Với những kết quả mà Mô hình Trường học mới đem lại, năm học 2016 – 2017, dự án kết thúc, Thanh Hóa vẫn chỉ đạo các trường trên tiếp tục triển khai dạy học theo VNEN.
Niềm tin về sự thành công
Năm học 2015 – 2016, Thanh Hóa có 92/722 trường tiểu học trong toàn tỉnh tham gia VNEN, trong đó có 91 trường được dự án hỗ trợ, 1 trường mở rộng; 15 trường thuộc xã đặc biệt khó khăn; 46 trường khu vực miền núi.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Mô hình VNEN được triển khai tại Thanh Hóa từ 2012 – 2013 đến nay vừa tròn 4 năm học. Thời gian đầu, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, thách thức với phương pháp dạy học hoàn toàn mới. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đã dần được khắc phục, các hoạt động dự án dần đi vào nền nếp, giáo viên và HS tự tin hơn vào cách dạy và học mô hình mới.
HS có những chuyển biến đáng kể, không chỉ các em tự tìm tòi, khám phá để chủ động chiếm lĩnh kiến thức một cách vững chắc mà nhiều kỹ năng sống quan trọng được hình thành như kỹ năng hợp tác, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng trình bày trước đám đông, kỹ năng tổ chức các hoạt động… các em mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều. Đặc biệt, đối với các HS dân tộc vốn e dè, nhút nhát đã có sự chuyển biến hiệu quả.
Mô hình VNEN đã thay đổi môi trường lớp học. Tại tất cả các lớp học VNEN đều được trưng bày các góc học tập, sắp xếp bàn ghế theo nhóm và công cụ trong lớp học được sử dụng tương đối hiệu quả. Cách sắp xếp nhóm học tập, các công cụ trong lớp học được làm từ bàn tay của các thầy cô giáo, phụ huynh và HS đã tạo nên một môi trường học tập thân thiện, gần gũi với học sinh. Việc tổ chức lớp học chính là nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hiệu quả, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho HS.
Cần sự đồng thuận của cộng đồng
Mô hình Trường học mới VNEN đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng vừa là một lực lượng tham gia giáo dục vừa là nơi các em thực hiện các kỹ năng và vận dụng kiến thức trong cuộc sống. Huy động cộng đồng tham gia xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng góc cộng đồng, tổ chức lớp học.
Cộng đồng còn tham gia đánh giá HS, tham gia các hoạt động giáo dục, kiểm nghiệm kết quả GD của các em sau tiếp nhận từ nhà trường. Đặc biệt, cha mẹ HS phải cùng tham gia hoạt động học tập của con em, tham gia nhận xét về kết quả GD của con em, chia sẻ kinh nghiệm dạy con cái…
Cô Trần Thị Đềm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Ngọc (huyện Hoằng Hóa) – cho biết: Toàn trường có 441 HS. Trên cơ sở thành công từ những năm thí điểm, giáo viên và HS đã quen với phương pháp dạy học mới này, việc tiếp tục thực hiện dạy học theo Mô hình Trường học mới không còn khó khăn.
Tuy nhiên, khó khăn cần khắc phục là cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Phòng học nhỏ với diện tích khoảng 48m2 và có 35 học sinh/lớp khiến hoạt động dạy học của giáo viên còn vất vả. Bên cạnh đó, nhà trường cũng gặp khó khăn khi không còn nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc trang trí lớp học.
Trên cơ sở của năm trước giữ lại, nhà trường phải huy động nguồn xã hội hóa từ phụ huynh, cộng đồng; khuyến khích giáo viên, HS và phụ huynh cùng đầu tư thời gian, công sức tham gia trang trí lớp học, tạo sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình. Riêng bộ SGK theo chương trình học VNEN, nhà trường tổ chức cho HS mượn sách của thư viện nhà trường, đảm bảo HS nào cũng có đủ sách học, đồng thời hướng dẫn các em giữ gìn sách cẩn thận cho những năm sau.
Theo Giáo dục và Thời đại