Chứng khoán Việt Nam có còn rẻ so với khu vực?

Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, ngày 23/9, chỉ số VN-Index tăng 2,71 điểm (0.4%) lên 674,09 điểm, tăng hơn 30% so với đầu năm với thanh khoản được cải thiện, chỉ số P/E của VN-Index chốt phiên ở mức 16,49 – cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Như vậy câu hỏi được đặt ra là thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liệu có còn quá rẻ so với các nước trong khu vực? 

Ảnh minh họa

Tăng trưởng khá

Nền kinh tế đang hồi phục đã hỗ trợ VN-Index tăng điểm khá. Một số doanh nghiệp niêm yết cải thiện rõ rệt về kết quả kinh doanh, lợi nhuận dao động từ 500 tỷ đồng như SSI đến gần 6.000 tỷ đồng như VNM.

Tiêu biểu là nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ tăng 81,17%, ngành y tế tăng 74%, ngành hàng cá nhân và gia dụng tăng 64%, xây dựng và vật liệu tăng 60%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí giảm 19,7%, ngành dịch vụ tài chính giảm 13,24%, ngành ngân hàng giảm 9,8%.

Như vậy, thị trường đã sàng lọc được những doanh nghiệp mang tính dẫn dắt thị trường và cũng đồng thời loại bỏ dần những doanh nghiệp thiếu minh bạch, thua lỗ lớn, làm mất niềm tin nhà đầu tư. 

 

Chỉ số P/E của VN-Index. Nguồn: Fiin Pro 

Chứng khoán Việt Nam có còn quá rẻ? 

Chỉ số P/E bình quân của TTCK Việt Nam hiện tại hơn 14,3 lần, trong khi đó của Thái Lan là 16,5 lần, Indonesia là 22 lần, Malaysia 15,8 lần, cao hơn PE của TTCK Trung Quốc (14,7 lần).

So với các TTCK phát triển như Mỹ (16,5) và châu Âu (20,7) thì khoảng cách đang được rút ngắn. Như vậy, TTCK Việt Nam đã bước qua thời kỳ giá rẻ, kéo gần lại khoảng cách so với các nước trong khu vực, chuyển trạng thái từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
 

 

 Biến động ở các ngành. Nguồn: Fiin Pro 
 

Chỉ số P/E của VN-Index cũng bị ảnh hưởng và tác động khá nhiều bởi chỉ số của nhóm cổ phiếu Large Cap như VNM, MSN, FPT, VIC, VCB, BVH… Cũng dễ hiểu khi nhóm cổ phiếu này đóng vai trò dẫn dắt VN-Index trong nhịp tăng vừa qua. Nhóm này cũng chiếm mức vốn hóa khá lớn của chỉ số VN-Index.

 

Hiện tại, nhóm Large Cap đang tiến gần tới vùng kháng cự và có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh, do vậy, có thể xuất hiện sự đánh giá lại của chỉ số PE của VN-Index ở nhịp tăng tiếp theo.

Cạnh tranh dòng vốn ngoại

Chỉ số PE của TTCK Việt Nam ở mức cao làm giảm tính hấp dẫn và tạo ra sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn vốn ngoại. Bên cạnh nguồn vốn từ nhà đầu tư trong nước, dòng vốn ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK cũng như sự sôi động, quy mô và tính thanh khoản.
 

 

 

Để thu hút được dòng vốn ngoại, bên cạnh yêu cầu về chất lượng của “hàng hóa” trên thị trường, thì vấn đề về minh bạch thông tin của doanh nghiệp niêm yết là yếu tố tối quan trọng. Mặt khác, việc áp dụng quy chế giao dịch mới trên 2 sở giao dịch chứng khoán bước đầu đã cải thiện tình trạng thanh khoản của thị trường chung.
 
Nếu triển khai TTCK phái sinh vào năm 2017 và phát triển các sản phẩm chứng quyền thì chỉ số VN-Index sẽ tăng quy mô, độ sâu, độ rộng và như vậy, tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam sẽ tăng.

Theo DNSG