những công việc (như thiết kế, lập trình…) đòi hỏi nhân viên phải dành toàn bộ thời gian, thay vì vài giờ, cho nó. Thay vào đó, bạn nên đánh giá dựa trên chất lượng công việc hoặc tính toán đến mọi chi phí liên quan. Giống như trong kinh doanh, bạn không thể bán một sản phẩm nếu chỉ dựa trên chi phí sản xuất mà phải nghĩ đến lương nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ, cùng nhiều chi phí khác của doanh nghiệp.

Ảnh hưởng chất lượng công việc

Trong một vài trường hợp bất khả kháng (công ty thiếu tiền, xảy ra khủng hoảng), đối tác vẫn đồng ý với mọi điều khoản giảm giá bạn đưa ra nhưng lúc tiến hành công việc, họ làm việc qua loa và không dành nhiều thời gian, công sức như dự định. Điều này ảnh hưởng rõ rệt tới chất lượng công việc.

Ngoài ra, những người làm việc chuyên nghiệp sẽ không muốn tiếp tục hợp tác với bạn trong tương lai, không chỉ bởi cách làm việc mà còn do lo ngại về sức khỏe tài chính của công ty. Vậy nên đừng hà tiện với những thứ sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho công ty.

Nguy cơ mất mối quan hệ

Nếu có dịp, bạn hãy thử tham gia một buổi trò chuyện giữa các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp – bất kể đó là nhà thiết kế, lập trình viên, nhà văn, nghệ sĩ, thợ mộc, thợ điện,… – nói về khách hàng và những yêu cầu của họ trong công việc. “Bạn sẽ sớm nhận ra chủ đề thường xoay quanh những đòi hỏi ngớ ngẩn của khách hàng đi kèm với những tràng cười chế nhạo của các chuyên gia”, Sherman cho biết.

Việc mặc cả với chuyên gia có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền cho công ty nhưng lại đóng mất cánh cửa giao lưu với những người giỏi trong lĩnh vực đó – những người quen hưởng mức lương cao ở những nơi khác.

Việc trả nhiều tiền hơn cho ai đó không có nghĩa bạn đề cao năng lực hay tính chuyên nghiệp của họ. Nhưng việc trả ít hơn hầu như chắc chắn sẽ không cải thiện được chất lượng công việc và điều đó chỉ gây bất lợi cho công ty bạn mà thôi.

Theo DNSG