Những lời nói xấu, tin đồn vô căn cứ trên lớp có thể khiến cho một đứa trẻ bị cô lập và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm nếu không được giải quyết hợp lý.
Ảnh minh họa
Chia sẻ với con tình huống tương tự
Khi bị nói xấu cũng là lúc trẻ cảm thấy bản thân mình bị ghét bỏ, tự ti và yếu kém. Vì thế, đây chính là lúc mà bất cứ cha mẹ nào cũng nên biểu lộ sự yêu thương, quan tâm và chấp nhận con cái mình ở mọi mặt tốt xấu để đứa trẻ không có cảm giác mình bị bỏ rơi. Hãy kể cho con nghe câu chuyện tương tự nếu trước đây bạn cũng từng bị nói xấu, cô lập trên lớp và giải thích cho con hiểu rằng rồi thời gian sẽ giúp mọi chuyện ổn thỏa.
Dạy con cách tự bảo vệ bản thân
Tùy theo cách nói của mỗi người mà bạn nên giải thích cho con biết bằng con không thể kiểm soát hết được tất cả những gì bạn bè nói về mình. Điều con nên làm là hãy bỏ ngoài tai và tập trung học tốt, làm tốt việc của mình để các bạn không thể có cớ tiếp tục nói xấu con.
Khuyên con hạn chế truy cập mạng xã hội
Mạng xã hội như Facebook hiện nay đã trở thành công cụ lý tưởng để những lời nói xấu được lan truyền mạnh mẽ hơn. Vì thế, khi biết con bị nói xấu, cô lập trên lớp, bạn nên khuyên con tạm tránh xa các mạng xã hội để không phải tốn thời gian đọc và đối phó những bình luận không đáng có mang tính đả kích, coi thường mình.
Khuyên con nên tập trung vào sở thích của mình
Việc tập trung vào những sở thích cá nhân như đọc sách, chơi nhạc cụ, nấu ăn, vẽ, ca hát không những giúp trẻ tránh xa những lời chỉ trích, mở lối thoát tinh thần, mà còn giúp trẻ rèn luyện cảm xúc, khả năng thấu cảm và quản lý thời gian chuyên nghiệp hơn trong những tình huống tương tự sau này.
Giúp con xác định cách phản kháng phù hợp
Chúng ta không thể thay đổi những gì đã diễn ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cách hành động, suy nghĩ để sau cùng mình không bị tổn thương quá nhiều. Do đó, trong trường hợp những lời đồn đại, nói xấu, bắt nạt đi quá giới hạn cho phép, hãy động viên con tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường, gia đình để vấn đề được giải quyết, thay vì im lặng chịu đựng một mình.
Theo Thanh niên